Sáng ngày
30/10/2016, (nhằm ngày 30/09/năm Bính Thân), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh
tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã đến thăm và thuyết Pháp tại chùa Nhân (thôn Ngọc
Khám – xã Gia Đông – huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh) về đề tài “GIỮ GÌN SỨC
KHỎE CŨNG LÀ ĐẠO ĐỨC”. Bài Pháp thoại đã đưa ra các quan điểm khác nhau về sức
khỏe để các phật tử hiểu rõ hơn về vấn đề này. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ tầm
quan trọng của sức khỏe đến đời sống cũng như việc tu hành của mỗi cá nhân. Từ
đó, các phật tử biết xây dựng cho mình những phương pháp rèn luyện thích hợp để
có đủ sức khỏe đi đến bờ giác ngộ.
Mở đầu bài Pháp,
Người chỉ ra rằng chúng ta đang bị chi phối bởi 2 điều là hạnh phúc và khổ đau.
Kinh Phật từng nói: “Sống làm sao đừng làm khổ mình, đừng làm khổ người khác”.
Câu nói này chứa đựng rất nhiều điều. Có thể thấy ngay rằng nếu bản thân ta có
chuyện buồn thì những người xung quanh ta cũng buồn theo. Nhiều lúc, ta nghĩ
chuyện mình làm ra không ảnh hưởng đến người khác, nhưng thực sự nó lại không
như vậy. Thế nên, cái khổ của chúng ta đều liên quan đến người khác. Ngược lại,
cái khổ của người khác cũng liên quan đến ta.
Một trong những
yếu tố làm khổ và chi phối ta rất nhiều là sức khỏe. Trạng thái khỏe mạnh cho
ta một tinh thần thoải mái, sung sướng, hạnh phúc. Đồng thời nó thể hiện ta là
một người có phước, muốn làm gì cũng được. Ngược lại, nếu không có sức khỏe thì
lúc nào ta cũng cảm thấy chán trường, mệt mỏi, khó chịu. Cuộc sống của ta vì thế
mà gặp nhiều bất tiện, muốn làm gì cũng khó khăn.
Thật vậy, người
có sức khỏe làm việc sẽ đạt năng suất cao hơn người ốm yếu. Làm việc năng suất
vừa mang lại thu nhập cao, vừa cống hiến được nhiều hơn cho đời khiến ta có
phúc, sau này tài chánh sẽ dồi dào lên nhanh. Nghĩa là sức khỏe rất quan trọng.
Có sức khỏe mới tạo ra phúc, có phúc đời sống mới khá giả lên được. Vậy nên,
không có sức khỏe thì sẽ kém mọi bề. Lúc này, không chỉ khổ ta mà còn khổ lây
người khác như kinh Phật đã nói. Hiểu được điều đó, chúng ta cố gắng giữ gìn sức
khỏe. Việc này không chỉ vì ta mà còn vì mọi người xung quanh.
Trước đây, ta chỉ
suy nghĩ hạn hẹp rằng giữ gìn sức khỏe là cho mình. Từ hôm nay, ta suy nghĩ rộng
hơn là để không làm khổ mọi người; để có cơ hội cống hiến, giúp đỡ cho người
khác nhiều hơn. Điều này thể hiện ta có tính vị tha, biết suy nghĩ và hành động
vì lợi ích cộng đồng.
Hướng về các phật
tử, Thượng tọa khẳng định đã tu theo Phật pháp thì phải thấy rằng: Sự có mặt của
mình trên cuộc đời này là gánh trên lưng những trách nhiệm lớn. Cuộc sống của
ta không phải cho ta nữa mà là cho người khác. Ngoài bổn phận tu tập tâm linh để
được giải thoát giác ngộ, ta còn phải cống hiến những điều tốt đẹp, đạo đức,
thánh thiện cho cuộc đời này.
Mục đích cuộc đời
đặt ra thì nhiều lắm, nhưng là người biết đạo thì chúng ta xoáy vào hai mục
tiêu chính đó. Nếu theo đuổi được nó, cuộc sống của ta sẽ thăng hoa, được lên
cõi cao, không bị đọa, không đau khổ. Mà để thực hiện được 2 mục tiêu chính đó,
ta phải có sức khỏe. Nghĩa là muốn tu, muốn lễ Phật, muốn tụng kinh hay thiền định
thì phải có sức khỏe. Khỏe rồi thì ta mới tu, mới cống hiến cho cuộc đời được.
Ngược lại, nếu sức khỏe không có, mình muốn lạy Phật cũng không lạy nổi, mặc dù
lòng rất tha thiết, nên cũng là thiệt thòi cho ta.
Dịp này, Thượng
tọa cũng phân tích về công đức lễ Phật với trọn lòng tôn kính là thế nào. Trong
đó nhấn mạnh “Tôn kính Phật là công đức căn bản sinh ra mọi công đức khác, là
tâm hạnh căn bản sinh ra mọi tâm hạnh khác. Là đệ tử Phật, nhất là người xuất
gia, chúng ta cũng mong ước dựng lập nơi mình vô lượng tâm hạnh tốt đẹp để
chính cuộc đời mình được an lạc và đủ tư cách để làm lợi ích cho chúng sanh.
Nhưng vô lượng tâm hạnh đó không thể thành tựu nếu thiếu tâm hạnh ban đầu là
tôn kính Phật.
Kết quả ban đầu
dễ nhìn thấy từ hạnh tôn kính Phật là nhân cách chúng ta từ từ được nâng cao
lên. Nếu ngày xưa chúng ta thô tháo, vụt chạc, vội vàng, nhìn vấn đề không sâu
sắc… thì sau một thời gian lễ kính Phật, ta sẽ thấy mình điềm đạm chững chạc lại,
trông có vẻ khả kính hơn. Và do công đức lễ kính Phật mà trong sâu thẳm, tâm ta
có sức mạnh và có trí tuệ biểu lộ ra thành nhân cách khiến mọi người nể trọng.
Cũng chính trí tuệ này giúp ta phát hiện ra lỗi lầm tiềm tàng của mình”. Nên có
nhiều người cứ thích lễ Phật là vì vậy. Mà nếu không có sức khỏe ta không lễ Phật,
không ngồi thiền được.
Với người phật tử,
sự cống hiến quan trọng nhất cho cuộc đời là những điều tốt đẹp, đạo đức, thánh
thiện, vì xã hội hiện nay có quá nhiều điều xấu xa, bạc ác. Một điều tốt đẹp được
gieo vào cuộc đời sẽ giúp cho thế giới sáng lên, có phúc chung lên nhiều hơn và
đạo đức cũng được tăng trưởng. Tuy nhiên, ngoài tự bản thân làm, ta còn phải biết
khuyên nhủ, tạo điều kiện, giúp đỡ người khác để họ cũng tin vào nhân quả, biết
làm nhiều điều thiện như mình. Vậy là ta đã đóng góp rất nhiều vào sự thánh thiện
cho cuộc đời.
Xung quanh ta, rất
nhiều người có sức khỏe từ bẩm sinh vì phước đời xưa mang lại. Vậy nhưng, họ
không biết dùng sức khỏe ấy để tu, để làm phúc hay cống hiến những điều đạo đức
cho đời. Họ lãng phí sức khỏe của mình để hưởng thụ những thú vui tầm thường,
làm những việc vô bổ, sai trái. Họ không nhận ra rằng sức khỏe là một tài sản lớn,
quý giá, cần được sử dụng hợp lí, đúng đắn, nếu không sẽ mang tội lớn. Tội lãng
phí này lớn hơn các tội khác rất nhiều lần. Nhưng nếu biết dùng sức khỏe để tu
tập thì phước báo tăng nhanh gấp bội.
Thể chất của người
Việt Nam ta thua kém rất nhiều so với các nước khác dù ta đã có rất nhiều chiến
thắng lịch sử lừng lẫy, oai hùng. Vậy nên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi về tự
nhiên, con người, chính sách,… nước ta vẫn bị chậm lại so với nhiều nước khác.
Để khắc phục điều này, chúng ta cần phải có cách rèn luyện phù hợp để nâng cao
sức khỏe của bản thân. Đức Phật từng nói: “Không bệnh lợi tối thắng; Niết Bàn lạc
tối thắng; Bát Chánh đường duy nhất; Đến bình an bất tử”.
Chúng ta thấy
ngay câu đầu tiên, Đức Phật đã khẳng định: Sống giữa cuộc đời mà không mắc bệnh
là một điều lợi lớn nhất. Chữ “nhất” này làm cho ta suy nghĩ. Giả sử ta có địa
vị, tiền bạc, nhan sắc,… nhưng không có sức khỏe thì sẽ như thế nào? Dù suy
nghĩ gì thì ta vẫn phải công nhận điều Đức Phật nói hoàn toàn đúng đắn. Cuộc sống
sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa nếu ta không có sức khỏe.
Để có sức khỏe,
Thượng tọa gợi mở có 4 phương pháp sau:
– Thứ nhất, ta
tránh các nhân quả làm tổn hại đến sức khỏe như: Sát sinh; phá hoại môi trường;
không quan tâm đến sức khỏe người khác; làm việc bậy và không dùng sức khỏe để
làm gì cả. Đồng thời, tích cực bồi đắp những nhân quả mang lại sức khỏe cho ta.
Những nhân quả này là: Hiến máu; phóng sinh; bắc cầu, làm đường; sống có đạo đức;
trồng nhiều cây xanh; tôn trọng sự sống của chúng sinh; làm thầy thuốc; sống
vui vẻ, nỗ lực rèn luyện và truyền cảm hứng cho những người xung quanh,…
– Thứ hai, có chế
độ ăn uống và rèn luyện hợp lí. Khi ăn, ta hãy nghĩ đến cái dược tính thay vì
cái ngon của món ăn. Nghĩa là ta phải ăn những thứ có lợi cho sức khỏe, kể cả
món mình không thích, chứ đừng ăn bừa bãi. Thêm nữa, hạn chế ăn đạm động vật, từ
bỏ được hẳn thì càng tốt. Như vậy, ta đã giảm được sự sát sinh.
– Thứ ba, ta phải
biết cân đối đời sống của mình. Ngoài việc cân đối giờ giấc, ta cũng phải cân đối
cả sức khỏe để có thể làm hết mọi việc trong một ngày mà vẫn vui vẻ, thoải mái.
Mỗi việc ta làm đều phải khoa học, hợp lí chứ đừng tùy ý thái quá theo sở
thích.
– Thứ tư, tích cực
rèn luyện thể chất. Ta phải phân biệt luyện tập và lao động làm việc. Cả 2 đều
là vận động cơ thể nhưng luyện tập mang lại cảm giác thích thú, còn làm việc lại
khiến ta buồn chán. Để công việc được suôn sẻ, thoải mái, ta cứ coi như là mình
đang luyện tập. Như thế, vừa thoát khỏi tâm lí bị ép buộc, vừa làm việc vui vẻ
lại có sức khỏe.
Nói về sức khỏe,
phương Tây và phương Đông lại đưa ra 2 quan niệm khác nhau. Theo phương Tây, sức
khỏe con người là chỉ số về máu, nội tiết tố, cấu trúc, cân nặng,… Tây y dựa vào
những chỉ số đó để đánh giá sức khỏe một con người. Vậy nên, khi đi khám ta thường
phải làm các xét nghiệm liên quan đến những chỉ số đó.
Với phương Đông,
sức khỏe là cấu trúc của một luồng khí lực vô hình. Họ coi cái vô hình này mới
là nguồn gốc giữ gìn sức khỏe của một con người chứ không phải dựa trên những
chỉ số như Tây y.
Hiện nay, Đông y
đã chứng tỏ khái niệm khí lực vô hình bằng thực nghiệm, nhưng khoa học vẫn chưa
tìm thấy, bên Tây y cũng làm ngơ, không lên tiếng. Một trong những kết luận của
Đông y sau khi thực nghiệm là: “Toàn thân con người là một cấu trúc khí lực vô
hình, được dệt bởi những đường kinh mạch và huyệt đạo. Huyệt đạo là những cái
chốt. Nối từ huyệt này sang huyệt kia, là những đường kinh lạc dệt thành một
cái lưới nơi con người giống như ta vẽ bản đồ 3D”.
Tức là hình dáng
con người giống như cái lưới của khí, được đan thành từng ô và có những luồng
chạy qua gọi là kinh hay lạc. Những cái chốt gọi là huyệt đạo. Trong hệ thống
khí lực đó, lực chạy lên đầu thì não hư, sức khỏe kém. Ngược lại, lực lắng xuống
dưới bụng thì sức khỏe ổn định. Vậy nên, các Võ sư đều dạy học trò minh đứng tấn
để luyện chân cho kĩ, khi khí dồn xuống phía dưới thì được tụ lại ở đan điền,
không vội chạy lên trên vì “Khí tụ đan điền thì vô bệnh”.
Tuy nhiên, nó chỉ
làm ta bớt bệnh tật thôi chứ không hết hoàn toàn được. Khi nào, có cái nghiệp
gì đó khiến ta không giữ được lực ở đan điền thì bệnh sẽ trở lại. Để khí tụ ở
đan điền thì không thể thiếu thiền định và khí công. Khi ta ngồi bất động,
buông lỏng toàn thân thì khí tự rút về đan điền. Đây là nguyên tắc.
Để làm rõ điều này, Người chia sẻ
về cách luyện tập để làm xuất hiện tĩnh công của nội công. Tĩnh công làm cho nội
lực xuất hiện, đẩy lùi những bệnh lặt vặt. Ngoài việc buông lỏng toàn thân, tập
hít thở vào – ra thì những thế động công, thế tập cử động chân tay cũng hỗ trợ
cho tĩnh công rất nhiều.
Cuối cùng, Thượng
tọa dạy các phật tử thế nạp khí và thụt dầu. Người hy vọng các phật tử ai cũng
siêng năng luyện tập để tạo cho mình một thói quen, vừa nâng cao sức khỏe của bản
thân, vừa có thể hướng dẫn, giúp đỡ mọi người xung quanh cùng tập.
Bài Pháp thoại kết
thúc trong trong sự luyện tập chăm chú, hăng say của các phật tử, nhất là giới
trẻ. Đây chính là cách học đi đôi với hành, giúp mọi người hiểu nhanh và nhớ
lâu. Nhờ những ví dụ thực tế kết hợp với việc luyện tập tại chỗ, mọi người đã nắm
rõ hơn những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Đồng thời, có phương pháp rèn luyện
riêng, phù hợp với thể chất và điều kiện của bản thân.
Bên cạnh đó, bài
Pháp cũng nhắc nhở mọi người phải biết trân trọng sức khỏe mình đang có. Đừng
khờ dại, lãng phí nó vào những trò vui vô bổ để rồi phải trả những cái giá đắt
về sau. Mỗi người hãy tự biết gìn giữ và nâng cao sức khỏe của mình để cùng
nhau xây dựng một xã hội khỏe mạnh, làm bàn đạp vững chắc cho đất nước đi lên,
sánh vai với các cường quốc trên thế giới./.
Tuệ Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét