Vì sao không nên gộp Tết Ta vào Tết Tây và Ý nghĩa đặc biệt của ngày Tết cổ truyền Việt Nam (*)


[…] Người ta đặt ngày 1-6 là ngày Quốc Tế Thiếu Nhi, để các cơ quan, đoàn thể và gia đình nhắc nhau biết chăm sóc, dạy dỗ thiếu nhi. Vì có những nơi mà thiếu nhi sống mà không có tuổi thơ, không được học hành, chẳng được yêu thương, phải lao động vất vả. Nên có ngày Thiếu Nhi để nhắc nhở mọi người quan tâm thiếu nhi, vì thiếu nhi là tương lai của nhân loại. Rồi lại có ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-3 bởi vì phụ nữ vốn chân yếu tay mềm, đa phần là vậy, phụ nữ yếu sức hơn đàn ông nên dễ bị bắt nạt, ức hiếp, ngược đãi bằng luật rừng, và ở những xứ đàn ông dâm dục nhiều thì phụ nữ dễ bị cưỡng hiếp. Vì vậy nên thế giới lập ra ngày Phụ Nữ để vinh danh giá trị người phụ nữ và để nhắc người đàn ông phải biết bảo vệ, yêu thương những người phụ nữ bên cạnh mình. Rồi có ngày 1-5 là ngày Quốc Tế Lao Động, bởi vì thân phận người lao động cực khổ quá. Số phận của họ, cuộc đời của họ bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí là quyết định bởi người chủ. Vì để nhắc cho thế giới biết thân phận cũng như sự đóng góp của người lao động nên người ta lập ra ngày Quốc Tế Lao Động 1-5.


 Vậy, đố chư tôn đức, đố quý Phật tử, người ta lập ra ngày Tết để làm gì? Ngày Tết ở đâu ra? Ngày Tết được cho là ngày bắt đầu của một năm mới. Tại sao ngày bắt đầu của một năm mới lại quan trọng đến như vậy? Chúng ta có 2 ngày bắt đầu năm mới khác nhau. Một ngày của dương lịch. Một ngày của âm lịch. Cùng là ngày 1-1, nhưng hai ngày đó thường chênh lệch nhau khoảng từ 1 tháng đến gần 2 tháng. Vậy, ngày đầu năm của dương lịch với ngày đầu năm của âm lịch, ngày nào mới thật sự đúng là ngày đầu năm? Những người yêu văn hoá phương Tây thì cho rằng ngày 1-1 của dương lịch mới là ngày đầu năm. Sự thật điều đó là sai. Sự thật là, xét theo thời tiết, thì ngày 1-1 của dương lịch vẫn còn nằm trong mùa đông. Chỉ có ngày 1-1 của âm lịch mới chính xác nằm trong mùa xuân. Vì vậy, người Đông Phương làm lịch chọn ngày 1-1 làm ngày đầu năm đúng vào thời điểm bắt đầu của mùa xuân, đã văn minh hơn người Tây Phương. Chúng ta xem dự báo thời tiết vào mùa xuân sẽ thấy đến tháng 2 của dương lịch mới bắt đầu mùa xuân, tức là tháng Giêng của âm lịch. Cho nên, để từ giã mùa đông lạnh lẽo, u ám, buồn bã, bước vào thời điểm nắng ấm bắt đầu ửng lên, tuyết dần dần tan, mầm chồi bắt đầu vươn dậy, những nụ hoa từ từ hé mở thì chính xác chỉ là ngày đầu năm của âm lịch.

Nên vì vậy, ta cố gắng duy trì ngày Tết truyền thống theo âm lịch này vì nó vừa hợp với lòng người biết yêu quý bản sắc văn hoá dân tộc, vừa chính xác phù hợp với sự chuyển dịch luân phiên giao mùa của thời tiết. Có một số người cứ kêu “thôi ăn Tết theo dương lịch cho giống với thế giới”. Tại sao, mắc gì phải giống với thế giới, trong khi âm lịch của Đông Phương mới chính xác hơn, chứ không phải là dương lịch? Nên đúng ra là Mỹ, Pháp, Âu Châu … phải ăn Tết theo lịch Việt Nam mới là đúng. Chứ mình không cần ăn Tết theo họ. Nên hôm nay chúng ta ở đây để chúng ta đón giao thừa, cùng với cả nước, chuẩn bị ngày mai bước vào những ngày Tết đầu năm, thì ta là những người văn minh hơn một nửa bên kia bán cầu của thế giới. [tiếng Phật tử vỗ tay vang dội].

Tại sao ngày Tết lại quan trọng đến vậy? Tết gần đến lòng ai cũng nghe náo nức, ai cũng muốn dành những điều gì tốt đẹp nhất của cuộc sống, trong một năm, cho những ngày Tết. Tại sao nó lại ý nghĩa như vậy? Ai đặt ra, ai gán cho ngày Tết ý nghĩa lớn lao, mang tính truyền thống và quan trọng như vậy? Bởi vì Trời Đất nói như thế, chứ không phải do ai đặt ra. Chính trời đất đã nói với con người điều đó. Khi mùa xuân đến, những tia nắng ửng hồng đầu tiên xuất hiện, ở xứ ôn đới thấy rõ điều này hơn xứ nhiệt đới mình, tuyết bắt đầu tan… Ngày hôm trước, tuyết vẫn còn đông cứng, ta tưởng sẽ tan từ từ, vậy mà qua một đêm tuyết tan hết liền. Nên thế giới giống như từ cõi chết băng giá bỗng nhiên đón nhận sự sống trở lại ùa về. Những loài cây cỏ biến mất trong mùa đông, xuất hiện trở lại, vươn lên những mầm xanh be bé, đâm chồi nảy lộc chút chút. Một thời gian ngắn sau thì bung những nụ hoa ra. Mà sự bắt đầu, sự hồi sinh, lúc nào cũng đem cho ta niềm vui và hy vọng sau những ngày mùa đông buồn bã lạnh lẽo. Vì là bắt đầu nên ngày Tết cho ta niềm hy vọng về sự phát triển tốt đẹp trong thời gian tới. Nên, chính sự báo hiệu của trời đất như thế qua ngôn ngữ là thời tiết đã cho con người niềm vui và hy vọng. Qua một năm buồn bã, mùa đông băng giá, ai cũng chờ đợi háo hức, nô nức cái ngày đất trời hồi sinh.


[…] Ở những quốc gia nào mà con người sống có tình nghĩa thì người ta lại càng đặt hết sự quan tâm, tình cảm, tình nghĩa của mình vào ngày đầu năm. Cho nên, cứ nhìn phong tục Tết của một quốc gia để ta biết đa phần trong quốc gia đó, người dân có tâm hồn như thế nào, có tình nghĩa hay không có tình nghĩa. Ví dụ như một nước mà khi tới ngày Tết, người ta vui chơi ầm ĩ thì ta hiểu phần lớn người dân của nước đó có tâm hồn ham vui. Còn nếu một quốc gia mà vào ngày Tết có phong tục buộc con người ta phải nhớ đến nhau, nghĩ đến nhau: người đã từng quen biết ít hay nhiều cũng đều như vậy. Nhớ đến nhau, nghĩ đến nhau bằng tấm thiếp, món quà, sự thăm viếng, lì xì, những lời chúc tụng. Nhìn vào quốc gia có phong tục như thế, ta biết đó là quốc gia mà người dân có tinh thần, tiềm thức trọng tình trọng nghĩa. Và điều may mắn là Việt Nam ta thuộc loại quốc gia đó. Cho nên, khi ngày Tết đến là ngày của sự đầm ấm, của sự thiêng liêng, thì chúng ta đem tình nghĩa để sống với nhau. Giá trị văn hoá của Việt Nam là như vậy.

Và, giờ Thầy hỏi, cách sống tình nghĩa: lấy tình nghĩa đối xử với nhau trong ngày đầu năm đó, có đáng để được công nhận là một nét văn hoá đặc biệt để ta giới thiệu cho thế giới không? Có không? [Phật tử vỗ tay vang dội] Rõ ràng đây là một văn hoá đẹp của con người mà nào giờ mình cứ lo chạy theo học văn hoá của các nước khác, học lối sống của các nước khác làm gì, trong khi lối sống của mình mới là đẹp, lối sống của mình mới là mẫu mực cho thế giới, chứ không phải bắt chước ai hết.


 Cách đây mấy ngày, Thầy có gặp một Phật tử, hỏi “Tết này con có lên chùa không”. Người đó trả lời: “Tết này con mắc đi du lịch Hồng Công”. Sư Phụ [tức Thầy] trề môi. Nào giờ Sư Phụ ít trề môi với ai lắm. Mà nghe người đó nói Tết bận đi du lịch Hồng Công, Sư Phụ trề môi. Cái trề môi của Sư Phụ thứ nhất là có ý khôi hài, thứ hai là chê. Khôi hài để đùa cho vui, kiểu như “giàu dữ ha, Tết đi du lịch nước ngoài luôn ha”. Nhưng Sư Phụ chê là vì [như thế là] mất gốc, không hiểu được ý nghĩa ngày Tết. Ngày Tết là ngày nghĩa tình, ngày đầm ấm, ngày thiêng liêng mà Trời Đất đã cho ta điều đó, mà con người đã học được điều đó từ Đất Trời mênh mông. Và tiếng nói của Trời Đất không có ngôn ngữ cụ thể như ta, chỉ bằng hình ảnh tuyết đã tan, mầm xanh vươn dậy, hoa hé nụ, tia nắng ửng hồng, chỉ vậy thôi mà đã nói lên biết bao nhiêu điều với con người, làm cho con người yêu thương, vui vẻ, hy vọng. Mà con người, khi đọc được điều đó của Trời Đất rồi, đã nói tiếp lời của Đất Trời để trau nhau vô vàn điều tử tế, yêu thương, tốt đẹp. […]

Khi con người ngập tràn trong niềm vui vẻ và hy vọng, thì người Việt Nam nhanh chóng gắn vào sự hân hoan đó những nghĩa tình. Còn ở nhiều quốc gia khác, khi người ta vui vẻ, khi người ta hy vọng, thì người ta gắn vô đó những trò chơi, những lạc thú. Còn dân tộc mình thì gắn vô đó NGHĨA TÌNH. Đây là điều sâu sắc của tâm hồn Việt mà ta nên hiểu, giữ gìn cho con cháu mình. Bài nói chuyện hôm nay của Sư Phụ là “Tết đầm ấm, Tết thiêng liêng”.


Trích đoạn (1) từ buổi nói chuyện “Tết đầm ấm, Tết thiêng liêng” vào Đêm giao thừa tại Thiền tôn Phật Quang, núi Dinh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu của Thượng Toạ trụ trì Thích Chân Quang, xem đầy đủ tại: https://www.youtube.com/watch?v=Q2NZVJcqEII&t=1s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...