Tiên đề của Luật Nhân Quả - Nhân quả công bằng (P2)

Trong Luật Nhân Quả thì tiên đề là như thế này:  
Mỗi ý nghĩ mỗi lời nói và mỗi việc làm của chúng ta đều gây ra một kết quả trở lại cho chính chúng ta. 
Tức là chủ nhân của ý nghĩa, chủ nhân của lời nói, chủ nhân của hành động đều nhận trở lại một cái kết quả tương xứng. Tuy nhiên chúng ta để ý thêm một điều, trong ý nghĩ của chúng ta, trong lời nói và trong việc làm chúng ta chia làm hai loại. Một loại là không có tác động tới người khác, và một loại là có tác động tới người khác. Ví dụ chúng ta vào một cánh đồng trống chúng ta đứng giữa đồng chúng ta hét lên: Ta là vua, ta là vua. Thì như vậy đó là một khẩu Nghiệp từ lời nói và có tác động đến ai không, có liên quan đến ai không ? 



Không liên quan đến ai vì mình đứng giữa đồng trống nói một mình, còn nếu mà nói với người khác nghe thì sao? Báo công an ngay, công an mời lên phỏng vấn một là kết tội hai là đưa mình đi bệnh viên tâm thần liền. Nhưng mà mình sợ nên mình ra đồng vắng một mình mình hét lên, đó là khẩu Nghiệp. Nhưng khẩu Nghiệp này không tác động đến ai hết, và như vậy nó có Nhân Quả gì không? Vì nó không tác động đến ai hết nên Nhân Quả rất là yếu nhưng cũng có Quả, Quả đó là Quả kiêu ngạo, Quả ảo tưởng, Quả tham vọng. 

Mình là con người tầm thường chả có gì đặc biệt hết mà tối ngày mơ ước làm lãnh tụ, mà không ai chịu công nhận mình làm lãnh tụ cho nên mình ra đồng mình hét lên để thỏa mãn cái tham vọng ảo tưởng của mình. Cái Nhân đó là Nhân kiêu mạn muốn hơn người khác và có Quả báo tương xứng, là sau khi mình ra đồng mình hét một trận như vậy xong rồi mình trở về bình thường mình dấu không cho ai biết hết. Nhưng mà bỗng nhiên cuộc đời mình bỗng không không bình thường như những ngày trước, mấy ngày trước người ta gặp mình người ta còn vui vẻ bình thường.

Nhưng mà sau khi mình đứng lên mình hét giữa đồng: Ta là vua, ta là vua. Khi trở về gặp mình bỗng nhiên người ta khinh thường mình liền, người ta gặp mình nguời ta cốc vào đầu mắng: Mày đi đâu nãy giờ không ở nhà làm việc. Hoặc là ai đá vào mông mình cái đốp, hoặc nạt mình: Tối ngày cứ xấc xược. Tức là người ta không hề nghe mình la hét giữa đồng, nhưng mà bỗng nhiên cái Phước của mình mất, bỗng nhiên dù cái việc làm kiêu ngạo đó không ai biết nhưng cái Phước bị tổn luôn. Tức là khi gặp mình người ta không thương như ngày hôm trước, người ta coi thường mình. 


Đó là cái Nhân không tác động tới ai, còn cái Nhân mà có tác động đến người khác kéo dài rất lâu dài. Ví dụ mình ở trong xóm trong làng, mình là người khá giả bên cạnh nhà mình có người nghèo khổ mình khinh thường người đó. Tức là mình ỷ cái giàu sang của mình mình coi thường họ, lời nói coi thường của mình tác động vào tâm người khác, làm người ta tủi thân. Quả báo sẽ rất là khủng khiếp chứ không đơn giản như là hồi nãy mình la giữa đồng không ai biết. Khi mà mình thực sự làm cho người khác tủi thân mắc cỡ nhục nhã thì Quả báo đến khủng khiếp thì có thể cái Phước mình còn thì mình hưởng mười năm hai mươi năm. 

Khi mình già mình sụp đổ cơ nghiệp của mình, trở nên nghèo khổ và bị mọi người coi thường trở lại. Và sự khinh thường đó mà trầm trọng tới con cháu mình không làm ăn được không ngóc đầu dậy nổi, con cháu mình làm đâu thất bại, hỏng luôn cả mấy đời con cháu. Hoặc là khi chúng ta ngược đãi người khác, làm khổ người khác thì sự khổ sở nó trở lại với chúng ta nó dai dẳng khó chịu nhiều năm chứ không phải đơn giản. Ví dụ như mình là viên chức cán bộ, mình có quyền, hôm đó có người họ nghèo khổ họ không có nhà cửa họ mới đến xin mình, trong xóm làng nghèo quá họ muốn xin là: 

- Ông có chức có quyền ông cho một mái nhà tình thương có mái che ở đỡ. 

Thì lúc đó không biết là vì mình giận ai hay mình bận quá mình mới nạt người ta một tiếng: 

- Tao đang bao nhiêu công bao nhiêu việc mà phải lo cho mày nữa, mày về đi. 

Tức là mình nói một câu rồi mình bỏ qua không giúp đỡ người ta thì người ta đi về trong cái tủi nhục và tiếp tục chịu đựng cái nhà dột cột xiêu. Thì cái Nghiệp đó trở lại với mình rất là thê thảm, nghĩa là không phải kiếp này mà những kiếp sau mình cứ làm người mà xin cái gì cũng không ai cho, muốn ai giúp cái gì cũng không được và nhà cửa thì rách. 
 Hễ cái gì đã tác động đến người khác rồi thì Quả báo trở lại gấp một trăm lần như lúc mình đã gieo. 
Mình chỉ tát người ta một bạt tai nhưng mà bạt tai đó mình tát người ta trước đông người thì sau này mình bị dày vò bị hạ nhục chừng một năm trời bù lại chỉ một cái tát tai. Cho nên chúng ta thấy giống như gieo một hạt xoài nhưng mà nó ra biết bao quả bao nhiêu năm bao nhiêu mùa, chúng ta thấy cái quả nó luôn luôn nhiều hơn cái Nhân gấp nhiều lần. Nên mình làm cho ai khổ rồi thì cái khổ trở lại với mình rất dai dẳng. Ngược lại cũng vậy, khi mình giúp cho ai được niềm vui rồi, niềm vui trở lại với mình nó kéo dài rất là lâu. 


Ví dụ một lần mình đi trên đường mình thấy họ lăn lộn giữa ngoài đường, lúc đó đường thì vắng mặc dù công việc mình vội nhưng mà mình bị động tâm. Mình dừng xe lại thì họ nói là bỗng nhiên họ bị lên cơn đau bụng mà giữa đồng vắng này không biết kêu ai, mà không ai giúp đỡ được. Mình cũng sợ họ bị đau ruột thừa vội vàng mình bế lên xe mình chở đi bệnh viện, nhờ mình bế lên xe kịp thời như vậy mổ kịp thời họ thoát chết. Chỉ như vậy thôi vậy mà sức khỏe mình tăng tuổi thọ mình tăng, sau này con cháu mình có tai nạn được người ta cứu vớt. 

Và cái Quả báo trở lại với mình rất là dài và rất là nhiều mà chỉ một lần mình giúp người ta. Nên chúng ta thấy là luôn luôn một hạt lúa gieo xuống, một cây lúa lên cả một chùm. 

Một hạt xoài ươm xuống thì qua chừng năm sau thì mấy nghìn mấy vạn quả xoài mình thu hoạch mãi không hết, đó là cái Nhân Quả công bằng như vậy. Cho nên chúng ta phải hiểu Luật Nhân Quả cho sâu để chúng ta kiểm soát được từng việc làm từng ý nghĩ của mình trong suốt cuộc sống. 
Nên cái hệ quả hay nhất của người tin hiểu được Nhân Quả là chúng ta kiềm chế được chính mình, chúng ta tránh được điều ác và chúng ta siêng năng làm được nhiều điều thiện, đó là lợi ích trước nhất. 
Chúng ta chưa biết là cái Phúc sau này chúng ta hưởng muôn nghìn lần như thế nào nhưng mà trước mắt chúng ta là con người chân chính xứng đáng vì chúng ta biết kiềm chế chính mình. Và chúng ta hiểu rằng người nào biết kiềm chế tức là người tốt, chúng ta muốn làm người tốt, thì trước hết chúng ta biết kiềm chế trước đã. Người không biết kiềm chế chính mình, muốn cái gì là làm liền cái đó, người đó không phải là người đạo đức. Người đạo đức đánh giá trước hết là người biết kiềm chế, muốn làm suy nghĩ lại ba lần năm lần mười lần nên làm hay không mặc dù điều đó mình rất thích. 


Thích nhưng đừng làm, biết kiềm chế đó là điểm khởi đầu của đạo đức và chính Luật Nhân Quả làm cho chúng ta biết kiềm chế. Vì chúng ta có trí tuệ biết Nhân biết Quả, chúng ta thích nhưng mà luôn luôn mình xem mình suy luận thử xem Quả báo này sẽ đưa đi đâu rồi hãy làm cho nên không phải muốn cái gì là làm cái đó. 

Đó là hệ quả đẹp của người tin hiểu Luật Nhân Quả và nếu cả một xã hội rất nhiều người tin hiểu Luật Nhân Quả thì điều chắc chắn là xã hội này rất là tốt đẹp, rất là thịnh vượng. Vì không ai nỡ làm khổ ai và bất cứ ai cũng đều muốn giúp cho người khác được yên vui được hạnh phúc. Chúng ta không biết thiên đường ở đâu xa, nhưng chúng ta biết chắc chắn thiên đường chỉ có nơi những con người tin hiểu Luật Nhân Quả, biết sống được tốt đẹp với nhau, tử tế với nhau.

Phim tài liệu đầy đủ




Link sách



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...