Hiển thị các bài đăng có nhãn công nghiệp sữa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn công nghiệp sữa. Hiển thị tất cả bài đăng

LỜI THÚ TỘI CỦA LY SỮA THƠM - KỲ 4 và hết: CÁC CƠ QUAN Y TẾ ĐÃ LÀM GÌ ... VỚI SỮA?

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống, Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế Việt Nam, 27/5/2016

(Link gốc trên báo điện tử
http://m.suckhoedoisong.vn/ky-cuoi-cac-co-quan-y-te-da-lam-gi-voi-sua-n117170.html, hình chụp báo in kết hợp nội dung cả Kỳ 3 và Kỳ 4 báo điện tử)



SKĐS - Trước những thông tin về mặt trái của sữa như vậy, các cơ quan y tế đã làm gì?

- Ủy ban trách nhiệm y khoa Hoa Kỳ (Physicians committee for responsible medicine) đưa ra 8 lý do lớn để nên loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn của bạn. Tài liệu này đề cập đến 8 lý do chính sau: các vấn đề về loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, không dung nạp đường lactose, ngộ độc vitamin D, nhiễm hóa chất, các lo ngại về sức khỏe đối với trẻ sơ sinh và trẻ em.

- Ở Việt Nam, ít ai biết Nghị định mới đây của Thủ tướng Chính phủ cấm các hãng sữa quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, cấm tiếp cận các bác sĩ, y tá để tiếp thị sữa, cấm các hãng sữa tài trợ các nghiên cứu khoa học ... là kết quả của một quá trình vận động kiên trì của Bộ Y tế và UNICEF.

Theo đó, quy định mới nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi dưới mọi hình thức. Việc sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai cũng không được phép. Vậy tại sao lại có các lệnh cấm này? Có muôn vàn lý do mà trong khuôn khổ bài viết này tôi không đề cập hết được, tôi chỉ đưa ra 1 vài dẫn chứng điển hình: “Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có cơ hội sống sót cao gấp 6 lần so với những trẻ khác trong những tháng đầu đời.

Những trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có tỉ lệ tử vong thấp hơn 14 lần so với những đứa trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ và đặc biệt việc nuôi con sữa mẹ giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy” (Theo tài liệu của UNICEF, 2015)17. Ngoài ra, trong khi sữa mẹ có đủ 14 hệ thống kháng thể tự nhiên cho con người thì sữa công thức không hề có.

Do đó, trẻ không được nuôi dưỡng theo chuẩn tối ưu sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng của trẻ, làm trẻ dễ bị viêm nhiễm, dị ứng và bệnh tật sau này. Một nghiên cứu của Đại học Brown, Mỹ được công bố năm 2013 phát hiện thấy, trước 2 tuổi, những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 3 tháng đầu tăng cường phát triển các vùng chủ chốt trong não hơn so với nhóm trẻ uống sữa công thức hoàn toàn hoặc phối hợp với sữa mẹ.

Sự phát triển thêm rõ rệt nhất ở những vùng của não liên quan đến ngôn ngữ, cảm xúc và nhận thức. Ngoài ra, nhóm được bú sữa mẹ hoàn toàn có tốc độ phát triển chất trắng trong não nhanh nhất. Đứng thứ hai là nhóm “bú phối hợp” vừa được bú mẹ vừa sữa ngoài, thấp nhất là nhóm ăn sữa ngoài hoàn toàn18.

Sau 1 năm Nghị định có hiệu lực tại Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều hình thức quảng cáo, tiếp thị sữa trá hình. Vì vậy, để Nghị định 100 thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học vẫn cần phải làm nhiều việc.

- Cùng với Việt Nam, khoảng 50 Quốc gia trên thế giới đã thực hiện lệnh cấm này. Đây là thành quả quan trọng trong cuộc đấu tranh vì sức khỏe cộng đồng của các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ cũng như các cơ quan y tế.

- Và thêm một số thông tin về việc sử dụng sữa công thức ở Nhật Bản:

+ Ở Nhật, sữa bột không được quảng cáo trên tivi, được bày bán rất khiêm tốn ở siêu thị và hiệu thuốc. Những chiêu quảng cáo uống sữa cho trẻ cao lớn, thông minh như ở Việt Nam sẽ không thấy ở Nhật.

+ Phổ biến ở Nhật là khi trẻ bước sang 1 tuổi, cha mẹ chú trọng xây dựng cho trẻ tập thói quen lấy dinh dưỡng từ bữa ăn, từ đa dạng các thực phẩm thiên nhiên khác thay vì phụ thuộc vào sữa bột.

+ Nhà trẻ Nhật không cho trẻ uống sữa bột sau 1 tuổi, ngay cả khi phụ huynh muốn được đem đến để nhờ cô giáo cho con mình uống cũng bị từ chối. Vì điều ấy đi ngược lại với phương châm của nhà trẻ.

+ Cha mẹ Nhật hầu như không bao giờ so sánh cân nặng hay chiều cao của con mình với con hàng xóm. Họ luôn coi trọng việc con khỏe mạnh, hoạt bát, rắn rỏi và ăn theo nhu cầu hơn là việc con nặng bao nhiêu, con có mũm mĩm hay không. Chính thói quen suy nghĩ như thế sẽ giúp các bà mẹ cởi bỏ đi rất nhiều áp lực về cân nặng, chiều cao của con, từ đó tỉnh táo hơn trong việc cho con uống sữa.

Rõ ràng loại thực phẩm này ẩn chứa nhiều nguy cơ sức khỏe. Nếu bạn muốn có “trải nghiệm” với những nguy cơ sức khỏe này, thì hãy tiếp tục uống nó hàng ngày và coi nó là “bạn tốt”. Với tôi, sữa vốn không đơn giản, có thể “làm hại” mình bất cứ lúc nào. Vậy nên, nó sớm đã không có trong khẩu phần ăn của tôi và con trai. Bạn hãy tự đưa ra quyết định của mình dựa trên những thông tin trên đây. Chúc các bạn đưa ra những quyết định sáng suốt!

Lưu Thị Kim Oanh (Ncbi.nlm.nih.gov)

LỜI THÚ TỘI CỦA LY SỮA THƠM - KỲ 3: HẦU HẾT MỌI NGƯỜI KHÔNG BIẾT VỀ MẶT TRÁI CỦA SỮA?

(tiếp theo Kỳ 1 & 2 báo giấy SK&ĐS đã đăng)

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống, Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế Việt Nam, ngày 20/5/2016, link gốc


SKĐS - Bài viết bàn luận thêm một số vấn đề để các bạn tham khảo, mục đích cuối cùng là để đưa ra một quyết định tự tin và sáng suốt về việc sử dụng sữa.

Tại sao chúng ta lại yêu sữa đến vậy?

Chắc hẳn nếu ai đó nói với bạn “sữa không tốt cho sức khỏe”, ngay lập tức bạn thấy điều này rất khó chấp nhận. Đơn giản vì, bạn đã là “tín đồ” của sữa một cách tự nhiên. Và như đã nói ở trên chúng ta đã được “rèn luyện” từ nhỏ để yêu sữa, để coi sữa là một thực phẩm quý giá, thiết yếu, tốt cho sức khỏe.

Có phải bạn hay nói với con bạn “ Uống sữa để cho cao…mau lớn ….thông minh…khỏe mạnh….”. Những điều này cũng không phải các mẹ tự nghĩ ra, vậy các mẹ lấy các thông tin về lợi ích của sữa này từ đâu? Chủ yếu là từ quảng cáo của các hãng sữa: thêm cao, mắt sáng, thông minh và còn cả tăng cường miễn dịch nữa??? Hàng tá lợi ích thế này không yêu sao được. Hơn nữa, hầu hết mọi người đều thích cái vị thơm ngon, béo ngậy của sữa. Nó cũng vô cùng tiện lợi và dễ sử dụng, nhất là đối với trẻ em. Bảo sao, ta cứ dành một tình yêu bất diệt cho sữa.

Tại sao chúng ta không nên lấy việc tiêu thụ sữa lớn ở một số nước Bắc Âu để đem ra so sánh và làm chuẩn?

Người Bắc Âu đã có lịch sử uống sữa bò và ăn phô mai cùng các sản phẩm từ sữa khoảng 8000 năm trước đây, cùng thời gian với người dân Đông Á học cách trồng lúa và làm rượu gạo. Khi những người châu Á đầu tiên uống rượu, họ bị say với chỉ một lượng rượu rất nhỏ thì những người Bắc Âu đầu tiên thử uống sữa cũng bị vấn đề về tiêu hóa bởi họ thiếu gen sản xuất ra lactase, một loại enzyme giúp tiêu hóa đường lactose có trong sữa.

Ở một vài nơi trên thế giới, con người cuối cùng đã biến đổi về gen để cho phép họ và con cái tiêu hóa sữa tốt hơn (Cũng như vậy, nếu sữa được ai đó uống đủ một thời gian dài thì sẽ xuất hiện sự thích ứng ở ruột trong việc tiêu hóa sữa, sẽ làm tăng men tiêu hóa lactose). Hơn 80% dân số ở quần đảo Anh và Scandinavia khi sinh ra đã có enzyme lactase và có thể tiêu hóa được sữa vào tuổi tuổi trưởng thành. Ở Bắc Ấn Độ, khoảng 63% dân số có lactase, ở phía Nam Ấn Độ, tần suất là từ 10 đến 20%. Ở Đông Phi và Trung Đông, sữa bò và lạc đà đã được uống từ hàng ngàn năm, vì thế, tỷ lệ dân số có enzyme lactase là cao.

Như vậy, việc uống sữa ở một số nơi trên thế giới không đơn thuần chỉ là sử dụng một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng mà nó dường như trở thành một nét văn hóa có lịch sử lâu đời của họ. Họ uống sữa lâu đời đến mức biến đổi về gen để tiêu hóa sữa tốt hơn. Do vậy, đa phần họ không gặp phải các vấn đề tiêu hóa và các hệ lụy khác do không dung nạp đường lactose sinh ra như người dân ở nơi khác. Điều này cũng được chỉ ra trong một báo cáo tổng quan hệ thống được Cơ quan đặc trách nghiên cứu và chất lượng y tế, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ công bố. Nghiên cứu chỉ ra ở những cá nhân người Bắc Âu, cường độ không dung nạp lactose rất thấp ở trẻ em và vẫn ở mức thấp khi trưởng thành. Tuy nhiên, đối với người Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha, Châu Á, cường độ không dung nạp lactose có thể cao hơn 1,5 lần vào cuối thời thơ ấu và tuổi trưởng thành so với người Bắc Âu.

Thừa nhận rằng chúng ta cần học tập nhiều điều từ người châu Âu, nhưng không phải tất cả, chẳng hạn như việc tiêu thụ lớn fast food và thực phẩm công nghiệp hàng ngày, sự phổ biến của hút thuốc lá ở các lứa tuổi, giới tính hay sự phát triển công nghiệp quá mức dẫn đến việc tàn phá và hủy hoại môi trường, việc chú trọng đến tăng trưởng GDP mất cân bằng với GNP. Không phải đất nước họ văn minh và phát triển thì điều gì họ làm cũng đúng và là chuẩn cho ta. Họ uống sữa nhiều không có nghĩa chắc chắn là sữa tốt (Fast food không có lợi cho sức khỏe, vậy tại sao họ vẫn sử dụng nhiều, sử dụng hàng ngày. Chúng ta cần biết rằng họ vẫn phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe từ thực phẩm này, chẳng hạn béo phì). Thông tin tốt nhất cho chúng ta là từ các nghiên cứu đáng tin cậy và từ các khuyến cáo của các cơ quan y tế có uy tín, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức hoạt động vì cộng đồng.

Xét về khía cạnh thiên nhiên, sữa bò dùng cho người có gì bất hợp lý không?

Theo bạn, sữa của loài bò mà dùng cho loài người liệu có phù hợp với tự nhiên không? Uống sữa của một loài khác có phải là thuận tự nhiên không? Hãy sử dụng khả năng xét đoán của bạn một chút. Sữa của mọi loại động vật có vú là riêng biệt và được tiết ra theo yêu cầu của loài đó. Sữa bò giàu protein hơn sữa người từ 3 đến 4 lần. Tuy nhiên, lại thiếu các axit béo thiết yếu để phát triển não và hệ thần kinh. Rõ ràng, sữa bò không được thiết kế cho người. Đặc tính riêng của loài người là hệ thần kinh phát triển ở mức cao và khả năng điều khiển cơ bắp tinh tế. Chúng ta không cần khung xương đồ sộ hay cơ bắp khổng lồ như con bò. Trẻ sơ sinh cần những nguyên liệu thiết yếu để phát triển não bộ, tủy sống và dây thần kinh của chúng. Theo một nghiên cứu năm 1992 đăng trên tạp chí Lancet, trẻ bú mẹ có chỉ số IQ cao hơn 10 điểm so với những trẻ uống sữa công thức.

Tại sao hầu hết mọi người không biết về mặt trái của sữa?

Mặt được cho là tốt của sữa được quảng cáo rầm rộ trên TV cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác. Mặt trái của sữa thì hầu như “nằm im” trong các tài liệu nghiên cứu khoa học, nếu có được công bố thì hầu như cũng chỉ giới khoa học biết với nhau và không được phổ biến rộng rãi cho cộng đồng. Đơn giản vì chẳng có ai tài trợ cho các nhà khoa học quảng cáo rộng rãi cả, nếu có phổ biến ra cộng đồng thì “ăn thua” gì so với các quảng cáo sữa, các chiêu thức marketing chuyên nghiệp. Khác nào lấy trứng chọi đá.

Vậy nên với hầu hết mọi người, mặt lợi thì thuộc như cháo chảy, mặt hại thì không nghe thấy bao giờ hoặc có chăng thì rất lờ mờ và chính vì lờ mờ nên hầu như là không tin. Cần nói rõ ở đây là mặt lợi theo quảng cáo, còn cụ thể lợi như thế nào không phải ai cũng biết. Đó có thể coi là 1 cuộc chiến không cân sức giữa các nhà sản xuất sữa và các nhà khoa học chân chính, có trình độ chuyên môn sâu và đam mê nghiên cứu về sữa (Tôi cần phải nói rõ là nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu và đam mê nghiên cứu hoặc tìm hiểu về sữa, chứ không hẳn là các chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng, hoặc bác sỹ dinh dưỡng mà không tìm hiểu kỹ và đủ thông tin về sữa thì cũng khó đưa ra cho bạn lời khuyên tốt).

Vậy nên sữa vẫn được quảng bá rộng rãi để mọi người lầm tưởng về nhiều lợi ích của nó. Chẳng có gì lạ cả. Các bạn thử nghĩ xem đến thuốc lá được chứng minh và phổ biến ba năm rõ mười cho cộng đồng biết về tác hại của nó mà vẫn được sản xuất và sử dụng rộng rãi. Đây thì lại là 1 cuộc chiến giữa ngành y tế và ngành thương mại thuốc lá (Để có được thành quả là dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” được dán trên vỏ bao thuốc lá với nội dung như thế, cỡ chữ như thế, vị trí như thế, đằng sau nó là cả một sự nỗ lực của những nhà khoa học trong ngành y tế công cộng).

Mọi việc trong xã hội không đơn giản như chúng ta nghĩ, đen trắng rõ ràng, thẳng là thẳng, cong là cong, cái gì tồn tại được thì đều hợp lý. Vậy nên đừng thấy nó vẫn tồn tại ngang nhiên, nó vẫn được dùng phổ biến trong cộng đồng mà không mảy may nghi ngờ và đặt niềm tin hoàn toàn vào nó.

Lưu Thị Kim Oanh
(Ncbi.nlm.nih.gov)
LỜI THÚ TỘI CỦA LY SỮA THƠM 

- Kỳ 2: MỘT SỐ TÁC HẠI CỦA SỮA ĐÃ ĐƯỢC CẢNH BÁO (tiếp theo Kỳ 1)

Nguồn: Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế Việt Nam - Báo Sức khỏe & Đời sống, số 88 ngày 30/5/2016, trang 13, tác giả Lưu Thị Kim Oanh.



Vấn đề về loãng xương: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu thụ sữa với lượng lactose thấp có thể cải thiện hàm lượng chất khoáng trong xương. Tuy nhiên, một số nghiên cứu quy mô lớn đã chỉ ra điều ngược lại. Công trình nghiên cứu sức khỏe trên các y tá của Đại học Harvard theo dõi hơn 75.000 phụ nữ trong suốt 12 năm cho thấy việc tăng tiêu thụ sữ không có hiệu quả bảo vệ đối với nguy cơ gẫy xương. Trên thực tế, việc tăng nạp các sản phẩm sữa liên quan đến nguy cơ loãng xương và gẫy xương cao hơn. Một công trình nghiên cứu khác của tác giả Cumming và Klineberg (Khoa Y tế công cộng, ĐH Sydney, Úc) đã chỉ ra việc tiêu thụ các sản phẩm sữa, đặc biệt ở tuổi 20, có liên quan đến tăng nguy cơ gẫy xương hông ở người già.

Ngoài ra một nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ mới đây của Cơ quan Lương thực Thụy Điển gây chú ý mạnh mẽ với giới khoa học. Nghiên cứu cho biết, sau khi theo dõi hơn 100.000 người Thụy Điển cả nam và nữ suốt 23 năm, các tác giả nghiên cứu không tìm thấy 1 mối liên hệ nào giữa việc dùng sữa và giảm nguy cơ rạn xương, mà lại thấy điều ngược lại, những người uống nhiều sữa có nhiều khả năng chết sớm hơn những người uống ít hay không uống sữa. Ngoài ra, nghiêu cứu chỉ ra những phụ nữ uống ít nhất 3 ly sữa mỗi ngày có nguy cơ rạn xương hông cao hơn 60% so với những phụ nữ không uống sữa hoặc uống 1 ly sữa/ngày.

Như vậy, tác dụng của sữa đối với sức khỏe xương có nhiều kết quả trái chiều, nhưng sữa không chắc chắn tốt cho xương như bấy lâu nay ta vẫn nghĩ.

Tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư: Một số loại ung thư như ung thư buồng trứng,và ung thư tuyến tiền liệt được cho là có liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Một phân tích gộp cơ sở dữ liệu từ 12 bài báo khoa học chỉ ra tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm sữa và canxi ở nam giới có thể tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù sự gia tăng dường như là nhỏ. Một phân tích gộp khác dựa trên tổng hợp các nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ NHANES (Khảo sát nghiên cứu về sức khỏe và dinh dưỡng Quốc gia Hoa Kỳ) đã chỉ ra sữa có liên quan đến việc xuất hiện kinh nguyệt sớm ở bé gái vị thành niên.

Liên quan đến hoại tử đường ruột ở trẻ: Từ lâu, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trẻ sinh non ăn sữa bột công thức có nguy cơ bị hoại tử đường ruột cao hơn trẻ được bú sữa mẹ, nhưng về cơ chế dẫn đến việc bị hoại tử đường ruột như thế nào thì chưa được hiểu rõ. Theo một nghiên cứu gần đây của Penn và Cộng sự (năm 2012), axit béo tự do sinh ra trong quá trình tiêu hóa sữa bột công thức đã gây chết các tế bào – điều có thể đã gây ra hoại tử đường ruột ở trẻ. Kết quả nghiên cứu rất rõ rệt, sữa bột công thức sau khi được tiêu hóa, trong vòng chỉ 5 phút đã giết chết các tế bào khỏe mạnh, trong khi đó sữa mẹ không hề có hiện tượng này. Trái lại, 2 chất trong sữa mẹ đã được tìm ra là có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư trong ống nghiệm. Chất tiêu diệt tế bào khối u Human Alpha-lactalbumin Made Lethal to Tumor cells (HAMLET) là một loại phức hợp chất béo-đạm có trong sữa mẹ có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư.

Nhiều tác hại khác cũng được phát hiện: Nguy cơ bệnh tim mạch (nếu sử dụng sữa chưa tách béo), bệnh tiểu đường, chứng không dung nạp đường lactose, ngộ độc vitamin D, nhiễm hóa chất, và những lo ngại về sức khỏe đối với trẻ sơ sinh và trẻ em (dị ứng, thiếu sắt, đau bụng, táo bón).

Ngoài ra, các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khi trong sữa có chứa các hormone tăng trưởng (hormone tăng trưởng được trộn vào thức ăn hoặc được tiêm trực tiếp cho bò sữa nhằm làm tăng năng suất sữa), chất kháng sinh (những con bò thường xuyên bị viêm vú nên thường xuyên phải điều trị bằng kháng sinh), tế bào máu và máu trắng (mủ sữa bò), các mầm bệnh của bò…

Trong các tài liệu được xem xét, sữa có mặt lợi và mặt hại. Vậy chúng ta hãy cùng so sánh và cân nhắc. Các mặt lợi của sữa được chỉ ra về sức khỏe của xương thì nhiều nghiên cứu khác chỉ ra điều ngược lại. Vậy mặt lợi này có thể coi là chưa rõ ràng. Còn mặt lợi về giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, chúng ta giảm được nguy cơ ung thư loại này thì lại gặp nguy cơ ung thư loại khác (buồng trứng, tiền liệt tuyến). Vậy nên mọi người hãy cân nhắc về lợi hại, được mất, nặng nhẹ, để đưa ra quyết định của riêng mình về việc sử dụng sữa.

LỜI THÚ TỘI CỦA LY SỮA THƠM – Kỳ 1: NHỮNG LỢI ÍCH ÍT ỎI CỦA SỮA

Bạn Nghé học trường quốc tế về kể với mẹ Quỳnh, "trường con chẳng biết cái gọi là Trần Lan Hương đâu mẹ ạ" (cảm ơn Nghé mỗi khi ăn lại nhớ đến coach :)), và "khi con nói uống sữa không tốt đâu thì cả trường phản đối ầm ầm, bảo con "thiếu hiểu biết"". Ở trường ngày nào cũng bắt học sinh uống sữa, con không uống cũng khó! Mẹ Quỳnh đem tâm sự của Nghé hỏi coach.

May quá, vừa rồi coach có dịp gặp 2 chuyên gia đầu ngành Dinh dưỡng VN là Tiến sĩ Từ Ngữ - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng VN (đọc bài "Chuyên gia dinh dưỡng cả đời tránh uống sữa"), và Tiến sĩ Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng VN. Chú Tuyên đưa tận tay coach 2 bài báo đăng trên báo Sức khỏe & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, tháng 5/2016 mới đây. Coach chụp lại bài báo và kỳ cạch gõ lại nội dung cho dễ đọc. Biết rằng, thời nay báo giấy không lại được với quảng cáo nã pháo tivi mỗi ngày nên mong cả nhà phát huy tối đa vũ khí facebook, ai có phây thì share, mới mong "xóa mù về sữa" được cho các bạn của Nghé. Cảm ơn cả nhà nhiều.



LỜI THÚ TỘI CỦA LY SỮA THƠM 

– Kỳ 1: NHỮNG LỢI ÍCH ÍT ỎI CỦA SỮA

Nguồn: Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế Việt Nam - Báo Sức khỏe & Đời sống, số 87 ngày 30/5/2016, trang 13, tác giả Lưu Thị Kim Oanh.

Sữa bò hay sữa một số loài động vật khác từ lâu đã trở thành thứ thực phẩm không thể thiếu của con người. Hiếm có một thứ thực phẩm nào được con người coi là hoàn hảo đến vậy. Sữa được sử dụng ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ, đàn ông, người già…và sử dụng mọi lúc, mọi nơi, từ lúc khỏe mạnh cho đến khi bệnh tật, từ lúc đang đói cũng như lúc còn no… Vậy sữa có thực sự hoàn hảo? Bài viết cung cấp thông tin từ nhiều góc nhìn về sữa dựa trên các nghiên cứu khoa học trên thế giới, giúp mọi người có được những thông tin giá trị, đáng tin cậy, từ đó quyết định có thể tiếp tục uống sữa hoặc uống sữa ở mức độ nào để gìn giữ sức khỏe tốt nhất.

Có hàng nghìn nghiên cứu về sữa từ năm 1988 cho đến nay, trong đó có những nghiên cứu rất lớn, theo dõi dài trong rất nhiều năm, đã chỉ ra mặt lợi, mặt hại của sữa, cũng có một số kết quả không thống nhất giữa các nghiên cứu. Ngoài ra, một số nghiên cứu có độ tin cậy không cao khi nguồn tài trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu là các hãng sữa (dường như các kết quả nghiên cứu như vậy sẽ có lợi cho các hãng sữa).

Nghiên cứu về mặt lợi của sữa

Đối với xương và chiều cao: Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người tiêu dùng sữa ít có khả năng tăng nguy cơ gẫy xương. Các thử nghiệm ngẫu nhiên ở trẻ em (7 nghiên cứu) và phụ nữ trưởng thành (2 nghiên cứu) chỉ ra rằng việc tiêu thụ sữa với lượng lactose thấp có thể cải thiện hàm lượng chất khoáng trong xương. Tuy nhiên, trong nghiên cứu tổng quan hệ thống đánh giá rằng, các nghiên cứu này có bằng chứng ở mức độ thấp. Họ cũng nhận thấy trong đó có một số nghiên cứu được tài trợ bởi ngành công nghiệp sữa nên chưa đủ độ tin cậy. Một số nghiên cứu chứng minh vai trò tích cực của sữa trong việc tăng chiều cao và phát triển tầm vóc ở trẻ.

Đối với phát triển trí thông minh và thị lực ở trẻ: Một nghiên cứu tổng quan hệ thống đã chỉ ra một số thử nghiệm lâm sàng bổ sung DHA và ARA vào sữa công thức đã không cho thấy một sự cải thiện trong phát triển trí tuệ và vận động ở trẻ. Thị lực có thể được cải thiện, nhưng hiệu quả của điều này trên toàn cầu chưa được xác định. Hiện chưa có nghiên cứu nào kết luận trẻ ăn sữa công thức (có chứa DHA và ARA nhân tạo) có não phát triển tốt hơn và thông minh hơn trẻ bú mẹ (sữa mẹ vốn dĩ dồi dào DHA và ARA ở dạng tự nhiên và dễ sử dụng nhất). Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ bú mẹ hoàn toàn có não phát triển tối ưu vượt trội.

Đối với giảm nguy cơ ung thư: Một phân tích gộp các dữ liệu từ 10 nghiên cứu thuần tập ở 5 quốc gia cho thấy tiêu thụ một lượng sữa lớn có liên quan tới giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

Ngoài ra sữa bổ sung một số chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, con người hoàn toàn có thể có được các chất dinh dưỡng này từ các thực phẩm tự nhiên.

Việc sử dụng sữa công thức ở Nhật Bản

Ở Nhật, sữa bột không được quảng cáo trên tivi, được bày bán rất khiêm tốn ở siêu thị và hiệu thuốc. Những chiêu quảng cáo uống sữa cho trẻ con cao lớn, thông minh như ở Việt Nam sẽ không thấy ở Nhật.

Phổ biến ở Nhật là khi trẻ bước sang 1 tuổi, cha mẹ chú trọng xây dựng cho trẻ tập thói quen lấy dinh dưỡng từ bữa ăn, từ đa dạng thực phẩm thiên nhiên khác, thay vì phụ thuộc vào sữa bột.

Nhà trẻ Nhật không cho trẻ uống sữa bột sau 1 tuổi, ngay cả khi phụ huynh muốn được đem đến để nhờ cô giáo cho con mình uống cũng bị từ chối. Vì điều ấy đi ngược lại với phương châm của nhà trẻ.
Cha mẹ Nhật hầu như không bao giờ so sánh cân nặng hay chiều cao của con mình với con hàng xóm. Họ luôn coi trọng việc con khỏe mạnh, hoạt bát, rắn rỏi và ăn theo nhu cầu hơn là việc con nặng bao nhiêu, con có mũm mĩm hay không. Chính thói quen suy nghĩ như thế sẽ giúp các bà mẹ cởi bỏ đi rất nhiều áp lực về cân nặng, chiều cao của con, từ đó tỉnh táo hơn trong việc cho con uống sữa.

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...