LỜI THÚ TỘI CỦA LY SỮA THƠM – Kỳ 1: NHỮNG LỢI ÍCH ÍT ỎI CỦA SỮA

Bạn Nghé học trường quốc tế về kể với mẹ Quỳnh, "trường con chẳng biết cái gọi là Trần Lan Hương đâu mẹ ạ" (cảm ơn Nghé mỗi khi ăn lại nhớ đến coach :)), và "khi con nói uống sữa không tốt đâu thì cả trường phản đối ầm ầm, bảo con "thiếu hiểu biết"". Ở trường ngày nào cũng bắt học sinh uống sữa, con không uống cũng khó! Mẹ Quỳnh đem tâm sự của Nghé hỏi coach.

May quá, vừa rồi coach có dịp gặp 2 chuyên gia đầu ngành Dinh dưỡng VN là Tiến sĩ Từ Ngữ - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng VN (đọc bài "Chuyên gia dinh dưỡng cả đời tránh uống sữa"), và Tiến sĩ Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng VN. Chú Tuyên đưa tận tay coach 2 bài báo đăng trên báo Sức khỏe & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, tháng 5/2016 mới đây. Coach chụp lại bài báo và kỳ cạch gõ lại nội dung cho dễ đọc. Biết rằng, thời nay báo giấy không lại được với quảng cáo nã pháo tivi mỗi ngày nên mong cả nhà phát huy tối đa vũ khí facebook, ai có phây thì share, mới mong "xóa mù về sữa" được cho các bạn của Nghé. Cảm ơn cả nhà nhiều.



LỜI THÚ TỘI CỦA LY SỮA THƠM 

– Kỳ 1: NHỮNG LỢI ÍCH ÍT ỎI CỦA SỮA

Nguồn: Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế Việt Nam - Báo Sức khỏe & Đời sống, số 87 ngày 30/5/2016, trang 13, tác giả Lưu Thị Kim Oanh.

Sữa bò hay sữa một số loài động vật khác từ lâu đã trở thành thứ thực phẩm không thể thiếu của con người. Hiếm có một thứ thực phẩm nào được con người coi là hoàn hảo đến vậy. Sữa được sử dụng ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ, đàn ông, người già…và sử dụng mọi lúc, mọi nơi, từ lúc khỏe mạnh cho đến khi bệnh tật, từ lúc đang đói cũng như lúc còn no… Vậy sữa có thực sự hoàn hảo? Bài viết cung cấp thông tin từ nhiều góc nhìn về sữa dựa trên các nghiên cứu khoa học trên thế giới, giúp mọi người có được những thông tin giá trị, đáng tin cậy, từ đó quyết định có thể tiếp tục uống sữa hoặc uống sữa ở mức độ nào để gìn giữ sức khỏe tốt nhất.

Có hàng nghìn nghiên cứu về sữa từ năm 1988 cho đến nay, trong đó có những nghiên cứu rất lớn, theo dõi dài trong rất nhiều năm, đã chỉ ra mặt lợi, mặt hại của sữa, cũng có một số kết quả không thống nhất giữa các nghiên cứu. Ngoài ra, một số nghiên cứu có độ tin cậy không cao khi nguồn tài trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu là các hãng sữa (dường như các kết quả nghiên cứu như vậy sẽ có lợi cho các hãng sữa).

Nghiên cứu về mặt lợi của sữa

Đối với xương và chiều cao: Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người tiêu dùng sữa ít có khả năng tăng nguy cơ gẫy xương. Các thử nghiệm ngẫu nhiên ở trẻ em (7 nghiên cứu) và phụ nữ trưởng thành (2 nghiên cứu) chỉ ra rằng việc tiêu thụ sữa với lượng lactose thấp có thể cải thiện hàm lượng chất khoáng trong xương. Tuy nhiên, trong nghiên cứu tổng quan hệ thống đánh giá rằng, các nghiên cứu này có bằng chứng ở mức độ thấp. Họ cũng nhận thấy trong đó có một số nghiên cứu được tài trợ bởi ngành công nghiệp sữa nên chưa đủ độ tin cậy. Một số nghiên cứu chứng minh vai trò tích cực của sữa trong việc tăng chiều cao và phát triển tầm vóc ở trẻ.

Đối với phát triển trí thông minh và thị lực ở trẻ: Một nghiên cứu tổng quan hệ thống đã chỉ ra một số thử nghiệm lâm sàng bổ sung DHA và ARA vào sữa công thức đã không cho thấy một sự cải thiện trong phát triển trí tuệ và vận động ở trẻ. Thị lực có thể được cải thiện, nhưng hiệu quả của điều này trên toàn cầu chưa được xác định. Hiện chưa có nghiên cứu nào kết luận trẻ ăn sữa công thức (có chứa DHA và ARA nhân tạo) có não phát triển tốt hơn và thông minh hơn trẻ bú mẹ (sữa mẹ vốn dĩ dồi dào DHA và ARA ở dạng tự nhiên và dễ sử dụng nhất). Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ bú mẹ hoàn toàn có não phát triển tối ưu vượt trội.

Đối với giảm nguy cơ ung thư: Một phân tích gộp các dữ liệu từ 10 nghiên cứu thuần tập ở 5 quốc gia cho thấy tiêu thụ một lượng sữa lớn có liên quan tới giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

Ngoài ra sữa bổ sung một số chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, con người hoàn toàn có thể có được các chất dinh dưỡng này từ các thực phẩm tự nhiên.

Việc sử dụng sữa công thức ở Nhật Bản

Ở Nhật, sữa bột không được quảng cáo trên tivi, được bày bán rất khiêm tốn ở siêu thị và hiệu thuốc. Những chiêu quảng cáo uống sữa cho trẻ con cao lớn, thông minh như ở Việt Nam sẽ không thấy ở Nhật.

Phổ biến ở Nhật là khi trẻ bước sang 1 tuổi, cha mẹ chú trọng xây dựng cho trẻ tập thói quen lấy dinh dưỡng từ bữa ăn, từ đa dạng thực phẩm thiên nhiên khác, thay vì phụ thuộc vào sữa bột.

Nhà trẻ Nhật không cho trẻ uống sữa bột sau 1 tuổi, ngay cả khi phụ huynh muốn được đem đến để nhờ cô giáo cho con mình uống cũng bị từ chối. Vì điều ấy đi ngược lại với phương châm của nhà trẻ.
Cha mẹ Nhật hầu như không bao giờ so sánh cân nặng hay chiều cao của con mình với con hàng xóm. Họ luôn coi trọng việc con khỏe mạnh, hoạt bát, rắn rỏi và ăn theo nhu cầu hơn là việc con nặng bao nhiêu, con có mũm mĩm hay không. Chính thói quen suy nghĩ như thế sẽ giúp các bà mẹ cởi bỏ đi rất nhiều áp lực về cân nặng, chiều cao của con, từ đó tỉnh táo hơn trong việc cho con uống sữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...