Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Ái Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Ái Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Nguyễn Ái Quốc: phát biểu tại phiên họp thứ 22 đại hội V Quốc tế cộng sản

     Ngày 1-7-1924

Thưa các đồng chí, tôi chỉ xin bổ sung những ý kiến phê bình của đồng chí Manuinxki về chính sách của chúng ta trong vấn đề thuộc địa. Nhưng trước khi đi vào thực chất của vấn đề, tôi thấy nên đưa ra một vài con số thống kê về thuộc địa. Điều này sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn tất cả tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa.

 

Các nước

Chính quốc

Thuộc địa

Diện tích (km2)

Dân số

Diện tích (km2)

Dân số

Anh

151.000

45.500.000

34.910.000

403.600.000

Pháp

536.000

39.000.000

10.250.000

55.600.000

Mỹ

9.420.000

100.000.000

1.850.000

12.000.000

Tây Ban Nha

504.500

20.700.000

371.600

853.000

Ý

286.600

38.500.000

1.460.000

1.623.000

Nhật Bản

418.000

57.070.000

288.000

21.249.000

Bỉ

29.500

7.642.000

2.400.000

8.500.000

Bồ Đào Nha

92.000

5.545.000

2.062.000

8.738.000

Hà Lan

83.000

6.700.000

2.046.000

48.030.000

 Như vậy, 9 nước với tổng số dân 320.657.000 người và với diện tích 11.407.600 km2 bóc lột các nước thuộc địa gồm hàng trăm dân tộc với số dân 560.193.000 người và với diện tích 55.637.000 km2. Toàn bộ lãnh thổ của các nước thuộc địa rộng gấp 5 lần lãnh thổ của các chính quốc, còn số dân của các chính quốc chưa bằng 3/5 số dân của các nước thuộc địa.

Nếu tính riêng những cường quốc đế quốc lớn nhất, thì những con số này lại càng có sức thuyết phục hơn. Số dân của các thuộc địa Anh đông gấp hơn 8 lần rưỡi số dân nước Anh và đất đai của các thuộc địa Anh rộng gấp gần 252 lần đất đai của nước Anh. Còn nước Pháp thì chiếm một số đất đai rộng gấp 19 lần nước Pháp; và số dân ở các thuộc địa Pháp đông hơn số dân nước Pháp 16.600.000 người.

Vì vậy sẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng chừng nào Đảng Pháp và Đảng Anh chúng ta chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, thậm chí chưa đề cập đến quần chúng các nước thuộc địa, thì toàn bộ chương trình rộng lớn của hai đảng đó vẫn không có hiệu quả gì. Chương trình ấy sẽ không có hiệu quả gì vì nó trái với chủ nghĩa Lênin. Tôi xin nói rõ ý của tôi. Trong bài nói chuyện về Lênin và vấn đề dân tộc, đồng chí Xtalin đã chỉ rằng bọn cải lương và các lãnh tụ Quốc tế thứ hai đã không dám đặt ngang hàng các dân tộc da trắng và các dân tộc thuộc các màu da khác, rằng Lênin đã bác bỏ sự bất bình đẳng đó và phá tan cái vật chướng ngại ngăn chia những người nô lệ văn minh với những người nô lệ không văn minh của chủ nghĩa đế quốc.

Theo Lênin, cách mạng ở phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc, như Lênin đã dạy chúng ta, chỉ là một bộ phận của vấn đề chung về cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

Sau đó, đồng chí Xtalin đã nói đến quan điểm phản cách mạng cho rằng không cần liên minh trực tiếp với phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, giai cấp vô sản châu Âu cũng có thể thắng lợi được. Nhưng nếu căn cứ vào hành động để xét về mặt lý luận thì tình trạng các đảng lớn của chúng ta, trừ Đảng Nga, không hoạt động gì cả khiến chúng ta có quyền cho rằng ngày nay các đảng đó vẫn còn giữ quan điểm mà đồng chí Xtalin đã nói.

Giai cấp tư sản các nước thực dân đã làm gì để kìm giữ trong vòng áp bức biết bao quần chúng của các dân tộc bị chúng nô dịch? Chúng làm tất cả. Ngoài việc dùng những phương tiện do bộ máy chính quyền Nhà nước đem lại cho nó, nó đồng thời còn tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa.

Còn các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản các nước khác mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ thuộc địa, thì đã làm những gì? Các đảng này, từ khi chấp nhận bản luận cương của Lênin, đã làm được những gì để giáo dục cho giai cấp công nhân nước mình tinh thần quốc tế chủ nghĩa chân chính, tinh thần gần gũi với quần chúng lao động các nước thuộc địa? Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về mặt này, thật hầu như chưa có gì cả. Còn về tôi, là một người sinh trưởng ở một nước hiện nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm rất và rất ít cho các nước thuộc địa.

Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Thử hỏi báo chí đó đã làm được gì? Không được gì hết.

Nếu đem so sánh những chỗ dành cho các vấn đề thuộc địa trên các tờ báo tư sản như Le Temps, Le Figaro, L' Oeuvre hay những báo thuộc các khuynh hướng khác như: Le Peuple hay Le Libertaire với những chỗ dành cho các vấn đề đó trên báo L'Humanité, cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng chúng tôi, thì phải nhận rõ rằng sự so sánh này sẽ hoàn toàn không có lợi cho chúng ta.

Bộ Thuộc địa đã đặt ra kế hoạch biến nhiều vùng ở châu Phi thành những vùng đồn điền rộng lớn của tư nhân, và biến dân bản xứ ở những nước này thành những dân nô lệ thật sự, bị trói buộc vào ruộng đất của những ông chủ mới, thế mà báo chí của chúng ta vẫn im tiếng hoàn toàn về điều này. Ở các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, người ta đã áp dụng những biện pháp cưỡng ép chưa từng thấy để bắt lính, thế mà báo chí của chúng ta vẫn không hề lên tiếng. Chính quyền thực dân ở Đông Dương đã biến thành những kẻ buôn nô lệ và bán những người dân Bắc Kỳ cho các chủ đồn điền trên các đảo ở Thái Bình Dương; chúng kéo dài thời hạn đi lính của dân bản xứ từ 2 năm lên 4 năm; chúng đem nộp phần lớn đất đai thuộc địa cho côngxoócxiom của những bọn tư bản cá mập; thuế má vốn đã quá nặng nề không chịu nổi, thế mà chúng lại còn tăng lên 30% trong lúc dân bản xứ bị phá sản và chết đói sau trận lụt. Thế mà báo chí chúng ta vẫn cứ im tiếng. Và sau tất cả những điều đó, các đồng chí sẽ ngạc nhiên thấy rằng nhân dân bản xứ đi theo những nhóm dân chủ và tự do như Hội Nhân quyền và các tổ chức tương tự khác là những tổ chức chăm lo hay làm ra vẻ chăm lo đến họ.

Nếu đi sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy những việc hoàn toàn không thể tưởng tượng được, làm cho mọi người phải nghĩ rằng Đảng chúng tôi đã coi thường tất cả những gì dính dáng đến các nước thuộc địa. Ví dụ: báo L'Humanité không hề đăng lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nhân dân các nước thuộc địa, do Quốc tế Cộng sản gửi đến để đăng trên báo. Trước Đại hội Liông47 trong mục đăng các bài tranh luận, đã đăng hết mọi luận cương, trừ luận cương về vấn đề thuộc địa. Báo L'Humanité đã đăng nhiều bài về thắng lợi của võ sĩ Xiki xứ Xênêgan, nhưng không hề lên tiếng khi các công nhân bến tàu Đaca, những người đồng nghiệp của Xiki bị bao vây trong khi đang làm việc, bị bắt và bị vứt lên xe ô tô chở về nhà giam và sau đó bị đưa sang trại lính để rồi trở thành những người bảo vệ văn minh, nghĩa là trở thành lính. Cơ quan trung ương của Đảng chúng tôi hằng ngày đều báo tin cho các bạn đọc về những chiến công của anh phi công Uadi đã bay từ Pháp sang Đông Dương; nhưng khi chính quyền thực dân cướp bóc nhân dân "nước An Nam cao quý", lấy ruộng của họ giao cho bọn đầu cơ Pháp, phái máy bay chở bom, rồi ra lệnh cho các phi công phải dạy cho những người dân bản xứ bất hạnh và bị cướp bóc kia phải biết điều, thì cơ quan của Đảng chúng tôi lại không thấy cần thiết báo tin đó cho các bạn đọc biết.

Thưa các đồng chí, qua báo chí của mình, giai cấp tư sản Pháp hiểu rằng vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa không tách rời nhau. Tôi cho rằng Đảng chúng tôi chưa hiểu hết điều đó. Những bài học ở miền Ruya, nơi mà binh lính bản xứ được phái đến trấn an những công nhân Đức bị đói, đã vây chặt những trung đoàn lính Pháp đáng nghi; trường hợp xảy ra trong đội quân phương Đông, trong đó binh lính bản xứ được giao súng máy để "động viên tinh thần" binh lính Pháp đã mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài và gian khổ; những sự kiện xảy ra năm 191748 ở nơi đóng quân của lính Nga ở Pháp; kinh nghiệm cuộc bãi công của công nhân nông nghiệp ở Pyrênê là nơi mà binh lính bản xứ đã buộc phải giữ vai trò nhục nhã của những kẻ phá hoại cuộc bãi công; và cuối cùng là sự có mặt của 207.000 binh lính bản xứ ở ngay nước Pháp, - tất cả những việc trên đây chưa làm cho Đảng chúng tôi phải suy nghĩ, chưa làm cho Đảng chúng tôi thấy cần phải thực hiện một chính sách rõ ràng và tích cực trong vấn đề thuộc địa. Đảng đã bỏ lỡ tất cả những cơ hội tốt để tuyên truyền. Những cơ quan lãnh đạo mới của Đảng đã thừa nhận là Đảng chúng tôi đã bị động trong vấn đề này. Tôi thấy đó là một dấu hiệu đáng mừng vì khi các lãnh tụ của Đảng đã thừa nhận và nhấn mạnh nhược điểm này trong chính sách của Đảng thì việc đó làm cho người ta hy vọng rằng Đảng sẽ cố gắng hết sức để sửa chữa và củng cố về mặt này. Tôi tin chắc rằng Đại hội này sẽ là bước ngoặt về mặt này và sẽ thúc đẩy Đảng sửa chữa được những thiếu sót trước. Mặc dù nhận xét của đồng chí Manuinxki về cuộc vận động bầu cử ở Angiêri rất đúng, song để cho được khách quan, tôi phải nói rằng đúng là Đảng chúng tôi đã bỏ lỡ dịp tốt ở đây, nhưng đã sửa chữa sai lầm, đã đưa đại biểu người bản xứ ra ứng cử ở quận Pari. Tất nhiên như thế còn ít, song bước đầu như vậy là tốt. Tôi sung sướng nhận thấy rằng hiện nay Đảng chúng tôi lại có những ý định tốt đẹp nhất, lại có lòng hăng hái, cái đó là hoàn toàn mới đối với Đảng chúng tôi; và chỉ cần bằng hành động thực tiễn thì nhất định những cái ấy sẽ đưa Đảng tới một chính sách đúng đắn trong vấn đề thuộc địa.

Vậy phải hành động thực tiễn như thế nào ? Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể. Tôi đề nghị mấy điểm dưới đây:

1. Mở trên báo L'Humanité một mục để đăng đều đặn hằng tuần ít nhất hai cột các bài về vấn đề thuộc địa.

2. Tăng cường tuyên truyền và tuyển lựa đảng viên của Đảng trong những người bản xứ ở những nước thuộc địa đã có phân bộ cộng sản.

3. Gửi những người bản xứ vào Trường đại học cộng sản của những người lao động phương Đông ở Mátxcơva.

4. Thoả thuận với Tổng Liên đoàn lao động thống nhất49 để tổ chức những người lao động của các thuộc địa làm việc ở Pháp.

5. Đặt nhiệm vụ cho các đảng viên của Đảng phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.

Theo tôi, những đề nghị này là hợp lý và nếu Quốc tế Cộng sản và các đại biểu của Đảng chúng tôi tán thành thì tôi tin rằng đến Đại hội lần thứ VI, Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi sẽ có thể nói rằng mặt trận thống nhất của nhân dân chính quốc và thuộc địa đã trở thành sự thật.

Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác.

 

In trong sách Đại hội toàn thế giới
lần thứ V Quốc tế Cộng sản,
bản tốc
ký, tiếng Nga, phần I, Nxb. Chính trị
quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.653-657.

 



Nguyễn Ái Quốc: phát biểu tại phiên họp thứ 8 đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản

 Ngày 23-6-1924

Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa.

Hôm nay, tôi cần nhắc lại lời phát biểu tại đây của đồng chí Rôi, chỉ xin đổi những tên riêng, nghĩa là đơn giản thay thế từ nước Anh bằng các từ Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật ... Song, vì tôi là người xứ thuộc địa Pháp và vì tôi muốn nói ngắn, nên tôi chỉ nói về chủ nghĩa đế quốc Pháp, về Đảng Pháp của chúng tôi và về các đảng tại các thuộc địa Pháp, giống như đồng chí Rôi đã nói về nước Anh, về đảng anh em của chúng ta và về các đảng ở các thuộc địa của nước Anh.

Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa.

Các đồng chí, khi các đồng chí muốn đập vỡ một quả trứng hay một hòn đá, thì các đồng chí phải nghĩ đến việc tìm kiếm một công cụ mà sức bền của nó tương xứng với sự vững chắc của đối tượng định đập tan. Tại sao các đồng chí không có sự đề phòng như vậy khi các đồng chí muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản? Tại sao trong những vấn đề của cách mạng các đồng chí không đem ra đối chiếu sách lược, sức mạnh của các đồng chí? Tại sao không so sánh sức mạnh và sự tuyên truyền của các đồng chí với sức mạnh và sự tuyên truyền của kẻ địch mà các đồng chí muốn chống lại và chiến thắng nó? Tại sao các đồng chí lại xem thường các thuộc địa trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí? Tôi xin bổ sung mấy lời để đáp lại bài phát biểu của đồng chí Tơranh. Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Tơranh đã nói đến sự xuất hiện một cao trào cách mạng ở Pháp và sự ra đời phong trào phát xít ở đây. Về điểm đầu tiên, tôi hoàn toàn tán thành tinh thần lạc quan của đồng chí Tơranh; còn điểm thứ hai, thì tôi có ý kiến ngược lại. Tôi cho rằng, bọn phản động ở Italia, ở Đức và các nước khác cần đến chủ nghĩa phát xít để bảo vệ mình; trong khi đó bọn phản động Pháp lại không cần đến nó. Chúng có những người bảo vệ khác, những người bảo vệ mạnh hơn nhiều, có tổ chức hơn và có kỷ luật hơn là "bọn áo đen". Họ có những người lính da đen và da vàng. Có lẽ các đồng chí đã biết là quân đội Pháp hiện nay bao gồm 458.000 thanh niên Pháp và 206.550 người bản xứ ở các thuộc địa. Nhưng chắc chắn là các đồng chí không biết được rằng, nếu tính thời gian phục vụ và huấn luyện cũng như sự dễ dàng làm cho những người bản xứ nổi dậy, thì mỗi người lính bản xứ này có giá trị bằng 2 lính Pháp. Do đó, trên danh nghĩa, tuy số lượng đội quân luôn sẵn sàng tấn công các đồng chí là 664.550 người, mà thực tế lại là 1.000.000 người, hay nói đúng hơn 939.950 người vì số lính Pháp có 251.450 tay súng, đông hơn các trung đoàn người bản xứ thì những người bản xứ này lại phục vụ 431.100 tháng nhiều hơn lính Pháp.

Bàn về khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!

In trong sách Đại hội toàn thế giới lần thứ V

Quốc tế Cộng sản, bản tốc ký, tiếng Nga,

phần I, Nxb. Chính trị quốc gia,

Mátxcơva, 1925, tr.218-220.

***



Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...