Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Đông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Đông. Hiển thị tất cả bài đăng

Mấy ý kiến về bộ phim "Mùa Đông 1991"



Bành Đức Hoài: MÂM XÔI VÀNG CỦA LÀNG PHIM TÀI LIỆU VIỆT NAM GỌI TÊN MEDIA 21

Khi bộ phim Mùa đông 1991 được Media 21 và HTV hợp tác sản xuất được quảng bá ráo riết trên mạng xã hội, báo điện tử và truyền hình, người ta những tưởng đây sẽ là bước đột phá lớn trong cách đánh giá về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô, kế thừa từ nhiều bộ phim và loạt bài báo hay về vấn đề này của Quân đội Nhân dân điện tử hay báo Nhân dân. Những người thực hiện bộ phim kể lể, khoe khoang về một dàn các chuyên gia và quan chức, tướng lĩnh cao cấp của VN và nước ngoài , về tính công phu của bộ phim như thể nó là một siêu phẩm của phim tài liệu nước nhà.
Thực tế thì chỉ sau 3 tập đầu tiên, bộ phim đã gây thất vọng rất lớn cho bản thân tôi, là một người xem. Rất nhiều người xem khác đã liên hệ và chia sẻ cảm xúc đó với tôi.
Những gì tôi nói ở đây sẽ bổ sung vào phần của bác Phan Việt Hùng đã trình bày về sạn của phim.
-Phim nói rằng mô hình Stalin là tập thể hoá cưỡng bức và nó là hình mẫu cho việc xây dựng CNXH ở các nước Đông Âu. Điều này là xuyên tạc sự thật. Trong cuộc hội đàm giữa Stalin và ban lãnh đạo CHDC Đức tháng 3/1952, Stalin đã gợi ý cho ban lãnh đạo Đức tiến hành tập thể hoá nông nghiệp theo mô hình đồng tâm, tức là lấy ruộng đất của kulak và trung nông cùng với tập hợp bần cố nông làm cơ sở để hình thành nông trang tập thể. Stalin đề nghị CHDC Đức k trấn áp kulak như thập niên 30 ở Liên Xô, đồng thời ông cũng nói rằng ở Hungary và Ba Lan cũng đã làm như vậy. Có thể thấy rằng, có ít nhất 3 nước trong khối Đông Âu k hề lấy "mô hình Stalin" làm khuôn mẫu, và thực tế Stalin cũng chả đẻ ra cái mô hình nào. Những người làm phim hình như k học lịch sử.
- Sau một loạt các câu bình luận võ đoán và chả có bằng chứng nào về công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô thời kỳ Stalin, phim kết luận mơ hồ: các chính sách của Stalin làm cho bầu không khí chính trị xã hội trở nên ngột ngạt, châm ngòi cho thảm hoạ hệ thống ở Liên Xô (?). Thưa với Media 21, đây là phim tài liệu lịch sử, không phải sách giáo khoa THPT mà các vị thích xằng bậy gì cũng được. Các vị hãy dừng nói mồm và đưa ra dẫn chứng.
-Phim nói rằng kể từ ĐH VI QTCS, QTCS dưới sự lãnh đạo của Stalin đã chuyển sang cực tả , trong khi chả đưa ra dẫn chứng nào. Quá tệ hại .
-Phim vu khống Stalin gây ra Đại Thanh trừng và đề ra tệ sùng bái cá nhân. Trời ơi. Trong khi chính sử gia Yuri Zhukov, người được phim phỏng vấn , năm 2002 đã từng cho biết các bí thư Đảng ủy oblast đã cấu kết với lãnh đạo NKVD là Yezhov để ép Stalin đồng ý cho chúng tác oai tác quái, bằng không ông sẽ bị giết hoặc bỏ tù. Và như ta đều biết, NKVD dưới quyền Yezhov đã giết hại nhiều người vô tội trong thời kỳ 1937-1938. Còn về sùng bái cá nhân,chính Stalin đã tự tay gạch bỏ danh hiệu Đại Nguyên soái mà người ta suy tôn ông, chính Stalin đã hai lần bác bỏ đề xuất đổi tên Moskva thành tên ông (năm 1937 và 1949). Chính Stalin đã bác bỏ việc phong cho ông làm Anh hùng Nhân dân (giải thưởng sáng lập, cao hơn cả AHLX). Chính Stalin đã bác bỏ việc xây tượng đài của ông tại hàng chục thành phố năm 1949 . Theo hồi ký "Stalin mà tôi từng biết" xuất bản năm 2003 của đ/c A.Mgeladze, nguyên BT thứ nhất ĐCS Gruzia (sau này bị Khrushchev đàn áp) , thì Stalin đã yêu cầu ngưng mọi hoạt động kỷ niệm 70 năm sinh nhật của mình năm 1949, và ông chỉ miễn cưỡng chấp nhận khi ban lãnh đạo Đảng nói rằng đây là dịp thể hiện sự đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế. Vậy phim đang cố huyễn hoặc cái gì thế?
-Phim đưa ra vấn đề bản báo cáo bí mật của Khrushchev tại ĐH XX ĐCSLX "Về tệ sùng bái cá nhân và hệ quả của nó" nhưng chả đưa ra nổi một nội dung hay phản biện rõ ràng nào, cũng chả nói báo cáo đó sai hay đúng. Vậy thì đưa ra để làm gì? Để khoe rằng mình có biết Khrushchev tồn tại trên đời?Trong khi đó, giáo sư Grover Furr đã có cả một cuốn sách "Khrushchev Lied" vạch trần sự dối trá của bản báo cáo này , từ việc cố tình dẫn dụ công chúng hiểu sai về các bức thư Lenin gửi Stalin và các tài liệu liên quan đến mâu thuẫn cá nhân Krupskaya- Stalin, "đàn áp chính trị", "vi phạm tập trung dân chủ" hay " sai lầm gây ra tổn thất trong Chiến tranh thế giới thứ hai", bằng những dẫn chứng đanh thép từ chính các tác giả chống cộng ở Nga và ở phương Tây. Không một vấn đề nào nêu trên được phim đưa ra bàn luận. Vậy xin hỏi những người làm nội dung của bộ phim rằng: Các người đã làm cái quái gì trong 3 năm thực hiện bộ phim?
-Phim đã hoàn toàn bỏ qua một giai đoạn quan trọng của nền kinh tế Liên Xô là suy thoái kinh tế 1958-1964 dưới thời Khrushchev. Theo báo cáo "Thống kê về sự tăng trưởng kinh tế của Liên Xô, 1928-1965" của Norman Kaplan, trung tâm nghiên cứu hành vi Liên Xô thuộc RAND thì tốc độ tăng GNP trung bình giai đoạn này chỉ đạt 5,4%/năm so với 7,3%/năm giai đoạn 1950-1958. Cùng với đó là hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng sụt giảm mạnh so với thời kỳ chưa tiến hành phi Stalin hoá. Tại sao phim không đưa ra, trong khi những số liệu này rất sẵn có trên mạng Internet? Tại sao phim lại cố tình bỏ trống giai đoạn này?
Nói tóm lại, bộ phim Mùa đông năm 1991 là một nỗ lực thảm hại của những kẻ hoàn toàn không có một chút hiểu biết nào về lịch sử Liên Xô để bôi xấu đất nước anh em của chúng ta, bôi xấu quê hương của Lenin và Cách mạng tháng Mười. Thật dơ bẩn và đáng xấu hổ biết bao khi người ta mất 3 năm để làm ra nó, trong khi những gì tôi tìm được ở trên đây chỉ tốn có chưa đầy nửa tháng.
***
Phan Việt Hùng: Hôm nay 30/12/2021. Cách đây đúng 99 năm, Liên Xô được thành lập với 4 thành viên đầu tiên, dần tăng thành 15 nước Cộng hoà. Cũng cách đây 30 năm 5 ngày, 25/12/1991, đất nước vĩ đại này sụp đổ, không kịp “sống” đến sinh nhật thứ 69 của mình.
NẾU ĐƯỢC GÓP Ý, THÌ…
Mấy hôm vừa rồi, có thời gian rỗi, nên mình đã tranh thủ xem 10 tập của bộ phim tài liệu “Mùa đông năm 1991”, nói về sự kiện Liên Xô sụp đồ 30 năm trước. Phim do HTV và M 21 phối hợp sản xuất.
Đọc giới thiệu trên báo chí thì thấy ekip đã làm bộ phim trong suốt 3 năm. Chỉ riêng chi tiết đó đã khiến mình cảm phục sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng của ekip, điều thật hiếm gặp thời nay, bởi mình biết có bộ phim tài liệu dài tập làm về một sự kiện khá quan trọng được làm khá vội vàng trong vỏn vẹn vài tháng.
Cảm nhận là một bộ phim làm khá nghiêm túc. Tư liệu phong phú, lời bình nhìn chung là ổn, súc tích, phù hợp với thể loại chính luận. Đồ hoạ cực hiện đại, rất đáng khen. Âm nhạc, âm thanh cũng ăn nhập được với hình ảnh. Thuyết minh chọn được các giọng đọc cũng rất tốt, hợp với phim. Khách mời bình luận cũng chất lượng, đặc biệt là bác Nguyễn Chí Vịnh.
Tuy nhiên, như lẽ thường thôi, bộ phim tài liệu dài tập này vẫn có những điểm đáng tiếc, có thể khắc phục được trong khâu hậu kỳ. Nếu được xem các bản nháp, mình sẽ góp ý:
1.Về khâu thể hiện lời bình:
Tổng đạo diễn và các cộng sự đã không chú ý “tập huấn” cho các anh chị đọc thuyết minh cách phát âm tên các vị lãnh đạo Liên Xô, nên giọng nam đọc tương đối ổn, còn giọng nữ thì hầu như đọc sai hết (Khơ ru chép, Bờ rét nhép..), dẫn đến không thống nhất phát âm trong phim, gây khó chịu không đáng có cho khán giả.
2. Về lý giải nguyên nhân LX sụp đổ:
Hình như ý đồ của các nhà làm phim quá nhiều, vừa muốn tóm tắt lịch sử LX và phân tích vì sao cường quốc này suy yếu và sụp đổ, lại vừa muốn “liên hệ” với các sự kiện của VN trước, trong và sau sự kiện đó, nên khá ôm đồm, dẫn đến mạch tư liệu bị phân tán, khiến người xem khó có cái nhìn tổng quát về các sự kiện theo trình tự logic.
Cho đến nay, nguyên nhân vì sao LX sụp đổ vẫn được bàn cãi ngay tại Nga và nhiều quốc gia khác.
Bộ phim này dù có nêu qua một số nguyên nhân LX sụp đồ , nhưng vẫn khá sơ lược, đa số đưa ra hiện tượng nhưng vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân chính mà đến nay, sau 30 năm, đã được nhiều nhà sử học Nga nhắc đến và phân tích khá thuyết phục. Những điểm thiếu này, theo mình là khá đáng tiếc khi muốn nói đến sự kiện địa chính trị lớn nhất TK20 này.
Ví dụ, phim có nhắc đến vụ chiến tranh Ả rập- Israel đầu thập niên 70 khiến giá dầu tăng, Liên Xô thu lợi lớn, kinh tế phát triển, nếu được góp ý, mình sẽ đề nghị các bác ấy phân tích điều đó khiến cho Liên Xô tự hài lòng không chịu cải cách nền kinh tế kế hoạch hóa khi đó đã bộc lộ những nhược điểm cần phải được khắc phục. Hoặc khi nhắc đến đường lối công khai dưới thời cải tổ của Gorbachev, với việc cho xuất bản các bài báo, các cuốn sách bôi đen lịch sử, các bác lại không nói gì đến việc “thay máu” ồ ạt từ 1985-1986 các lãnh đạo cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ cho mục đích này, dưới sự chì đạo trực tiếp của A.Yakovlev, UVBCT phụ trách tuyên giáo ( ví dụ nổi bật nhất là đưa Korotich, một kẻ trở cờ lên làm TBT tạp chí Ngọn lừa nhỏ ). Hay nói đến việc Gorbachev tuyên bố năm 1986 (hay 1987, như lời một vị GS trong phim, trên thực tế là cuối năm 1986) để cho các nước XHCN tự quyết định số phận quốc gia, từ bỏ vai trò lãnh đạo phe XHCN, lại không nói gì đến nguyên nhân đó là thoả thuận giữa Gorbachev và Reagan tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Reykjavich. Tại cuộc gặp năm 1986 đó, Gorbachev còn đồng ý biến Tổ chức Hiệp ước Warszawa thành một tổ chức chính trị, trực tiếp làm suy yếu khối quân sự của phe XHCN. Những tư liệu này do chính đồng minh thân cận của Gorbachev là N. Yakovlev công bố với tư cách là chứng nhân.
Còn khi nói đến nạn khan hiếm hàng tiêu dùng, thực phẩm kinh hoàng của Liên Xô trong những năm cải tổ thì chỉ dẫn lời của một ông TS người VN kể lại sơ lược là quầy hàng trống rỗng, các nhà làm phim chưa chỉ ra được một trong các nguyên nhân chính là tháng 1/1987, Gorbachev bất ngờ ra lệnh huỷ bỏ các hạn chế trong lĩnh vực ngoại thương, cho phép các nhà máy, xí nghiệp, cũng như tư nhân vận chuyển ra nước ngoài lương thực thực phẩm, nguyên liệu thô, đồ điện tử, các sản phẩm công nghiệp. Và nạn khan hiếm hàng hoá vốn đã manh nha, nay lại càng trở nên trầm trọng hơn.
3. Về sự chính xác của dữ liệu:
Mình chỉ điểm qua một số thôi:
Không chỉ một lần, phim Mùa đông năm 91 có nhắc đến việc Liên Xô chấm dứt tồn tại sau 74 năm. Thông tin này không chính xác. Cách mạng tháng Mười thành công 1917, nhưng mãi đến năm 1922 Liên Xô mới chính thức được thành lập. Đến thời điểm sụp đồ, LX chỉ tồn tại được trong 69 năm thiếu 5 ngày.
Về cuộc trưng cầu dân ý tháng 3/1991, có 112 triệu người đồng ý giữ gìn LX, tương đương 76% người dân Liên Xô tham gia cuộc trưng cầu, chứ không phải 76% người dân Nga như phim đã dẫn.
Sự kiện trưng cầu này có liên quan đến sự kiện nửa cuối tháng 4/1991, như phim đã dẫn là sự kiện 9+1. Đó là Gorbachev, tổng thống Liên Xô đã họp với 9 lãnh đạo các nước cộng hoà. Tập 1, phút 15 dẫn lời bình về cuộc gặp này tại Novo-Ogaryovo, dinh thự của Tổng thống LX.
“Mục đích của họ là giải thể Liên bang Xô viết, từ bỏ chủ nghĩa xã hội trên lãnh thổ của liên bang xô viết bị giải thể sẽ hình thành nên liên minh lòng lèo của các nước cộng hòa độc lập.”
Kỳ thực, tại cuộc gặp này vấn đề giải thể Liên Xô ko được đặt ra, cũng chẳng văn bản nào nói đến việc từ bỏ CNXH. Cuộc gặp này dù là vi hiến, nhưng ko có các nội dung như trong lời bình. Đơn thuần, những người tham dự chỉ thống nhất với nhau những nguyên tắc cải tổ nhà nước, là cú hích cho việc soạn thảo Hiệp ước Liên bang sau này. Hãng tin RIA Novosti ngày 23/4/2016 đã viết chính xác như sau: “23 апреля 1991 года в подмосковной правительственной резиденции Ново-Огарево президент СССР Михаил Горбачев и лидеры девяти союзных республик (без трех прибалтийских республик, Армении, Грузии и Молдавии) договорились о принципах реформирования государства. Совместное заявление по итогам встречи, названное журналистами "9+1", дало толчок "новоогаревскому процессу" выработки нового Союзного договора”.
Các nhà lãnh đạo này chỉ ký văn bản “Tuyên bố chung về những biện pháp cấp bách nhằm ổn định tình hình trong nước và khắc phục khủng hoảng "(Совместное заявление о безотлагательных мерах по стабилизации обстановки в стране и преодолению кризиса).
Còn một số điểm chưa chính xác về mặt dịch thuật cũng như tư liệu trong bộ phim tư liệu khá hay này mà nếu chỉnh sửa được, sự thuyết phục sẽ cao hơn. Mong muốn những người làm phim có nghề, có tâm huyết này sẽ tiếp tục có những tác phẩm mới, hấp dẫn dành cho chúng ta.






Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...