Tiểu thuyết Trở lại thiên đường của tác giả Việt Quang - cháu nội cụ lương y Vương Sinh Huy, chắt nội cụ đồ Hồ Sĩ Tạo.
Bằng câu chuyện tình yêu đầy minh triết, tác giả đã làm một cuộc cách mạng long trời lở đất về giáo lý đạo Ki-tô (Gia-tô), giúp chúng ta có được góc nhìn toàn diện về Ki-tô giáo, về Chúa Jesus, về khái niệm "Thượng Đế".
Sự phân chia và đặt tên các phần do Thời Thổ Tả, để tiện cho việc đăng tải và chia sẻ đến mọi người.
Phần 7 - Ngôi nhà mới.
Chương 1. Giã biệt thiên đường (Phần 1 - Phần 5)
Chương 2. Rong ruổi (Phần 6 - Phần 11)
Chương 3. Tình yêu và hạnh phúc (Phần 12 - Phần 16)
Chương 4. Hiện thân của Chúa (Phần 17 - Phần 26)
Chương 5. Toả sáng (Phần 27 - Phần 30)
Chương 6. Trở lại thiên đường (Phần 31 - Phần 36)
- - -
Chiếc xe đến xa cảng Miền Tây vào buổi xế. Vũ bước xuống xe và đi về phía cổng bỏ mọi người ồn ào gọi nhau bốc dỡ hàng hóa. Một đứa bé bán báo nghèo khổ mời chàng mua báo. Vũ động lòng thương xót, đón lấy tờ báo và trả cho nó số tiền lớn gấp năm giá trị của tờ báo. Thằng bé mừng rỡ chạy tung tăng đi mất. Vũ lơ đãng liếc nhìn dòng quảng cáo, chợt mắt chàng sáng lên khi trông thấy: “Cần một giáo sư dạy piano tại tư gia.”
Vũ bỗng lóe lên một ý định mới. Chàng đón xe tìm đến địa chỉ ghi trên tờ báo. Đó là ngôi nhà lầu ba tầng nằm khuất trong ngõ của đường Trương Định. Bà chủ nhà phúc hậu mở cổng cho chàng và hỏi:
- Cậu cần gì?
- Thưa bác, cháu đọc thấy dòng quảng cáo này trên báo và tìm đến đây.
- Hay quá nhỉ, mới vừa đăng xong là có thầy giáo đến rồi.
Bà mời Vũ vào nhà giới thiệu cho ông chủ. Ông thoáng nghi ngờ vì thấy Vũ còn trẻ quá, mới trên dưới 20 tuổi làm sao có thể đạt trình độ của một thầy dạy piano. Nhưng ông tế nhị mời chàng ngồi salon hỏi thăm bâng quơ:
- Cháu từ đâu đến mà xách hành lý như vậy?
- Thưa bác, cháu vừa từ Vĩnh Long lên dự định tìm việc làm.
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
- Thưa bác cháu 18 tuổi.
Ông ngạc nhiên hơn nữa:
- Mười tám tuổi à? Thế bố mẹ cháu vẫn mạnh khỏe chứ?
Vũ buồn buồn đáp:
- Thưa bác, vẫn khỏe ạ.
Thấy vẻ mặt buồn buồn của Vũ, ông tế nhị không muốn hỏi thêm.
- Cháu gọi bác là bác Trường. Còn cháu?
- Thưa bác, cháu là Nguyễn Thái Vũ.
Ông cất tiếng gọi:
- Mai và Tuấn ơi! Xuống đây nghe ông thầy đánh đàn.
Trên lầu, hai đứa trẻ chạy xuống. Đứa bé gái trạc 15, đứa bé trai 14. Chúng khoanh tay chào khách rồi đứng sau lưng chiếc ghế của ông bà Trường.
- Mời cháu đánh một khúc nhạc nhé!
Rõ ràng họ muốn thử tài nghệ của Vũ. Ông Trường hướng dẫn Vũ đến cây đàn piano mới toanh nằm ở sát tường. Vũ kéo ghế ngồi xuống, dỡ nắp đậy lên, kéo tấm vải nỉ ra. Chàng lướt tay một loạt để kiểm tra sự chính xác của nốt nhạc. Nhìn những ngón tay chàng thoăn thoắt lướt qua, cây đàn vang lên những tiếng giòn giã, ông bà có vẻ tin tưởng đôi chút.
Chàng chỉnh người ngay ngắn đánh bài Trường ca Parsifal của Wagner, tiếng nhạc vang lên như đưa mọi người ra khỏi thực tại. Nhạc khúc quá dài, Vũ chọn một chỗ để kết thúc. Tiếng đàn dứt rồi mà mọi người còn ngơ ngẩn trong cơn say sưa chất ngất. Mãi một lúc sau, bốn người mới bật lên:
- Tuyệt quá!
Hình dáng đẹp đẽ khôi ngô thanh tú, ánh mắt hiền lành trầm buồn, mái tóc cong dợn lơi lơi của Vũ ngồi trước cây đàn piano trông rực rỡ như một thiên thần âm nhạc.
- Cháu học đàn từ bao giờ vậy?
Vũ đứng dậy đáp:
- Thưa bác, cháu tập đàn từ năm sáu tuổi.
Cả nhà có vẻ thán phục chàng lắm, khi mọi người đã trở lại salon, ông Trường lại hỏi:
- Cháu vừa mới đến thành phố, đã có chỗ ở chưa?
- Thưa bác, chưa.
- Vậy cháu hãy ở lại đây vài ngày rồi hãy tính nhé!
- Vâng, cháu cám ơn bác.
Vốn là một nhà kinh doanh chuyên nghiệp, ông Trường muốn đánh giá Vũ cẩn thận vài ngày trước khi ông đưa ra một quyết định quan trọng hơn.
Vũ được Tuấn hướng dẫn lên một gian phòng trên tầng hai để nghĩ lại. Trong mỗi phòng đều có buồng vệ sinh riêng biệt. Lối kiến trúc của ngôi nhà rất tối tân và mỹ thuật.
Những ngày ở lại Vũ được gia đình ông Trường mời đánh đàn cho họ nghe thường xuyên. Họ vẫn tin nơi tài nghệ của chàng. Gia đình có vẻ vui hẵn lên. Ông Trường để ý thấy Vũ ít ăn thịt cá trong những bữa ăn mà hay dùng đậu chiên, các thứ légume. Chàng tuyệt đối không hút một điếu thuốc, không ra khỏi nhà tìm một quán cà phê. Vũ nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn và lễ phép. Khi ngồi một mình, Vũ thường ngồi yên lặng nét mặt buồn buồn đăm chiêu về một vấn đề gì mông lung lắm. Có lần Mai cầm vỡ đến nhờ ông giải thích một bài toán khó, ông chụp ngay cơ hội nói:
- Ôi, bố còn nhớ gì nữa đâu, con nhờ anh Vũ đi.
Mai rụt rè đến nhờ Vũ:
- Bố em nhờ anh giải thích giùm em bài toán này.
Vũ cầm lấy vỡ, vẽ hình rồi chứng minh trong chốc lát. Chàng giảng cho Mai thật kỹ lưỡng và luôn luôn nhắc lại những định lý liên hệ. Mai hiểu được rõ ràng, cám ơn và rồi quay đi. Trong ba ngày này, ông Trường không đi đâu hết. Ông chỉ gọi điện thoại để điều khiển các công việc ở công trường. Ông muốn “bám sát” Vũ để sự nhận xét được chu đáo trước khi đưa ra một quyết định. Ba ngày trôi qua, vào một buổi tối, cả nhà quây quần nơi phòng khách. Sau khi nghe Vũ đánh xong bài Les flots du Danube, ông Trường mời Vũ lại salon và nói:
- Sở dĩ bác mời Vũ ở lại ba ngày để bác có thể nhận xét cháu trước khi chúng ta hợp đồng lâu dài với nhau. Bây giờ thì bác đã đủ niềm tin để quyết định, Bác có mấy đề nghị như sau: Thứ nhất, bác mời cháu ở với gia đình bác không kỳ hạn.
Thứ hai, bác nhờ cháu dạy piano cho Mai và Tuấn, đồng thời giúp đỡ các em về bài vở ở trường. Thứ ba, bác đề nghị cháu đi học khóa Trung cấp thi công xây dựng hai năm, để ra trường giúp đỡ cho bác. Bác vốn là kỹ sư xây dựng đang chịu trách nhiệm chủ nhiệm công ty xây lắp Thành Công. Thời gian cháu ở với bác thì quyền lợi của cháu đồng đều như Mai và Tuấn. Ý kiến của cháu thế nào?
Vũ trầm ngâm giây lâu rồi thưa:
- Thưa bác khóa học đó chừng nào sẽ mở, và thủ tục ra sao?
- Bốn tháng nữa khóa học đó bắt đầu và ngày mai bác sẽ đến ghi tên cho cháu. Sẽ có một cuộc thi về các môn Toán Lý Hoá. Nhưng việc đó không quan trọng, cháu yên tâm.
- Cháu xin cám ơn bác về những sự ưu ái mà bác dành cho và xin hứa cố gắng giúp đỡ hai em Mai và Tuấn.
Ông Trường quay sang Mai và Tuấn:
- Từ nay các con phải vâng lời anh Vũ nhé, bố giao quyền cho anh Vũ dạy dỗ các con. Đứa nào không vâng lời anh Vũ đánh đòn ráng chịu.
Hai đưa thích chí cười vang. Tuấn nói:
- Anh Vũ mà đánh con, con dấu dép ảnh.
- Mày chuyên môn dấu dép của chị mày làm nó khóc hoài.
- Ai biểu chỉ không cho con đi coi hát:
Mai lên tiếng:
- Nó đi chơi với mấy thằng gì đâu rồi hư thân mất nết cho mà xem.
Bà Trường bảo:
- Từ nay muốn gì xin phép anh Vũ rồi mới được làm.
Hôm sau ông Trường lái xe hơi đi xem công trường ở Thủ Đức. Ông chưa dám nhận những công trình ở xa Thành Phố vì chưa có người tin tưởng ở lại quản lý mà ông thì thường về nhà vui với vợ con. Ông đang hy vọng khi có Vũ để giao quyền quản lý ông sẽ nhận những công trình ở xa vì tầm cỡ các công trình đó lớn lao hơn.
Vũ bắt đầu chia thời khóa biểu học đàn và học văn hóa cho Mai và Tuấn. Tuấn luôn luôn đòi nhiều thì giờ để đi chơi. Mai cũng có rất nhiều bạn bè tới lui thăm viếng và rủ đi đây đi kia mãi. Tuấn thường lên giọng nạt nộ ăn hiếp Mai. Chúng sống cho bạn bè bên ngoài nhiều hơn cho gia đình. Ngôi nhà rộng lớn này trống trải vì thiếu sự hòa thuận đầm ấm. Và rồi Vũ nhận thấy rằng những đứa trẻ ở thành phố thường sống cho bạn bè hơn cho gia đình. Chúng thích đi chơi với bạn bè hơn là tìm vui trong nhà. Những rạp xi nê lộng lẫy, những đêm hội diễn văn nghệ ở khu văn hóa, các vũ trường, các sân đá bóng, các quán cà phê nhạc...đã cuốn hút tuổi trẻ khỏi mái nhà của chúng và để lại đấy sự khô khan lạnh lẻo.
Những khi bạn bè của Tuấn đến chơi, Vũ thường nghe chúng thích bàn về vấn đề tính dục. Chúng đã có ý thức về tính dục rất sớm và tò mò rất nhiều về vấn đề này. Những sách báo và phim ảnh thiếu trách nhiệm đã phá vỡ sự ngây thơ hồn nhiên trong lòng chúng. Mai cũng hay xem những sách tình cảm lãng mạn và đôi khi Mai nhìn Vũ với ánh mắt của những nhân vật trong truyện nhìn người yêu. Vũ rất nghiêm khắc về tình cảm. Chàng nguyện với lòng sẽ không vướng vào tình cảm để dành trọn tâm hồn mình tìm ra lẽ sống tuyệt đối. Vũ luôn luôn nhìn Mai bằng ánh mắt bình thản trong sáng của người anh, và Mai không thể nào tìm thấy một chút vẫn đục trong đôi mắt đó. Vào ngày chủ nhật kế tiếp, Vũ xin phép ông bà Trường cho Mai và Tuấn đưa chàng đi tìm các tài liệu piano. Ông Trường hứng chí đề nghị cả nhà đi chơi. Ông đánh xe hơi đưa cả nhà ra chợ Sài Gòn và dừng trước một hiệu sách lớn. Họ vào xem sách gì cần thì mua. Vũ tìm mãi không thấy Méthode de Rose và Méthode de Schmoll. Tuấn lựa vài cuốn trinh thám, Mai lựa vài cuốn tiểu thuyết dịch từ các văn hóa Nga trong đó có cuốn Bảy Kiệt Tác Truyện Ngắn của Nga.
Ông Trường đưa cả nhà lại nơi bán sách cũ và tìm được hai tài liệu theo ý của Vũ. Ông Trường đánh xe đi dạo ven bờ sông Sài Gòn và các khu phố chính. Họ dùng cơm trưa ở nhà hàng rồi trở về. Vũ bắt đầu hướng dẫn Mai và Tuấn từng bài tập căn bản. Mai có vẻ có khiếu hơn nên học cũng chóng. Tâm hồn sôi bổng của Tuấn chưa thích hợp lắm với âm nhạc, nhưng Tuấn cũng cố gắng để hy vọng sau này lấy le với bạn bè. Mỗi tối, ông bà Trường rất thích nhìn các con tập đánh piano, và trước khi kết thúc buổi học họ luôn luôn yêu cầu Vũ đánh một bản nhạc nào đó. Vũ chọn một bản nhạc ngắn như “Come back to Sorento” “If you go away”, “Tout I’am our” ... để chìu lòng họ. Dưới sự hướng dẫn khéo léo của Vũ, Mai và Tuấn lấy lại căn bản của toán, chúng bắt đầu thích học toán khi tự giải được những bài tập đầu tiên. Sự tiến bộ trong văn hóa của Mai và Tuấn cũng là niềm vui của ông bà Trường.
Về phần mình Vũ vẫn giữ đều đặn hai thời luyện khí công mỗi đêm. Những khi không có ai để ý, Vũ dợt lại những bài quyền cũ. Hầu như Vũ không đi đâu chơi, chỉ lặng lẽ ở nhà dạy cho Mai và Tuấn hoặc đọc những tác phẩm lớn trên kệ sách của ông Trường. Đạo đức của Vũ khiến ông bà Trường càng lúc càng tin tưởng.
Một hôm Mai tổ chức sinh nhật mời bạn bè đến đầy nhà. Mai giới thiệu Vũ là người anh tinh thần và là một nhạc sĩ dương cầm.
- Anh mày đẹp trai quá ha!
Vũ nghe các bạn Mai xì xầm như vậy.
Ông bà Trường cũng chìu các con theo lối sống mới và cho chúng tự do vui đùa với nhau. Vũ nhận thấy những đứa trẻ ở thành phố khôn ngoan sớm quá và cũng có vẻ “láu cá”.
Mai nhờ Vũ đệm đàn cho các bạn hát. Chúng rất thích khi được một nghệ sĩ piano đệm cho hát như vậy. Chúng hát trúng nhịp hay trật nhịp gì Vũ cũng tùy thuận đệm cho cả.
Sau khi đưa các bạn ra về Mai trở vào nói với Vũ:
- Các bạn em khen anh đẹp trai, hiền lành và đánh đàn hay quá. Nhưng anh có vẻ ít nói và nghiêm nghị nên tụi nó hơi rét. Có mấy đứa đòi tới đây học piano chung với em, nhưng em...em không chịu. Em giữ anh cho một mình em thôi.
Vũ thấy thương hại cho lớp trẻ của Mai, chúng đã để cho tình yêu đến một cách bồng bột vội vàng và quá sớm. Một cô bé mười lăm tuổi mà đã biết tỏ tình phân nửa. Chàng thấy có trách nhiệm phải điều chỉnh lại tâm hồn của Mai và Tuấn khi ngày nào chàng còn ở lại đây. Nhưng trước hết chính chàng làm gương đã.
Những khi Tuấn đi học về, Vũ ra đón tận cổng, đỡ lấy xe lấy cặp. Chàng khuấy nước chanh cho Tuấn và ngồi hỏi chuyện ở trường lớp, chuyện học hành, chuyện bạn bè vui buồn đủ thứ. Tuấn có vẻ sung sướng khi có người để ý săn sóc mình như vậy. Bao nhiêu ý nghĩ thầm kín, những buồn thương giận ghét trong lòng, Tuấn đều tâm sự với Vũ. Vũ luôn luôn tìm ra một lời khuyên thích hợp để uốn nắn tâm hồn của Tuấn trở nên cao thượng hơn.
Chàng cũng lo lắng cho Mai và giữ một khoảng cách nhất định. Hai đứa càng lúc càng tin yêu Vũ đậm đà hơn trước. Không khí gia đình có vẻ ấm cúng hơn, Mai và Tuấn bớt thích đi chơi bên ngoài vì thấy gia đình có những niềm vui thật sự. Vũ cũng bày cho chúng những trò chơi đánh cờ, nhảy dây để tạo sự gắn bó giữa hai chị em.
Lúc này Vũ bắt đầu đi học khóa thi công xây dựng và phải sắp xếp lại thời khóa biểu dạy cho Mai và Tuấn. Nhân một ngày chủ nhật, Vũ xin phép ông bà Trường cho Mai và Tuấn đưa chàng đi chơi ở Sở thú. Vũ chở Mai bằng chiếc Sprint còn Tuấn tự đi bằng xe honda.
Ba anh em đi xem các chuồng thú đến khi mỏi chân tìm đến gốc cây to để ngồi nghĩ. Vũ hỏi:
- Anh đố các em con Người khác với con Vật ở chỗ nào?
Hai đứa nghĩ ngợi một chốc rồi Tuấn đáp:
- Con người thông minh hơn con vật.
Mai đáp:
- Con người nham hiểm hơn con vật.
Vũ giải thích:
- Các em nói đều đúng. Mọi sinh vật trên trái đất này đều có một bản năng sinh tồn. Bản năng tự giữ gìn sự sống và thỏa mãn những nhu cầu của sự sống. Như cây biết hướng lá về ánh sáng, hướng rễ về nguồn nước. Loài thực vật chỉ thuần có bản năng mà không có trí năng, loài động vật còn có thêm trí năng để phán đoán và suy luận. Con cá biết tìm đến nguồn thực phẩm, biết tránh chỗ nước bẩn, nước quá trong, biết tìm sự duy trì nòi giống. Con chim biết tìm về phương Nam khi mùa Đông và bay về phương Bắc khi mùa Hè. Chúng có trí năng để giúp cho bản năng duy trì sự sống. Nhưng trí năng của con vật thì hoàn toàn làm tay sai cho bản năng. Bản năng đòi hỏi cái gì thì trí năng tìm cách giải quyết. Bản năng đòi ăn thì trí năng tìm thực phẩm. Bản năng đòi giao cấu thì trí năng đi tìm loài khác giống. Bản năng đòi ở thì trí năng đi tìm tổ ấm.
Riêng con người hơi khác hơn một chút. Trí năng con người có thể chế ngự lại bản năng. Khi bản năng đòi ăn, nhưng trí năng biết phán đoán đã đến lúc ăn hay chưa, món ăn có thich hợp hay không và không phải ăn nhầm của người khác.
Bản năng đòi đi coi hát nhưng trí năng xét xem đã giải quyết các bài vở chưa và đi như vậy có phiền cho ai không. Bản năng đòi hỏi đi ngủ thì trí năng xét xem đi ngủ đúng lúc không và còn những việc gì tồn tại.
Nếu con người sống hoàn toàn theo mọi đòi hỏi của bản năng thì họ đang hạ thấp giá trị của họ xuống bằng thú vật. Như các em thấy mấy người đánh lộn, chửi lộn, nhậu say về đốt nhà, giết người cướp của,... đều là dùng trí năng phục vụ cho bản năng. Còn những người có trí năng sáng suốt được giáo dục kỹ thì chế ngự lại những đòi hỏi của bản năng. Họ sống cuộc đời cao cả không tham lam, không nóng giận, không ích kỹ, làm việc gì cũng cân nhắc trước sau.
Bây giờ anh hỏi các em, Mai và Tuấn định đi học nữa để làm gì?
Tuấn đáp liền:
- Em thích là phi công!
- Để làm gì?
- Để lái máy bay lên trên trời ngắm nhìn mọi cảnh vật bên dưới. Làm phi công oai lắm, có đeo khẩu súng bên hông, ai đụng tới là mình bắn liền.
- Còn Mai?
- Em thích làm bác sĩ.
- Để làm gì?
- Bác sĩ có giá trị cao trong xã hội, nhất là nữ bác sĩ làm người ta nễ phục lắm.
Vũ thở dài nói:
- Các em ngã quỵ trước cái bản năng rồi!
Tuấn và Mai cùng hỏi:
- Em đâu có đòi ăn uống gì đâu!
- Các em đi tìm mục đích để nâng cao giá trị cho chính mình. Tuấn thích làm phi công cho oai. Mai thích làm bác sĩ cho có giá trị. Đó là những mục đích vị kỷ do bản năng đưa ra.
- Vậy tụi em phải làm gì?
- Các em cứ mơ ước là phi công và bác sĩ nhưng không phải đi tìm giá trị cho chính mình mà đi tìm lợi ích cho mọi người. Các em hãy nghĩ điều lợi ích mà mình có thể đem đến cho cuộc đời. Khi làm phi công Tuấn hãy nghĩ mình phục vụ sự đi lại cho mọi người. Khi làm bác sĩ, Mai hãy nghĩ để xoa dịu nổi đau khổ của người bệnh. Mục đích vì người, vị tha là mục đích chiến thắng được bản năng. Còn mục đích vị kỷ là những mục đích phủ phục trước bản năng.
Từ nay các em phải dựng lại mục đích mới, không phải vì mình, mà chỉ vì mọi người. Chỉ trí năng mới đem đến cho chúng ta tình thương yêu đối với tất cả. Còn bản năng lại đem đến cho chúng ta những tình yêu nhỏ hẹp riêng tư. Tình nhân ái giúp cho chúng ta hy sinh cho mọi người, còn tình yêu nam nữ khiến cho chúng ta thích chiếm hữu về riêng mình. Khi nào tâm hồn các em ngập tràn tình thương yêu với mọi người, cuộc sống các em sẽ trở nên cao thượng. Các em hãy thường xuyên nguyện với lòng mình là thương yêu tất cả mọi người và sẽ đem cả cuộc đời mình phụng sự cho họ. Các em làm được như vậy không?
Mai và Tuấn lặng thinh. Giây lâu sau Mai lên tiếng:
- Những điều anh nói làm tụi em xúc động và cũng mong mình sẽ có được trái tim thương yêu mọi người. Nhưng em nghĩ không dễ gì chúng ta bỏ được thói quen vị kỷ từ trước. Tuy nhiên được sống gần bên anh, tụi em sẽ cố gắng từ bỏ vị kỷ trong tâm hồn mình để sống cuộc đời sống vị tha cao thượng. Em thấy rằng anh đã làm được những điều mình nói nên em tin tưởng nơi anh và cố gắng thay đổi tâm hồn mình để giống được anh.
Tuấn chợt hỏi:
- Mình thương mọi người như vậy rồi lỡ máy bay bị bọn không tặc đánh cướp, mình có nên rút súng bắn tụi nó không anh?
Vũ phì cười. Mai cú đầu Tuấn một cái.
- Mày hỏi ngớ ngẩn!
Tuấn có vẻ đăm chiêu về vấn đề bọn không tặc đang rút súng uy hiếp cô nữ tiếp viên và đòi đột nhập vào cabin của phi công. Vũ có vẻ đoán được sự bất an trong lòng Tuấn nên gợi chuyện:
- Bây giờ anh hỏi Tuấn. Em thấy mình sống để giúp đỡ phụng sự cho mọi người hay là sống để lo cho riêng mình?
- Dạ phụng sự cho mọi người hay hơn chứ sao anh?
- Em ạ, mình phải làm sao sự có mặt của mình trên cuộc đời này tức là sự lợi ích cho mọi người. Nhưng trước hết, gần các em nhất chính là cha, là mẹ, là anh chị chung quanh mình. Nếu mình có thể thương yêu phụng sự cho gia đình mình một cách trọn vẹn thì người này mới có thể tuyên bố rằng: “Tôi có thể thương yêu mọi người”.
Chúng ta nói chúng ta thương yêu mọi người, nhưng gia đình là tổ ấm của mình thì mình bỏ lỡ không để ý đến. Chúng ta phải củng cố hạnh phúc trong gia đình mình trước đã. Làm sao cho mọi người trong gia đình mình trở thành thương yêu gắn bó săn sóc cho nhau khi chúng ta còn ở lại với gia đình. Sau này vì công việc, có khi các em phải lìa xa gia đình, các em sẽ hối hận nếu các em không đem lại hạnh phúc cho gia đình trong những ngày mình còn sống ở đó.
Anh không vui vì các em rủ nhau cả đám bạn bè đạp xe đi chơi xa vui đùa đủ cách. Nhưng anh chỉ vui khi thấy các em quây quần bên bố mẹ, khi thấy các em săn sóc cho nhau. Mỗi khi bố đi làm về, các em ra đón bố ngoài cổng, ôm hôn bố, lấy khăn cho bố lau mặt, khuấy nước chanh cho bố uống. Mỗi khi mẹ yếu trong người, các em hầu hạ một bên mẹ, bưng cháo cho mẹ dùng, lấy thuốc cho mẹ uống.
Anh muốn các em trồng lại giàn thiên lý nơi sân nhà mình trước khi trồng những cây đại thụ nơi cánh đồng xa.
Mai và Tuấn có vẻ thấm thía những lời dạy của Vũ. Mai nói:
- Từ ngày có mặt anh trong gia đình, em thấy gia đình ấm cúng hơn lúc trước. Anh đã cho chúng em thấy được hình ảnh giàn thiên lý nở hoa hạnh phúc trước sân nhà. Kể từ hôm nay tụi em sẽ cùng anh vun xới giàn thiên lý này.
Sau buổi đi chơi ở Sở thú về, ông bà Trường thấy Mai và Tuấn thay đổi hẳn. Chúng có vẻ hiền lành, thâm trầm và thương yêu nhau hơn. Tuấn không còn thái độ nạt nộ ăn hiếp Mai nữa. Chúng thường từ chối những cuộc rong chơi vô bổ của bạn bè để ở nhà vui đùa với nhau và săn sóc bố mẹ. Ông bà Trường rất sung sướng vì việc này và âm thầm biết ơn Vũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét