Luật nhân quả liên quan qua nhiều kiếp sống - Nhân quả công bằng (P5)



Điều chúng ta muốn nói với nhau nữa là: Luật Nhân Quả liên quan với nhau qua nhiều kiếp sống, vì sao vậy? 

Vì có nhiều Quả báo không đủ điều kiện để xuất hiện trong một kiếp nhãn tiền mà phải kéo dài qua nhiều kiếp khác. Như nãy chúng ta nói chuyện, chúng ta mưu hại làm cho người khác bị mồ côi mà kiếp này mình đâu có mồ côi. Thành thử kiếp này mình đâu có trả Quả báo mồ côi, thì phải qua kiếp khác mới trả Quả báo mồ côi đó. Hoặc là kiếp này mình hay lừa đảo làm người khác thật vọng, nhưng mà bây giờ mình thành công quá chẳng ai lừa đảo mình được thì kiếp sau phải bị lừa đảo trở lại.

Hoặc là mình đã giúp cho không biết bao nhiêu người được sáng mắt, hoặc người tàn tật có xe lăn để lăn đi mà kiếp này mình đâu có què tay què chân gì đâu mà ai cho xe lăn. Nhưng mà kiếp sau, thì bây giờ thầy hỏi quý Phật tử trước nhé, nếu bây giờ kiếp này mình thấy người tàn tật đi không được mình mới đi mua xe lăn tặng cho họ thì Nhân Quả là sao? Có phải kiếp sau mình sẽ được tàn tật để người ta cho xe lăn nữa không? Đi xe ô tô, có thể có thật chứ không phải là không, bởi vì sao? 

Bởi vì người ta không di chuyển được mà mình lại giúp người ta di chuyển dễ dàng, đó, cái tính chất đó thôi chứ không phải mình bị đập què chân để được cho xe trở lại. Tức là người khó di chuyển mà mình giúp người ta đi lại dễ dàng thì qua kiếp sau bỗng nhiên đôi chân mình rất là mạnh, rất là vững đi lại dễ dàng mà dễ có xe. Ví dụ như trong thời người ta chạy xe Dream thì mình có xe Dream, đến thời xã hội có xe ôtô thì mình có xe ôtô, mà coi chừng tới thời mà người ta đi máy bay mình có máy bay luôn. 

Nên vì vậy những cái Nhân đơn giản tưởng chừng như tầm thường nhưng mà khi Quả báo trổ ra thì muôn ngàn lần nhiều hơn thế. Và chúng ta thấy Luật Nhân Quả liên quan nhiều kiếp và do đó trong đạo Phật còn có một khái niệm nữa là Luân hồi, là sự tái sinh giữa kiếp này qua kiếp khác. Tức là khi chúng ta chết trong kiếp này không phải là chúng ta chấm dứt đời sống mà chúng ta sẽ đầu thai lại. Do đó còn một định luật quan trọng liên quan đến Luật Nhân Quả nữa là Luân hồi tái sinh, chết kiếp này đầu thai sang kiếp khác nữa. Tuy nhiên cái Luân hồi không đơn giản, không đơn giản chết cái là mình đầu thai sang kiếp khác. 


Chúng ta chết kiếp này linh hồn thần thức chúng ta sẽ tồn tại trong cõi siêu hình, rồi sau đó đủ nhân đủ duyên có cha có mẹ rồi chúng ta mới sinh vào gia đình đó để tái sinh ra một kiếp khác. Còn khi mà chưa đủ duyên chưa đúng cha đúng mẹ thì mình không có đầu thai. Ví dụ đời trước mình có gây một Nhân gì đó để đời sau mình sẽ được cái Phước như thế này: Cha mẹ mình là người giàu, mẹ rất đẹp để mình hưởng được cái gen để mình đẹp, cha rất giỏi và có quyền chức và thế của mình là phải sinh là con trưởng. 

Rồi trong người cha người mẹ đó thì phải là dòng họ đông mà cha mình lại là con trưởng. Tức là cái Nhân mình đã gây không biết là sao ấy nhưng nó quy định như thế rồi thì phải đúng cái Nhân Quả đó mình mới đầu thai. Tức là bây giờ Nhân Quả đó chưa tới thì mình vẫn tiếp tục trong cõi siêu hình mình chờ đợi mình hưởng phúc trong đó. Trong đó mình vẫn có nhà cửa vẫn hưởng sung sướng để chờ đợi. Chỉ tái sinh khi nào mà có người mẹ đẹp quyền quý, người cha giỏi có chức vụ là con trưởng của gia đình đông, họ cưới nhau mà mình là con trưởng đúng điều kiện đó mình mới đầu thai còn không thì chờ đợi, có khi mình chờ cả trăm năm. 

Trong suốt một trăm năm đó mình là một thần thức có uy đức có nhà có đền có phủ ở sung sướng có khi được người ta thờ cúng. Tới khi nhân duyên đủ rồi, nhân duyên lúc đó là có đôi trai tài gái sắc thương yêu nhau cùng nhau làm đám cưới. Hai bên giàu sang hết, người mẹ cực đẹp, người cha cực giỏi có quyền có chức vừa mới cưới nhau và bắt đầu có con thì mình đến đầu thai luôn. Nên không phải là chúng ta đầu thai ngay mà phải đúng cha đúng mẹ đúng họ. 


Hoặc là người gieo tội lỗi gì đó đến kiếp sau cái Nhân Quả quy định là người này vừa sinh ra được ba ngày đỏ hỏn thì cha không biết là ai, còn mẹ sẽ vứt trước cổng chùa để cho sư mang vào nuôi. Nhân Quả quy định rồi thì phải chờ cho đúng trường hợp là có một người đàn ông họ dụ dỗ một cô gái rồi họ bỏ, cô gái đó có mang rồi nhục nhã với làng xóm với cha mẹ mà gặp gia đình cô gái đó là không dung con mình chửa hoang. 

Tức là bao nhiêu điều kiện ép lại, thế là người con gái trẻ đó phải mang bụng bầu trốn luôn,trốn nhà đi đâu mất không biết. Rồi khi sinh con nhờ người xung quanh giúp đỡ rồi cũng không thể mang con mình được, thương con thì thương mà không mang trở về quê được thế là mới sinh ba ngày đi ngang qua chùa đem vứt ở đó. 

Chúng ta thấy là nó đợi đúng quy định thì mới sinh ra đầu thai được còn trong suốt thời gian chờ đợi chúng ta ở trong cõi siêu hình. Thì ông bà mình gọi là linh hồn, Phật gọi là thần thức, thì trong cái thời gian đó linh hồn hay thần thức chưa đầu thai sẽ theo Nghiệp mà có một chỗ ở, một chỗ an trú thích hợp. Cái linh hồn mà tội lỗi nặng quá thì chịu hình phạt dưới địa ngục còn ít hơn thì làm một loài ma đói lang thang vất vưởng, người này khi chết rồi thì không ai cúng cho ăn, không có chỗ ở đàng hoàng ở đồng ở bụi cây. 


Đôi khi mà ông nào ông vừa nhậu ông đi ngang đó ông vừa ói xuống là mình ăn chứ không có thức ăn không ai cúng cho ăn. Lâu lâu mà chùa cúng vào lễ Vu Lan thì mình mới lại dành dật với các con ma đói khác mà ăn. Mà quanh năm suốt tháng cái cảm giác đói cứ đầy mặc dù không có dạ dày chỉ là một linh hồn vất vơ vất vưởng mờ mờ ảo ảo mà vẫn bị cảm giác đói. Đó là loài ma đói, tội ít hơn tội đia ngục nhưng mà vẫn là tội, nhưng thường thường những loài đó khi đầu thai lên thì ít được làm người mà đầu thai làm súc sinh. 

Còn nếu linh hồn có Phước hơn thì có một nơi ăn chốn ở đàng hoàng, ví dụ được con cháu thờ trong nhà đàng hoàng tới buổi con cháu cho ăn cơm, hoặc được mang vào chùa thờ trong nhà thờ linh thờ cốt. Thì ở đó mỗi ngày chùa cúng cơm cho ăn, tụng kinh cho nghe cũng là biết tu là có Phước, trong khi mình chờ đầu thai mình vừa tu vừa giữ chùa công quả.

Ví dụ như lúc còn sống mình thường hay đến chùa nghe pháp mình phụ quét dọn chùa công quả, mỗi ngày hoặc mỗi tuần hay mỗi nửa tháng ngày sám hối. Thì do duyên Phước đó khi mình chết mà chưa gặp được cha mẹ giàu sang mà số mình là phải được giàu sang, bởi vì lúc sống mình thường đến chùa làm Phúc nhiều quá rồi. Thì khi lúc chết cái Nhân Quả quy định là đợi chừng nào đúng cha mẹ giàu mình mới đầu thai vào, còn chưa tới duyên đó mình về chùa mình ở đỡ. Thì về chùa thì bài vị mình nằm trong nhà linh của chùa, thì ở trong đó không đói, ngày nào quý thầy quý cô cũng cúng cơm cho ăn, rồi nghe kinh, rồi giữ chùa. 



Vậy là mặc dù không ai thấy nhưng linh hồn của mình cứ vẫn va vẩn vơ đi quanh chùa không cho ai lẻn vào chùa, rồi lại khuyến khích những người đi qua chùa, mình tác động vào tâm họ để họ hiền lành họ không phá chùa. Nên nhớ là người chết tác động lên người sống là tác động vào tâm. Ví dụ mình còn sống, mấy đứa nhỏ lại nghịch thì mình lại mình nói: Con, con đừng nghịch con, để giữ chùa yên tĩnh, như vậy là bằng lời nói. Còn người âm họ không nói bằng lời cho trẻ nghe mà họ nói thẳng vào tâm, đứa bé nó định vào chùa nghịch, bỗng nhiên trong tâm nó xuất hiện ý nghĩ chùa là nơi thanh tịnh đừng nghịch.

Nó tưởng ý nghĩ của nó không ngờ là ý nghĩ của những vong thờ trong chùa, những cái vong đó giữ. Mà cứ tiếp tục làm Phúc như vậy cho đến khi đợi đủ cha đủ mẹ giàu sang đúng Nhân Quả của mình rồi thì mình mới rời chùa. Mình mới ra đi về nhà đó và đầu thai làm con của họ, làm người con trong gia đình giàu sang. Lớn lên chút xíu là lại quay lại chùa,tiếp tục làm Phúc công đức tiếp, gieo Nhân Quả tốt lành tiếp. Nên có một giai đoạn trung gian là chúng ta ở trong cõi siêu hình là như vậy.

Còn những người mà có công lao với đất nước, ví dụ lúc sống mình là một vị sĩ quan, ông tướng, ông cán bộ lãnh đạo mà  hết lòng vì dân vì nước không hối lộ, không tham lam lúc nào cũng lo cho dân. Hễ thấy dân khổ là tự trách mình, đi lại một khúc đường tại làng quê nào mà đường khó đi là tự trách mình tự kiểm điểm bản thân, về thì tìm cách vận động để giúp cho làng đó có con đường tốt. Hoặc là đến làng nào rồi phát hiện trẻ em đi học quá là vất vả đi phải trèo đò qua sông mà có khi sóng to gió cả mà không biết tính mạng như thế nào, thế là vội vàng tìm cách vận động để làm cái cầu. 

Thì người mà làm cán bộ lớn mà lo cho dân như vậy thì khi chết quy định đời sau, cái Nhân Quả là đời sau phải sinh vào nhà cực kỳ quyền quý, lớn lên ăn học giỏi giang làm lãnh tụ liền, làm thủ tướng cũng có. Nhưng mà trong thời gian đủ cha đủ mẹ thì trong cõi siêu hình mình là một vị thần có quyền uy có đền có phủ ở, mà trong đền phủ đó có lính hầu hạ phục vụ đàng hoàng. Vì lúc sống là một cán bộ biết lo cho dân nên được làm một vị thần. Ngày xưa cũng vậy, những vị quan vị tướng sống lo cho dân thì chết được làm các vị thần mà có khi chúng ta thờ trong đền đàng hoàng, và ngày nay cũng vậy chứ không phải khác đâu.

Thì những vị tướng vị quan có công với đất nước khi chết thì chúng ta đừng tưởng hết nhé, mà các vị đang ở một chỗ nào đó có đền có phủ cũng có quyền uy, trong phủ đó vẫn có lính hầu hạ. Rồi đến khi nào đủ duyên để quay lại thì Nhân Quả mới tính tiếp. Còn những vị mà suốt một đời tu hành tâm hồn cực kỳ đạo đức thánh thiện và làm vô số điều Phước cho đời. Thì những vị đó chết sinh lên cõi trời, đó là cõi thiên đường, đó là cõi chỉ có niềm vui. Cõi đó con người ta sống với nhau bằng tâm không cần nói, người này biết tâm ý người khác và đều sống rất chân thật, hạnh phúc rất tử tế, muốn cái gì là cái đó hiện ra liền. 


Ví dụ như một vị chư thiên muốn ở một cảnh núi thì một ngọ núi hiện ra liền, họ thích ở lâu đài thì lâu đài hiện ra liền, họ thích mặc quần áo đẹp thì quần áo đẹp hiện ra liền. Tức là họ muốn cái gì được cái đấy và sống trong tình thương thôi. Thì người mà biết tu hành tâm hồn đạo đức thánh thiện làm nhiều điều thiện giúp ích cho đời thì chết chắc chắn lên cõi trời. 

Còn người làm cán bộ đôi khi mình còn nóng nảy nên chết mình làm thần chứ không làm Thánh. Còn trường hợp người làm Thánh thì đừng có nóng nảy mới làm Thánh được, nên tuy mình có công với đất nước có công với dân mà còn nóng thì chỉ có làm thần không làm Thánh. Còn nếu mình có công với đất nước, có công với nhân dân mà tâm mình điềm đạm không bao giờ nạt ai một câu nào thì chết làm Thánh liền. Đến khi duyên làm người xuất hiện rồi bắt đầu mới đầu thai lại.

Nhưng mà đầu thai là như thế nào? 

Đầu thai là thế này: Khi mà chuẩn bị mà cái duyên cha mẹ đến thì chúng ta thường về cái nhà đó chúng ta quấn quýt bên cha mẹ, đến khi cha mẹ gần nhau thì vẫn chưa đầu thai. Đến khi tinh trùng của cha lọt vào cái noãn cái trứng của mẹ thì vẫn chưa đầu thai, cho đến khi một vài tiếng đồng hồ sau tinh trùng của cha kết hợp với noãn thật sự biến thành một cái phôi độc lập có sự sống thì lúc đó linh hồn của mình tan biến mất. Và sự sống mình là cái phôi đó, và lúc đó mình quên hết mọi chuyện quá khứ và mình bắt đầu lại cuộc sống bằng cái phôi rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy mà phải đem ra soi kính hiển vi nghìn lần lên mới thấy được cái mầm phôi. 


Và mình chính là cái mầm phôi nhỏ xíu như vậy còn linh hồn lớn lúc trước tan biến mất liền. Mình quên hết những chuyện cũ mà ông bà mình hay nói một câu minh họa ví von là : ăn cháo lú, tức là trước khi đầu thai quỷ xứ bắt ăn cháo lú trước nên khi sinh lên không nhớ. Nhưng sự thật không phải sự thật là bởi vì cái mầm phôi quá nhỏ chưa có bộ não nên nó không ghi được dữ kiện của kiếp trước nên dữ kiện của kiếp trước bị xóa hết, mà mình chỉ lớn lên theo Nhân Quả thôi. Tức là Nhân Quả quy định mình lớn lên thành người đẹp trai, thông minh khỏe mạnh thì cái phôi cứ lớn lớn dần lên theo như thế thôi, đến khi sinh ra thì cha mẹ ngạc nhiên lên: Ôi đứa con tôi đẹp trai quá! 

Lớn vài năm vài tháng mới phát hiện là con tôi quá thông minh, còn lớn lên chút nữa không ngờ là một thanh niên vạm vỡ khỏe mạnh. Đó là do Nhân Quả quy định điều khiển hết sự phát triển của mầm phôi của đứa bé đó.

Và khi chúng ta lớn dần lên ở một kiếp sống mới thì có hai điều là thứ nhất chúng ta nhận Quả báo ở kiếp trước và thứ hai chúng ta gieo tiếp cái Nghiệp cho mai sau. 

Cuộc sống của chúng ta là như vậy, chúng ta đang ngồi ở đây là chúng ta đang nhận lấy Quả báo của kiếp trước và đang gây tiếp cái Nhân cho kiếp sau. Và cứ thế chúng ta cứ lang thang trong Luân hồi vô tận cứ đầu thai hết kiếp này đến kiếp kia mãi. Thì ở cái nhìn thường, gần gũi chúng ta mơ ước là: Kiếp trước chúng ta quên tạo Phúc cho nên kiếp này chúng ta hưởng Phúc không nhiều lắm. Kiếp này mình không làm được thủ tướng, nên mơ ước gần của mình là kiếp này mình tạo Phúc để kiếp sau mình hưởng Phúc nhiều hơn, đó là cái nhìn rất là gần. 

Còn nếu khi chúng ta hiểu sâu hiểu sâu dần chúng ta thấy con người cứ phải lang thang Luân hồi suốt như vậy thì dù cho kiếp này kiếp kia mà giàu sang vinh hiển đi thì chúng ta vẫn cảm thấy coi chừng vẫn là một cái đau khổ vất vả. Dù cho làm vua đi nữa mà cứ phải tái sinh Luân hồi mãi mình vẫn cảm thấy mệt mỏi vất vả và lúc đó điều mà chúng ta mơ ước thật sự là gì? Tới chừng đó chúng ta sẽ có một mơ ước rất chính đáng, rất ý nghĩa, là gì?


Dù có sinh ra làm ông làm tướng đi nữa cũng là mệt mỏi, cũng đấu tranh cũng vất vả cũng tính toán và dễ tạo Nghiệp. Mình làm ông làm tướng thì quyền uy của mình ảnh hưởng trên nhiều người mình chỉ nóng giận một chút là mình gây Nghiệp khủng khiếp liền. Chỉ cần ra một cái luật sai là bao nhiêu người khổ liền, cho nên cũng vất vả cũng chả sướng gì cho nên cuối cùng thôi, một ngày nào đó dừng Luân hồi này lại không tái sinh nữa. Và ở trong cõi giải thoát đó mình phù hộ cho chúng sinh để chúng sinh biết điều thiện biết tránh điều ác, rồi họ tạo được phúc lành, rồi họ thăng tiến trong Luân hồi rồi cuối cùng họ cũng chấm dứt sự Luân hồi luôn. Đó là mơ ước cao đẹp nhất, đó là mơ ước đẹp nhất.

Mơ ước gần như chúng ta nói, chúng ta chỉ cầu Phúc cho kiếp sau nên đời này ráng làm Phúc. Nhưng mà khi mình hiểu sâu hiểu sâu rồi thì mình lại thôi, tạo Phúc thì đúng là phải tạo bởi vì sống trên đời thì phải tạo Phúc, không nói cách gì khác. Nhưng mà Phúc gì thì Phúc, Phúc làm ông làm tướng gì cũng mệt mỏi vất vả và sơ sẩy một chút là tạo tội liền. Thì thôi dừng lại là đúng, và đây chính là mục tiêu của đạo Phật, mục tiêu của đạo Phật là chúng ta đi tìm con đường tu hành để dừng lại Luân hồi tái sinh và thực sự giải thoát, và sẽ không có Nghiệp nào thúc đẩy chúng ta đi vào Luân hồi tái sinh nữa. Chúng ta có sức mạnh của sự tu hành như thế nào đó để mình không phải tái sinh, ở trong đó mình là một vị Thánh siêu việt, mình phù hộ cho chúng sinh để chúng sinh tu hành tiếp. Thì chỗ mà không có Luân hồi tái sinh nữa, chỗ mà giải thoát an vui tuyệt đối đó, đạo Phật gọi là Niết Bàn.

Thì Niết Bàn là một cảnh giới cực kỳ thanh tịnh siêu việt không thể diễn tả bằng lời được nhưng mà đó là một sự sáng suốt phủ trùm khắp vũ trụ, đó là tâm thương yêu thấm nhuần tất cả muôn loài. Chúng ta đừng tưởng Niết Bàn là một cái gì đó trống vắng nhé, hiểu vậy là sai đạo Phật, hiểu vậy là tà kiến mang tội. Chúng ta phải hiểu cái Niết Bàn mà chư Phật đạt được, chư Thánh A La Hán đạt được không phải là một sự trống vắng.


Đó là một sự sáng suốt phủ trùm hết cả vũ trụ này. Và đó là tâm thương yêu đại bi phủ trùm khắp muôn loài này.
Chính vì vậy mà mỗi khi mình có việc bế tắc, bức xúc, mình quỳ trước Phật cầu nguyện luôn luôn được linh ứng. Bởi vì Đức Phật trong Niết Bàn ngài vẫn thương yêu gia hộ cho chúng ta, ngài không tái sinh nhưng luôn luôn thương yêu, luôn luôn biết rõ và luôn luôn gia hộ. Nhưng chỉ có một điều kiện khi chúng ta cầu làm được một điều gì xong rồi chúng ta phải tạ lễ, tạ lễ là sao? Có phải là bưng lại một mâm oản để cúng Phật không? Phật không ăn hối lộ, ví dụ như là nhà chúng ta đang ở bỗng nhiên quy hoạch cắt ngang cái nhà dời nhà đi mất. 

Khi mà số tiền quy hoạch  đền bù không đủ để mình dời nhà, mà mình không cãi được với ai được. Lúc đó mình bế tắc không nói với ai được, vào chùa cầu nguyện, vì Phước mình yếu nên tự nhiên mình bị một cái áp lực là tiền đền bù di dời không đủ bí quá. 
Mình vào lạy Phật cầu nguyện: “Nhà con cũng tuân thủ luật pháp nhà nước, theo sự quy hoạch của nhà nước con cũng chấp nhận rời nhà để nhà nước quy hoạch cái khu cho đẹp vì dân vì nước. Nhưng mà tiền đền bù ít quá con không đủ xây lại cái nhà để có mái ấm gia đình để mà có nơi ăn ở thờ phụng tu hành thì xin Phật gia hộ cho con”. Mình cầu tha thiết bỗng nhiên về nhà có ông quan lớn tự nhiên đi ngang qua, bỗng nhiên ông đỗ xe tới ông dừng ông hỏi thăm ông mới nghe mình than, ông mới nói:

- Sao đền bù kỳ vậy?

- Dạ thưa giá quy định như vậy.

- Giá quy định mà dân làm nhà không đủ thì phải tính lại giá đền bù lại cho dân thỏa đáng không thể để như vậy.

Bỗng nhiên mình thoát được cái nạn đó mình được đền bù thỏa đáng mình xây được nhà. Như vậy mình đã đạt được lời cầu nguyện của mình, thì sau đó phải tạ lễ, tạ lễ bằng cách nào? Nhớ là Phật trong Niết Bàn không có ăn oản, tạ lễ bằng cách nào? Làm một điều Phúc gì đó, tức là khi xây cái nhà mình lấy tiền xây cái nhà đó thì trong khi nhà nước thi công cái con đường đó, mình sẽ hiến hai chục ngày công vì con đường đó sau này người ta đi qua đi lại mà. Hoặc là anh em công nhân làm đường, mỗi buổi sáng khoảng chín mười giờ mình bê ra một nồi xôi đãi để cho anh em có sức làm đường, cũng là cách để tạ lễ.

Nghĩa là làm điều gì công ích mình bù lại cái mình xin Phật, đó là điều hợp lý. Và chúng ta hiểu được thế nào là Niết Bàn thanh tịnh của Phật. 

Nguyên lý Luân hồi trả lời cho ta vì sao nhiều đứa trẻ khi sinh ra đã khác nhau một cách kỳ lạ. Tại sao có đứa sinh ra khỏe mạnh, tại sao có đứa sinh ra èo uột, có đứa sinh vào gia đình giàu, có đứa sinh vào gia đình nghèo, tại sao có sự bất công như vậy. Nếu không có Luân hồi Nhân Quả thì không có câu trả lời thỏa đáng, có người thì nói rằng là do ông trời. Tức là nói giàu nghèo do ông trời ông quy định, nhưng mà không có ông trời nào bất công kỳ cục như vậy. 


Nếu mà ông trời có quyền uy thương người thì ông phải công bằng, nếu ông thương thì ông phải thương hết đồng đều. Chứ ông không thể bắt đứa trẻ này sinh gia đình nghèo, đứa trẻ kia sinh ra trong gia đình giàu. Có người nói : Sinh ra trong gia đình nghèo để nó được rèn luyện. Thì tại sao lại rèn luyện đứa trẻ này mà không rèn luyện đứa trẻ kia, phải không? Nên không thể có câu trả lời là có một ông trời nào đó bắt đứa trẻ phải sinh như thế này thế kia. Mà chính Luật Nhân Quả đã đưa đứa bé đó sinh vào gia đình giàu,và chính Luật Nhân Quả đã đưa đứa bé sinh vào nghèo, chỉ có Luật Nhân Quả công bằng. 

Cho nên chúng ta không quy trách nhiệm cho một thần linh nào cả trong mọi số phận của mình mà chúng ta chỉ quy trách nhiệm cho mỗi chính những con người. 

Khi đứa bé nó lỡ sinh ra trong gia đình nghèo chúng ta biết đứa bé đó hơi thiếu Phước hoặc là đoạn đầu đứa bé đó hơi thiếu Phúc và chúng ta thương nó bằng cách là dạy cho nó biết làm Phúc từ nhỏ. Tức là từ lúc nhỏ đã biết thương người, biết giúp người, sống chân thật không tham lam thì lớn lên cuộc đời nó sẽ thay đổi theo hướng tốt. Ví dụ bây giờ nó có học kém nhưng mà nếu nó biết làm Phúc quý trọng tăng ni, biết siêng năng lễ Phật biết giúp đỡ bạn bè thì tự nhiên vài năm sau nó trở lên học khá luôn. 

Đó là Nhân Quả, nên vì vậy khi chúng ta biết được Nhân Quả chúng ta giúp đỡ được cho con cháu mình chuyển cuộc đời nó từ một hướng có thể xấu rẽ sang một hướng khác có vẻ tốt hơn rất nhiều, đây là điều ai cũng mong cầu. 

Một điều nữa là Luật Nhân Quả giúp cho chúng ta không còn mê tín.


Mê tín là gì? 

Mê tín tức là tin vào một nguyên nhân sai lầm, chúng ta muốn kết quả mà chúng ta tin vào một nguyên nhân sai lầm. 

Ví dụ như thế này: Ai cũng muốn giàu, nhưng theo Luật Nhân Quả mình muốn giàu mình phải giúp người khác. Mình phải bỏ năm năm mười năm, lúc nào cũng đi đắp đường, bố thí người nghèo, tạo công ăn việc làm nơi này nơi kia. Thì mình chịu cực như vậy suốt cuộc đời thì sau này mình giàu. Đó là cái Nhân đúng đắn, còn mê tín là sao? 

Là có người nói nếu năm nay muốn phát tài thì đầu năm có con lợn nó đến nó ị một đống phân trước nhà thì năm đó thế nào cũng làm ăn phát tài. Thế là đầu năm đêm ba mươi mình kéo một con lợn tới đó mình trói lại không cho nó bài tiết tới đúng sáng mùng một mới để giữa nhà cho nó bài tiết, rồi tin à năm này tôi làm ăn phát tài thì như vậy gọi là mê tín. Mê tín tức là tin vào một nguyên nhân sai lầm. Hoặc là có người tin rằng hễ đi ra ngõ gặp gái thì sao? Thì quay vào chứ làm gì cũng thất bại phải không? Mà đúng không? 

Đó là một cái mê tín. Hoặc là có người tin rằng năn nỉ thần thánh mãi mình sẽ được giàu to. Không có đâu, Thần thánh chỉ thấy mình lòng thành sẽ giúp mình qua một cơn nào đó nhưng mình phải tạ lễ bằng cách làm Phúc lại. Chứ không có thần thánh nào mà mình cứ năn nỉ thì cho mình tất cả mọi điều mình mơ ước đều được, không bao giờ có chuyện đó, bởi vì thần thánh là công bằng. Hoặc là bên Ấn Độ họ có niềm tin thế này: khi mà người nào chết thì quăng xác người đó xuống sông Hằng người đó sẽ được giải thoát, đúng không? Không bao giờ đúng vì muốn giải thoát phải tu hành rất là cao siêu, rất là vất vả còn quăng cái xác xuống sông Hằng thì chuyện gì xảy ra? Sinh ra dịch tả hôi thối ô nhiễm môi trường đó là những cái mê tín. 
Vì vậy là chúng ta tin được Nhân Quả,hiểu được Nhân Quả chúng ta tránh được mê tín, làm cho cuộc đời mình đàng hoàng. 

Có mấy điều thế này, muốn thông minh trí tuệ thì đây là Nhân Quả:

- Thấy người nào thông minh trí tuệ thì mình khen ngợi mình vui mừng.

- Hoặc là thấy người nào học hành thì mình giúp cho họ tốt thêm, giúp vở giúp bút đóng tiền học cho họ.

- Hoặc là khi là kiếp trước mình có khả năng thì đem khả năng đó mình giúp đời không tiếc.

Thì ba cái Nhân đó qua đời sau mình luôn luôn là người tài giỏi thông minh trí tuệ. Cho nên mình muốn bộ não mình tốt thì chính là mình thương yêu con người giúp đỡ cho người khác được sáng suốt trí tuệ, đem đạo lý Nhân Quả truyền bá cho mọi người thì tự nhiên bộ óc mình sẽ mạnh lên. Hãy tin điều đó vì đó là con đường duy nhất chân chính, còn không là chệch ra một chút là chúng ta rơi vào mê tín liền.


Hoặc chúng ta tin một điều thế này: Đầu năm chúng ta đến chùa hái lộc thì trong năm mình sẽ được phát tài lộc, đó cũng là một loại mê tín, vì sao vậy? Vì chữ lộc trong chữ Nho có hai chữ khác nhau, cùng phát âm là lộc, nhưng mà viết thì viết khác nhau hẳn. Cái chữ lộc là tài lộc thì viết khác còn chữ lộc là đọt non mới nhú mầm viết khác. Nhưng chúng ta nghe cái chữ lộc đồng âm chúng ta tưởng cùng nhau, đầu năm vào chùa cứ vặt hết cành cây của chùa, thầy trụ trì la làng luôn. Đó cũng là quả báo sau này mình trồng cây không lên.

Bài giảng đầy đủ: 


Cháu ruột Bác Hồ chia sẻ lý do thôi học ĐH Bách khoa để xuất gia làm tu sĩ Phật Giáo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...