Hiển thị các bài đăng có nhãn Trotsky. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trotsky. Hiển thị tất cả bài đăng

Những thứ chủ nghĩa vẫn muôn đời bất diệt!

Và phá hoại! Có ngạc nhiên không? “Dự án Iskra” là trùng tên với tờ báo in lậu của Lenin thời trước 1917?

Proletarier aller Länder, vereinigt Euch! Ăng ghen và Mác đưa ra khẩu hiệu này trong Tuyên ngôn CS khi huy động giai cấp vô sản xuống đường biểu tình, lật đổ chính phủ Đức sau khi đòi giảm thuế cho doanh nghiệp nhà không thành.


Chẳng lẽ sự kiện Kazakhstan không để lại cái gì?

Có chứ, bởi “vật chất không tự nhiên sinh ra, cũng không tự biến đi”. Thế nên sự kiện này để lại khẩu hiệu: Masxism, Maoism, Trotskyism, Bolshevikism, Leninist, Stalinism và những người vô sản của tất cả các nước đoàn kết lại - Proletarier aller Länder, vereinigt Euch!

Điều này thực tế không được truyền thông thế giới đưa tin. Chỉ hai tuần sau các sự kiện nổi tiếng ở Kazakhstan, hơn 30 đảng cộng sản ở Nga đưa ra một tuyên bố tập thể. Họ kêu gọi một cuộc cách mạng Cộng sản trên toàn thể Liên bang Xô viết cũ với sự nhất trí phi thường.

 

Thực sự điều này là vô cùng hiếm có, lẽ kể từ 1991.

Lời kêu gọi này được đưa ra cùng với việc lên án "chế độ cai trị" ở Kazakhstan và "sự tương trợ lẫn nhau giữa chủ nghĩa thực dân-đế quốc", nghĩa là phản đối CSTO. Thậm chí là tuyên bố này là để lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Maoism “Bảo vệ đồng chí Mao” (OZTM) bất hợp pháp ở TQ (10 tháng 2 năm 1992).

Có đặc điểm kỳ lạ là cả ở các nước Liên Xô cũ, ở TQ, Đông nam á, Nam Á và Đông Ấn độ, Thái Lan, Philippines, Brunei, Đông Malaysia… các tổ chức và đảng Marxism, Maoism, Trotskyism, Leninist, Stalinism vẫn tồn tại bất chấp Liên Xô đã sụp đổ và TQ chẳng còn Cộng sản Mao như trước kia.

Ở Nga, có hàng chục đảng kiểu này, thậm chí được phép đăng ký hoạt động chính trị hợp pháp, còn con số các tổ chức, đảng không được đăng ký thì hàng trăm. Một số đảng phái cực đoan, công khai chống nhà nước và theo đuổi bạo lực lấy tên Marx, Lenin, Bolshevik thì đã bị cấm từ thập kỷ trước nhưng vẫn tồn tại. Thậm chí có một số đảng lấy tên đại loại là “Maoist Nga” và ví dụ 1 đảng có trang web ở đây.

Đây là tuyên ngôn của nhóm này: "Chúng tôi là những người theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Mặc dù vậy chúng tôi còn xa chúng tôi mới hoàn toàn tán thành Stalin, nhưng chúng tôi chủ yếu là tín đồ của thử nghiệm CNCS Trung Quốc, mà đỉnh cao là Cách mạng Văn hóa dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông và "Bộ tứ Thượng Hải" (tứ nhân bang do Giang Thanh cầm đầu). Chúng tôi chắc chắn không thích cái hót rác Khrushchev-Brezhnev và thị trường Trung Quốc hiện đại. Chúng tôi thờ ơ với "chấm dứt tuyệt chủng", "sự toàn vẹn của nước Nga", "tinh thần" và "trật tự", và những hư cấu khác về chủ nghĩa phát xít. Chúng tôi muốn thiết lập quyền lực của công nhân và những người lao động bình thường, quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ và nam giới, giải phóng các dân tộc bị áp bức."

Nhìn chung, ở Nga hiện tại không thiếu các đảng phái tuyên bố thừa tự tư tưởng, chân truyền nối dõi của Marx-Engels-Lenin-Stalin-Mao, Sự pha trộn kỳ lạ của tư tưởng và ý thức hệ xưa cũ lẫn chủ nghĩa vô chính phủ - anarchism, vừa cổ điển lạc hậu cũng lại vừa tân thời cấp tiến không thể giải thích cho sự tồn tại này. Sau tất cả, bất cứ luồng tư tưởng nào cũng mang tôn giáo tính và sự bế tắc, đói nghèo của một bộ phận dân chúng là cơ sở để thu hút những môn đồ mang ý chí cực đoan chống nhà nước. Sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi để bùng nổ các đảng phái-giáo phái khi các “đồng sàng dị mộng” dễ dàng tìm đến nhau kết bè đảng.

Một thống kê sơ bộ, hiện tại có đến 60 đảng kiểu này đang hoạt động, kể cả ở phương Tây. Còn ở TQ, nơi có sự kiểm soát gắt gao về chính trị, tư tưởng và truyền thông, những đảng kiểu này cũng vẫn tồn tại. Các đảng Mao và tân-Mao này cựu lực lên án Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình cầm quyền ĐCSTQ xét lại.

Đáng kể hơn, các đảng phái Maoism ở Nepal, Bhutan, Myanma thậm chí ở Brazil vẫn đang tiến hành chiến tranh du kích và khủng bố chống chính quyền. Thập kỷ 60 và 70 là thời kỳ hoàng kim của các đảng này. Đó cũng là thời kỳ họ bị Mao lợi dụng trong “cuộc chiến ý thức hệ” chống Liên Xô. Họ lên án "chủ nghĩa xét lại chủ nghĩa đế quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô".

Ở TQ hiện nay, đảng “Bảo vệ đồng chí Mao” (OZTM) bị coi là bất hợp pháp. Đảng này thành lập ngày 10 tháng 2 năm 1992 tại tỉnh Hồ Nam, quê hương Mao TRạch Đông. Nó vẫn đang hoạt động dù truyền thông TQ hiện nay cố gắng càng không nhắc đến càng tốt. Trong điều kiện ngoài vòng pháp luật, OZTM chia ra thành nhiều nhóm hoạt động ngầm trong khu vực, tuy thế, nó lôi kéo được khá nhiều giới lao động kém hiểu biết, các nhóm thanh niên thù ghét CNTB-chống toàn cầu hóa và cả các cựu lãnh đạo địa phương bậc thấp và bậc trung của ĐCSTQ ở một số tỉnh.

Giới chức TQ đã phải dẹp bỏ đảng này, bắt giữ 40 kẻ cầm đầu, là đại diện của đảng trong 20 tỉnh của TQ, tức là hoạt động của nó đã lan ra 1/3 số tỉnh thành của TQ. Hai kẻ đứng đầu, lãnh đạo đảng là: giáo sư ngữ văn Ma Houzhi (马厚芝) và  Wei Jinxiang (蔚晋湘), đã bị tống giam. Ma Houzhi được thả năm 2019 ở tuổi 76, nhưng không lâu lại ngựa quen đường cũ và lại bị bắt năm ngoái 2021 cùng nhiều kẻ hoạt động chính trị Maoism ngay trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.


Sau tất cả chẳng có gì mới trên bầu trời, thời của bạo loạn Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã mang theo chân dung của Lenin, Stalin và Mao với khẩu hiệu "Đả đảo phục hồi CNTB!" hay “Chiến binh vô sản quốc tế bảo vệ Mao!”... đã qua từ lâu. Dù vậy, cho đến nay, ĐCSTQ vẫn nhận được những lá thư nặc danh tố cáo, phản đối đầy màu sắc chính trị.

Ngay cả ở New York, cũng có một nhóm Nghiên cứu TQ công khai ủng hộ chủ nghĩa Mao (nhóm chinastudygroup). Nó được thành lập vào năm 1995, còn sau đó, có dấu vết liên hệ với OZTM và các trang web “Dự án Iskra”. Nhóm này lôi kéo khá nhiều thanh niên Maoist Hong Kong, Macao và các khu vực tự trị người dân tộc của TQ.

Vào đầu những năm 2010, dự án Wenge-wang (Cách mạng Văn hóa bảo vệ Mao) lại một lần nữa xuất hiện ở Bắc Kinh, chủ hiệu sách Utopia tên là Fan Jinggang, đã tạo ra một diễn đàn Internet có cùng tên, diễn đàn này đã trở thành một trung tâm thu hút các lực lượng Maoist. Kẻ đứng sau nó không ai khác là Bạc Hy Lai, chủ tịch tỉnh Liêu Ninh và thành phố Đại Liên.

Chuyện các lãnh tụ bảo trợ các diễn đàn, chăn dắt cờ đỏ cờ vàng trên mạng nay quá thường, có thể thấy ngay trên FB, vào lúc này. Bạc là một kẻ đặc sệt tư tưởng Maoism, bị loại bỏ trong vụ án chống tham nhũng, ông ta chạy vào Đại sứ quán Mỹ và sau đó, người Mỹ bị sức ép buộc phải trả người. Bạc bị tòa án TQ tuyên tù chung thân và tịch thu hết tài sản, cấm vĩnh viễn hoạt động chính trị.

Năm 2018 Utopia đóng một vai trò nổi bật trong sự kiện bãi công tại nhà máy Jasic. Nhận thấy các thành viên tân-Mao của diễn đàn quá đông và nguy hiểm, giới chức TQ phải dẹp bỏ diễn đàn. Số phận Fan Jinggang hiện nay không ai rõ ra sao.

Tập Cận Bình cũng từng phải giải tán một tổ chức young-Marxists khác vào năm 2018.

Gần đây hơn, lại xuất hiện nhóm Maoism “Red China” hoạt động tại Hong Kong. Trong các vụ bạo động, biểu tình ở cựu thuộc địa Anh, nhóm này đóng một vai trò đáng kể. với khẩu hiểu: nhân quyền, bảo vệ quyền lợi người lao động và phản đối chính sách của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Điều ngạc nhiên, là chủ nghĩa Mao lại thu hút được khá đông “giới trí thức” hay đúng hơn là những kẻ ít nhiều có học hành. Ví như các giáo sư - Liu Qingfeng, Fu Mingxiang, Nie Jubao, Wu Ronghua, Hu Jiahong, những kẻ đã phải chịu ngồi tù vì hoạt động Maoism. Một nhà nghiên cứu tên là Wu Zolai tin rằng việc giam giữ các nhà hoạt động như vật là do "Những người vẫn ủng hộ cố lãnh đạo Mao Trạch Đông đặt ra một thách thức tiềm tàng đối với sự cai trị hiện tại của ĐCSTQ". Ông này cho rằng, “một số trong họ tán thành việc thực hiện “cuộc cách mạng văn hóa” theo chủ nghĩa MaoVà do đó, ĐCSTQ "đàn áp những người theo chủ nghĩa Mao, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, bởi vì sự ổn định của chế độ là quan trọng nhất".

Đó là một lý do, nhưng chắc chắn chưa phải là gốc rễ. Vấn đề lớn hơn, tại sao những tư tưởng cổ điển lỗi thời mang dáng vẻ cấp tiến chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao vẫn tồn tại dai dẳng tận ngày nay? Câu hỏi này vẫn để ngỏ cho những ai quan tâm tìm câu trả lời!



 


Nguyễn Ái Quốc: phát biểu tại phiên họp thứ 22 đại hội V Quốc tế cộng sản

     Ngày 1-7-1924

Thưa các đồng chí, tôi chỉ xin bổ sung những ý kiến phê bình của đồng chí Manuinxki về chính sách của chúng ta trong vấn đề thuộc địa. Nhưng trước khi đi vào thực chất của vấn đề, tôi thấy nên đưa ra một vài con số thống kê về thuộc địa. Điều này sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn tất cả tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa.

 

Các nước

Chính quốc

Thuộc địa

Diện tích (km2)

Dân số

Diện tích (km2)

Dân số

Anh

151.000

45.500.000

34.910.000

403.600.000

Pháp

536.000

39.000.000

10.250.000

55.600.000

Mỹ

9.420.000

100.000.000

1.850.000

12.000.000

Tây Ban Nha

504.500

20.700.000

371.600

853.000

Ý

286.600

38.500.000

1.460.000

1.623.000

Nhật Bản

418.000

57.070.000

288.000

21.249.000

Bỉ

29.500

7.642.000

2.400.000

8.500.000

Bồ Đào Nha

92.000

5.545.000

2.062.000

8.738.000

Hà Lan

83.000

6.700.000

2.046.000

48.030.000

 Như vậy, 9 nước với tổng số dân 320.657.000 người và với diện tích 11.407.600 km2 bóc lột các nước thuộc địa gồm hàng trăm dân tộc với số dân 560.193.000 người và với diện tích 55.637.000 km2. Toàn bộ lãnh thổ của các nước thuộc địa rộng gấp 5 lần lãnh thổ của các chính quốc, còn số dân của các chính quốc chưa bằng 3/5 số dân của các nước thuộc địa.

Nếu tính riêng những cường quốc đế quốc lớn nhất, thì những con số này lại càng có sức thuyết phục hơn. Số dân của các thuộc địa Anh đông gấp hơn 8 lần rưỡi số dân nước Anh và đất đai của các thuộc địa Anh rộng gấp gần 252 lần đất đai của nước Anh. Còn nước Pháp thì chiếm một số đất đai rộng gấp 19 lần nước Pháp; và số dân ở các thuộc địa Pháp đông hơn số dân nước Pháp 16.600.000 người.

Vì vậy sẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng chừng nào Đảng Pháp và Đảng Anh chúng ta chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, thậm chí chưa đề cập đến quần chúng các nước thuộc địa, thì toàn bộ chương trình rộng lớn của hai đảng đó vẫn không có hiệu quả gì. Chương trình ấy sẽ không có hiệu quả gì vì nó trái với chủ nghĩa Lênin. Tôi xin nói rõ ý của tôi. Trong bài nói chuyện về Lênin và vấn đề dân tộc, đồng chí Xtalin đã chỉ rằng bọn cải lương và các lãnh tụ Quốc tế thứ hai đã không dám đặt ngang hàng các dân tộc da trắng và các dân tộc thuộc các màu da khác, rằng Lênin đã bác bỏ sự bất bình đẳng đó và phá tan cái vật chướng ngại ngăn chia những người nô lệ văn minh với những người nô lệ không văn minh của chủ nghĩa đế quốc.

Theo Lênin, cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

Sau đó, đồng chí Xtalin đã nói đến quan điểm phản cách mạng cho rằng không cần liên minh trực tiếp với phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, giai cấp vô sản châu Âu cũng có thể thắng lợi được. Nhưng nếu căn cứ vào hành động để xét về mặt lý luận thì tình trạng các đảng lớn của chúng ta, trừ Đảng Nga, không hoạt động gì cả khiến chúng ta có quyền cho rằng ngày nay các đảng đó vẫn còn giữ quan điểm mà đồng chí Xtalin đã nói.

Giai cấp tư sản các nước thực dân đã làm gì để kìm giữ trong vòng áp bức biết bao quần chúng của các dân tộc bị chúng nô dịch? Chúng làm tất cả. Ngoài việc dùng những phương tiện do bộ máy chính quyền Nhà nước đem lại cho nó, nó đồng thời còn tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa.

Còn các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản các nước khác mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ thuộc địa, thì đã làm những gì? Các đảng này, từ khi chấp nhận bản luận cương của Lênin, đã làm được những gì để giáo dục cho giai cấp công nhân nước mình tinh thần quốc tế chủ nghĩa chân chính, tinh thần gần gũi với quần chúng lao động các nước thuộc địa? Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về mặt này, thật hầu như chưa có gì cả. Còn về tôi, là một người sinh trưởng ở một nước hiện nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm rất và rất ít cho các nước thuộc địa.

Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Thử hỏi báo chí đó đã làm được gì? Không được gì hết.

Nếu đem so sánh những chỗ dành cho các vấn đề thuộc địa trên các tờ báo tư sản như Le Temps, Le Figaro, L' Oeuvre hay những báo thuộc các khuynh hướng khác như: Le Peuple hay Le Libertaire với những chỗ dành cho các vấn đề đó trên báo L'Humanité, cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng chúng tôi, thì phải nhận rõ rằng sự so sánh này sẽ hoàn toàn không có lợi cho chúng ta.

Bộ Thuộc địa đã đặt ra kế hoạch biến nhiều vùng ở châu Phi thành những vùng đồn điền rộng lớn của tư nhân, và biến dân bản xứ ở những nước này thành những dân nô lệ thật sự, bị trói buộc vào ruộng đất của những ông chủ mới, thế mà báo chí của chúng ta vẫn im tiếng hoàn toàn về điều này. Ở các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, người ta đã áp dụng những biện pháp cưỡng ép chưa từng thấy để bắt lính, thế mà báo chí của chúng ta vẫn không hề lên tiếng. Chính quyền thực dân ở Đông Dương đã biến thành những kẻ buôn nô lệ và bán những người dân Bắc Kỳ cho các chủ đồn điền trên các đảo ở Thái Bình Dương; chúng kéo dài thời hạn đi lính của dân bản xứ từ 2 năm lên 4 năm; chúng đem nộp phần lớn đất đai thuộc địa cho côngxoócxiom của những bọn tư bản cá mập; thuế má vốn đã quá nặng nề không chịu nổi, thế mà chúng lại còn tăng lên 30% trong lúc dân bản xứ bị phá sản và chết đói sau trận lụt. Thế mà báo chí chúng ta vẫn cứ im tiếng. Và sau tất cả những điều đó, các đồng chí sẽ ngạc nhiên thấy rằng nhân dân bản xứ đi theo những nhóm dân chủ và tự do như Hội Nhân quyền và các tổ chức tương tự khác là những tổ chức chăm lo hay làm ra vẻ chăm lo đến họ.

Nếu đi sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy những việc hoàn toàn không thể tưởng tượng được, làm cho mọi người phải nghĩ rằng Đảng chúng tôi đã coi thường tất cả những gì dính dáng đến các nước thuộc địa. Ví dụ: báo L'Humanité không hề đăng lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nhân dân các nước thuộc địa, do Quốc tế Cộng sản gửi đến để đăng trên báo. Trước Đại hội Liông47 trong mục đăng các bài tranh luận, đã đăng hết mọi luận cương, trừ luận cương về vấn đề thuộc địa. Báo L'Humanité đã đăng nhiều bài về thắng lợi của võ sĩ Xiki xứ Xênêgan, nhưng không hề lên tiếng khi các công nhân bến tàu Đaca, những người đồng nghiệp của Xiki bị bao vây trong khi đang làm việc, bị bắt và bị vứt lên xe ô tô chở về nhà giam và sau đó bị đưa sang trại lính để rồi trở thành những người bảo vệ văn minh, nghĩa là trở thành lính. Cơ quan trung ương của Đảng chúng tôi hằng ngày đều báo tin cho các bạn đọc về những chiến công của anh phi công Uadi đã bay từ Pháp sang Đông Dương; nhưng khi chính quyền thực dân cướp bóc nhân dân "nước An Nam cao quý", lấy ruộng của họ giao cho bọn đầu cơ Pháp, phái máy bay chở bom, rồi ra lệnh cho các phi công phải dạy cho những người dân bản xứ bất hạnh và bị cướp bóc kia phải biết điều, thì cơ quan của Đảng chúng tôi lại không thấy cần thiết báo tin đó cho các bạn đọc biết.

Thưa các đồng chí, qua báo chí của mình, giai cấp tư sản Pháp hiểu rằng vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa không tách rời nhau. Tôi cho rằng Đảng chúng tôi chưa hiểu hết điều đó. Những bài học ở miền Ruya, nơi mà binh lính bản xứ được phái đến trấn an những công nhân Đức bị đói, đã vây chặt những trung đoàn lính Pháp đáng nghi; trường hợp xảy ra trong đội quân phương Đông, trong đó binh lính bản xứ được giao súng máy để "động viên tinh thần" binh lính Pháp đã mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài và gian khổ; những sự kiện xảy ra năm 191748 ở nơi đóng quân của lính Nga ở Pháp; kinh nghiệm cuộc bãi công của công nhân nông nghiệp ở Pyrênê là nơi mà binh lính bản xứ đã buộc phải giữ vai trò nhục nhã của những kẻ phá hoại cuộc bãi công; và cuối cùng là sự có mặt của 207.000 binh lính bản xứ ở ngay nước Pháp, - tất cả những việc trên đây chưa làm cho Đảng chúng tôi phải suy nghĩ, chưa làm cho Đảng chúng tôi thấy cần phải thực hiện một chính sách rõ ràng và tích cực trong vấn đề thuộc địa. Đảng đã bỏ lỡ tất cả những cơ hội tốt để tuyên truyền. Những cơ quan lãnh đạo mới của Đảng đã thừa nhận là Đảng chúng tôi đã bị động trong vấn đề này. Tôi thấy đó là một dấu hiệu đáng mừng vì khi các lãnh tụ của Đảng đã thừa nhận và nhấn mạnh nhược điểm này trong chính sách của Đảng thì việc đó làm cho người ta hy vọng rằng Đảng sẽ cố gắng hết sức để sửa chữa và củng cố về mặt này. Tôi tin chắc rằng Đại hội này sẽ là bước ngoặt về mặt này và sẽ thúc đẩy Đảng sửa chữa được những thiếu sót trước. Mặc dù nhận xét của đồng chí Manuinxki về cuộc vận động bầu cử ở Angiêri rất đúng, song để cho được khách quan, tôi phải nói rằng đúng là Đảng chúng tôi đã bỏ lỡ dịp tốt ở đây, nhưng đã sửa chữa sai lầm, đã đưa đại biểu người bản xứ ra ứng cử ở quận Pari. Tất nhiên như thế còn ít, song bước đầu như vậy là tốt. Tôi sung sướng nhận thấy rằng hiện nay Đảng chúng tôi lại có những ý định tốt đẹp nhất, lại có lòng hăng hái, cái đó là hoàn toàn mới đối với Đảng chúng tôi; và chỉ cần bằng hành động thực tiễn thì nhất định những cái ấy sẽ đưa Đảng tới một chính sách đúng đắn trong vấn đề thuộc địa.

Vậy phải hành động thực tiễn như thế nào ? Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể. Tôi đề nghị mấy điểm dưới đây:

1. Mở trên báo L'Humanité một mục để đăng đều đặn hằng tuần ít nhất hai cột các bài về vấn đề thuộc địa.

2. Tăng cường tuyên truyền và tuyển lựa đảng viên của Đảng trong những người bản xứ ở những nước thuộc địa đã có phân bộ cộng sản.

3. Gửi những người bản xứ vào Trường đại học cộng sản của những người lao động phương Đông ở Mátxcơva.

4. Thoả thuận với Tổng Liên đoàn lao động thống nhất49 để tổ chức những người lao động của các thuộc địa làm việc ở Pháp.

5. Đặt nhiệm vụ cho các đảng viên của Đảng phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.

Theo tôi, những đề nghị này là hợp lý và nếu Quốc tế Cộng sản và các đại biểu của Đảng chúng tôi tán thành thì tôi tin rằng đến Đại hội lần thứ VI, Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi sẽ có thể nói rằng mặt trận thống nhất của nhân dân chính quốc và thuộc địa đã trở thành sự thật.

Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác.

 

In trong sách Đại hội toàn thế giới
lần thứ V Quốc tế Cộng sản,
bản tốc
ký, tiếng Nga, phần I, Nxb. Chính trị
quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.653-657.

 



Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...