Bản chất thật sự của tình thương yêu - Cháu ruột Bác Hồ, TT. Thích Chân Quang

Tâm từ, hay thường được gọi chung là từ bi, là tình thương không điều kiện, không đòi hỏi phải được đáp trả trở lại.

Thật sự thì chữ bi có nghĩa là thương xót khi thấy chúng sinh đau khổ. Chỉ khi nào có thương yêu ai, ta mới thấy xót xa khi người đó đau khổ. Bi là dấu hiệu chứng minh có sự hiện hữu của từ nên chúng ta hay ghép chung thành từ bi. Nhưng nếu cẩn thận thì ta chỉ dùng chữ từ cho đúng bài bản chữ nghĩa.

Vì tâm từ là tình thương không điều kiện nên cũng không hạn cuộc nơi một số ít người mà luông có khuynh hướng trải rộng vô tận. Để hiểu rõ hơn về tâm từ, ta nên so sánh với tâm luyến ái của thế gian.

Tâm luyến ái cũng là tình thương yêu của chúng sinh này với chúng sinh kia, nhưng bắt buộc phải có một trong những điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, do duyên nghiệp ân nghĩa đời trước tạo thành. Chúng ta thương người nào vì trong kiếp trước ta có nợ có duyên với người đó. Ví dụ như giữa cha mẹ và con cái với nhau cũng là duyên nợ qua lại mới tạo thành. Trong đó, cha mẹ mắc nợ người con nào nhiều sẽ cảm thấy thương yêu người con đó hơn. Trong số những bạn bè huynh đệ mà ta gặp gỡ trong cuộc đời cũng vậy, không phải ai ta cũng có thiện cảm đều như nhau mà là người thì ta thương nhiều, người thì ta thương ít. Đó là vì duyên giữa mọi người với chúng ta không đồng.
Ân nghĩa đời trước sẽ tạo thành tình thương yêu đời này rất rõ rệt. Ví dụ như ta chịu ơn ai nhiều từ kiếp trước vì người đó đã ưu ái ta, giúp đỡ ta nhiều. Đời này gặp lại, tự nhiên ta thấy thương mến người đó một cách không giải thích được và cứ muốn giúp đỡ ân cần. Người kia thì thấy bình thản vì họ thi ân chứ không chịu ơn. Chúng ta chịu ơn thì cứ bị một tình cảm thúc đẩy trong tâm để phải muốn làm cho người đó vui. Cho nên ta thấy rằng tình cảm thế gian chỉ là hư ảo, chỉ là trung gian làm chất xúc tác để chúng sinh trả nợ lẫn nhau chứ không có thật. Tình thương yêu thế gian rất mong manh, nợ trả hết rồi thì thương yêu cũng hết. Khi thương nhau, ta cứ tưởng tình thương đó sẽ bền vững lâu dài, nhưng rồi “ thế rồi cuộc đời là, những cuộc tình chia xa, đi lạc vào những phía không đường về…”

Tình thương yêu nam nữ là đại biểu mãnh liệt nhất cho loại tình thương thế gian này. Tình yêu nam nữ là mãnh liệt nhất nên cũng ích kỷ nhất. Trước hết khi yêu, ai cũng nghĩ rằng tình yêu đem lại cho ta hạnh phúc vì cảm xúc của tình yêu rất cháy bỏng. Xưa nay không biết bao nhiêu thơ, văn, nhạc, tranh, tượng ca ngợi tình yêu. Tình yêu nam nữ và sáng tác nghệ thuật gần như bất khả phân ly vì những cảm xúc tình yêu giúp nghệ sĩ cảm hứng để sáng tác. Nhưng đến khi tình yêu tan vỡ thì người ta mới biết đó là đau khổ nhất. Vì sao, bởi vì bản chất của tình yêu là ích kỷ nhất nên nó cũng gây ra đau khổ nhất.

Triết gia Schopenhauer nói: “Chỉ có những triết gia mới có thể sống hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng tiếc rằng một triết gia thật sự thì không chịu lấy vợ.”

Cuộc sống gia đình rất phức tạp, vợ chồng đòi hỏi sự săn sóc ân cần từng li từng tí. Yêu cầu của tình yêu rất cao nên hầu hết không ai đáp ứng được đầy đủ. Chỉ có những người rất thông minh và rất đạo đức mới đáp ứng nỗi. Người vừa thông minh vừa đạo đức đó, Schopenhauer gọi là triết gia.

Người ta gặp nhau rồi có tình cảm với nhau, rồi thích nhau gì đó chứ không thật là có tình yêu. Tình yêu thật sự rất mạnh và đòi hỏi sự ứng xử khéo léo để được bền vững lâu dài, để kềm chế sự ích kỷ của mình lại. Sự ích kỷ trong tình yêu rất dữ dội mà bộc lộ rõ nhất là sự ghen tuông. Khi ghen tuông, người ta có thể đánh, giết, tạt acid… đủ màn ác độc. Vì ích kỷ nên người ta cũng đòi hỏi lẫn nhau, trói buộc lẫn nhau, ghen tuông với nhau, hành hạ lẫn nhau.

Để sống êm ấm hạnh phúc trong gia đình phải là những triết gia thông minh và đạo đức. Nhưng như Schopenhauer nói, triết gia thì không chịu lấy vợ. Đa phần người ta sống không hạnh phúc trong hôn nhân. Trong một cuộc thăm dò ý kiến, nhiều cụ già đã lắc đầu ngao ngán về cuộc sống hôn nhân đã qua của mình. Tình yêu quả thật là một cái gì hư ảo mong manh!.

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...