Bản chất thật sự của tình thương yêu - Cháu ruột Bác Hồ, TT. Thích Chân Quang

Tâm từ, hay thường được gọi chung là từ bi, là tình thương không điều kiện, không đòi hỏi phải được đáp trả trở lại.

Thật sự thì chữ bi có nghĩa là thương xót khi thấy chúng sinh đau khổ. Chỉ khi nào có thương yêu ai, ta mới thấy xót xa khi người đó đau khổ. Bi là dấu hiệu chứng minh có sự hiện hữu của từ nên chúng ta hay ghép chung thành từ bi. Nhưng nếu cẩn thận thì ta chỉ dùng chữ từ cho đúng bài bản chữ nghĩa.

Vì tâm từ là tình thương không điều kiện nên cũng không hạn cuộc nơi một số ít người mà luông có khuynh hướng trải rộng vô tận. Để hiểu rõ hơn về tâm từ, ta nên so sánh với tâm luyến ái của thế gian.

Tâm luyến ái cũng là tình thương yêu của chúng sinh này với chúng sinh kia, nhưng bắt buộc phải có một trong những điều kiện sau đây:

- Thứ nhất, do duyên nghiệp ân nghĩa đời trước tạo thành. Chúng ta thương người nào vì trong kiếp trước ta có nợ có duyên với người đó. Ví dụ như giữa cha mẹ và con cái với nhau cũng là duyên nợ qua lại mới tạo thành. Trong đó, cha mẹ mắc nợ người con nào nhiều sẽ cảm thấy thương yêu người con đó hơn. Trong số những bạn bè huynh đệ mà ta gặp gỡ trong cuộc đời cũng vậy, không phải ai ta cũng có thiện cảm đều như nhau mà là người thì ta thương nhiều, người thì ta thương ít. Đó là vì duyên giữa mọi người với chúng ta không đồng.
Ân nghĩa đời trước sẽ tạo thành tình thương yêu đời này rất rõ rệt. Ví dụ như ta chịu ơn ai nhiều từ kiếp trước vì người đó đã ưu ái ta, giúp đỡ ta nhiều. Đời này gặp lại, tự nhiên ta thấy thương mến người đó một cách không giải thích được và cứ muốn giúp đỡ ân cần. Người kia thì thấy bình thản vì họ thi ân chứ không chịu ơn. Chúng ta chịu ơn thì cứ bị một tình cảm thúc đẩy trong tâm để phải muốn làm cho người đó vui. Cho nên ta thấy rằng tình cảm thế gian chỉ là hư ảo, chỉ là trung gian làm chất xúc tác để chúng sinh trả nợ lẫn nhau chứ không có thật. Tình thương yêu thế gian rất mong manh, nợ trả hết rồi thì thương yêu cũng hết. Khi thương nhau, ta cứ tưởng tình thương đó sẽ bền vững lâu dài, nhưng rồi “ thế rồi cuộc đời là, những cuộc tình chia xa, đi lạc vào những phía không đường về…”

Tình thương yêu nam nữ là đại biểu mãnh liệt nhất cho loại tình thương thế gian này. Tình yêu nam nữ là mãnh liệt nhất nên cũng ích kỷ nhất. Trước hết khi yêu, ai cũng nghĩ rằng tình yêu đem lại cho ta hạnh phúc vì cảm xúc của tình yêu rất cháy bỏng. Xưa nay không biết bao nhiêu thơ, văn, nhạc, tranh, tượng ca ngợi tình yêu. Tình yêu nam nữ và sáng tác nghệ thuật gần như bất khả phân ly vì những cảm xúc tình yêu giúp nghệ sĩ cảm hứng để sáng tác. Nhưng đến khi tình yêu tan vỡ thì người ta mới biết đó là đau khổ nhất. Vì sao, bởi vì bản chất của tình yêu là ích kỷ nhất nên nó cũng gây ra đau khổ nhất.

Triết gia Schopenhauer nói: “Chỉ có những triết gia mới có thể sống hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng tiếc rằng một triết gia thật sự thì không chịu lấy vợ.”

Cuộc sống gia đình rất phức tạp, vợ chồng đòi hỏi sự săn sóc ân cần từng li từng tí. Yêu cầu của tình yêu rất cao nên hầu hết không ai đáp ứng được đầy đủ. Chỉ có những người rất thông minh và rất đạo đức mới đáp ứng nỗi. Người vừa thông minh vừa đạo đức đó, Schopenhauer gọi là triết gia.

Người ta gặp nhau rồi có tình cảm với nhau, rồi thích nhau gì đó chứ không thật là có tình yêu. Tình yêu thật sự rất mạnh và đòi hỏi sự ứng xử khéo léo để được bền vững lâu dài, để kềm chế sự ích kỷ của mình lại. Sự ích kỷ trong tình yêu rất dữ dội mà bộc lộ rõ nhất là sự ghen tuông. Khi ghen tuông, người ta có thể đánh, giết, tạt acid… đủ màn ác độc. Vì ích kỷ nên người ta cũng đòi hỏi lẫn nhau, trói buộc lẫn nhau, ghen tuông với nhau, hành hạ lẫn nhau.

Để sống êm ấm hạnh phúc trong gia đình phải là những triết gia thông minh và đạo đức. Nhưng như Schopenhauer nói, triết gia thì không chịu lấy vợ. Đa phần người ta sống không hạnh phúc trong hôn nhân. Trong một cuộc thăm dò ý kiến, nhiều cụ già đã lắc đầu ngao ngán về cuộc sống hôn nhân đã qua của mình. Tình yêu quả thật là một cái gì hư ảo mong manh!.

Giai đoạn đầu ở tuổi còn xuân, do bản năng của tuổi trẻ nên người ta bồng bột hăm hở và tưởng rằng tình yêu là hạnh phúc nên tìm đến với nhau với hy vọng rằng cuộc đời còn lại ở bên nhau sẽ tràn đầy hạnh phúc. Nhưng khi đến với nhau được rồi thì những chuổi ngày còn lại từ từ chỉ là hành hạ, là nỗi khổ, giận hờn, bất mãn cho nhau .

Người có phước xuất gia là người thoát được cảnh ngục tù trá hình của hạnh phúc hôn nhân. Tình yêu và hạnh phúc hôn nhân làm tăng dần sự ích kỷ trong lòng con người. Vì ích kỷ, người ta lại làm khổ nhau. Do đó, muốn cho hôn nhân bớt đi phiền toái rắc rối, người ta nên bớt đi sự ích kỷ đòi hỏi lẫn nhau mà nên cùng có chung một mục đích cao cả nào đó để hướng về. Ví dụ như nếu hai vợ chồng cùng có chung lòng mến mộ Phật Pháp thì tự nhiên sẽ thấy đầm ấm nhẹ nhàng hơn. Nhiều cặp vợ chồng đã tìm lại được sự hàn gắn khi cả hai cùng tìm đến với Phật Pháp.

Hạnh phúc chỉ đến từ lòng vị tha chứ không đến từ sự ích kỷ. Khi đến với Phật Pháp, hai người cùng tu tập tâm vị tha và tự nhiên mọi chuyện tốt đẹp dần.

Tình thương yêu là hệ quả của ân nghĩa đời trước. Tình yêu nam nữ là biểu hiện rõ nét nhất cho điều này.

Khi gặp gỡ thương mến người nào, chỉ bởi vì chúng ta có duyên nợ đời trước. Đến khi trả xong nợ cũ, tình yêu cũng biến mất mà không ai biết tại sao.

Ngay như các tu sĩ cũng vậy, được các tín đồ ưu ái quý mến, cũng đừng nghĩ rằng bởi vì mình có ưu điểm nào đó như giảng hay, đạo cao đức trọng, hay ngoại hình khả kính. Tất cả cũng vì có duyên nợ ân nghĩa kiếp trước với nhau. Nếu ân nghĩa sâu dày thì gắn bó với nhau bền chặt; nếu ân nghĩa ít thì sẽ vì một lý do lãng nhách nào đó để xa nhau.

Hiểu được điều này, chúng ta bình thản trước thương ghét của cuộc đời, vì nó không thật, chỉ là duyên nợ đời trước. Điều mà ta phải bận tâm chính là kết duyên lành với mọi người để cùng tiến tu.

- Thứ hai, chúng ta thương vì huyết thống, như cha mẹ, anh chị em… Nói là huyết thống, thật ra cũng là duyên của những đời xưa bây giờ mới thành gia đình ruột thịt. Tình gia đình được kết thành do những tháng ngày chung sống đỡ đần lo lắng tương trợ nhau mà thành. Nếu sống chung trong một gia đình mà không lo lắng cho nhau thì tình nghĩa cũng không có.

- Thứ ba, chúng ta thương vì người kia đem đến cho ta cảm giác hạnh phúc.

Một lần trong lúc vui đùa, vua Pasenadi hỏi hoàng hậu Malika:

- Ái khanh thương ai nhất?

- Dĩ nhiên thần thiếp thương hoàng thượng nhất trên đời.

Vua đang vui thích thì hoàng hậu lại nói tiếp:

- Nhưng nếu hoàng thượng cho phép nói thật mà đừng giận thì thần thiếp xin nói lại cho đúng hơn.

- Cứ nói thật.

- Thật ra thần thiếp thương thần thiếp nhất.

- Sao kỳ vậy, mình mà thương mình?

- Đó là sự thật, trên cuộc đời này, người ta chỉ thương chính mình. Nếu có thương ai cũng chỉ vì người đó mang lại hạnh phúc cho mình. Cũng vậy, vì hoàng thượng đem cho thiếp vinh quang, giàu sang, hạnh phúc nên thiếp mới yêu hoàng thượng. Chứ nếu hoàng thượng là kẻ ăn mày thì thần thiếp đâu có thương.

Vua nghe cũng có lý nhưng thấy phủ phàng kỳ cục quá nên đến đức Phật hỏi lại. Phật đã xác nhận lời của hoàng hậu Malika là chính xác, thực ra, con người chỉ thương chính mình.

Trên cuộc đời này, không có tình thương yêu chân thật, người ta chỉ thương ai vì người đó đem lại hạnh phúc cho mình.Ví dụ mình thương một huynh đệ nào đó vì cảm thấy người đó có thể tốt được với mình. Sau này mình thương một người Phật tử nào đó vì thấy rằng người Phật tử đó ủng hộ mìn. Bản chất của tình thương chỉ là như vậy. Rồi vợ chồng cũng vậy, khi nào người chồng cảm thấy người vợ đem lại nguồn hạnh phúc cho mình là tốt. Đến lúc nào thấy vợ mình già xấu thì người chồng sẽ bắt đầu lạc lòng ,đi tìm những cô gái khác. Tình thương yêu thế gian là vậy, không thiêng liêng, cho nên chúng ta đừng bao giờ hy vọng một cái gì trong tình cảm thế gian.

Người đệ tử Phật suốt đời đi tìm lòng từ bi là chính vì đi tìm một tình thương vượt lên trên cái thường tình của cuộc đời. Tình thương đó không ích kỷ, thiêng liêng hơn, cao cả hơn.

- Thứ tư, chúng ta thương ai vì người đó có ưu điểm đặc biệt nỗi bật giữa nhiều người. Chúng ta muốn chiếm hữu để có được cảm giác mình cũng đặc biệt theo. Đây là quy luật tâm lý bình thường. Ví dụ như những cô gái đăng quang hoa hậu liền trở thành đối tượng theo đuổi của nhiều người đàn ông. Rồi những ngôi sao ca nhạc, ngôi sao sân khấu điện ảnh cũng là mục tiêu cho biết bao người nhắm đến. Có lần một ca sĩ nhạc rock ở Nhật chết, lập tức có 3 cô gái tự tử chết theo. Khi nghe tin diễn viên Thành Long lấy vợ, một cô gái cũng tự tử liền.

Sự hâm mộ cuồng nhiệt đến gần như điên loạn của quần chúng đối với các ngôi sao cũng là một thứ bệnh hoạn của tâm lý. Tâm lý đó cũng phiền toái ích kỷ và đầy xao động. Hiện nay trên thế giới chưa quan tâm chữa trị bệnh hoạn này, mà ngược lại, nhiều hình thức quảng cáo còn thúc đẩy sự cuồng nhiệt đó cao hơn. Những đoạn phim chiếu rừng khán giả đang quơ tay nhảy nhót kích động theo bài hát của một ca sĩ. Nhiều trẻ em xem đó là điều hay nên nối nhau bắt chướt. Thế giới như là đang rối tung lên.

Chúng ta biết rằng tâm từ ngược với tâm luyến ái nên không bị duyên nghiệp thúc đẩy, không được tâm ích kỷ tạo nên, không được sự ham muốn phát sinh. Chính vì không có gì thúc đẩy tạo thành nên Tâm Từ rất khó xuất hiện. Tâm luyến ái tràn ngập trên cõi đời này vì có được nhiều điều kiện hỗ trợ. Còn Tâm Từ rất cô đơn, không có gì trợ giúp cả.

Chỉ những người cực kỳ đạo đức, cực kỳ trí tuệ, cực kỳ khát khao chân lý mới đi tìm loại tình thương không điều kiện như thế. Ngay cả nhiều người là đệ tử Phật mà còn thờ ơ với việc huân tu lòng từ, huống hồ những người chưa bao giờ nghe đến tứ vô lượng tâm !

Tình thương bao la rộng lớn là giá trị căn bản của các tôn giáo. Tôn giáo nào không nói đến tình thương rộng lớn thì không phải là tôn giáo chân chính. Nhưng mỗi tôn giáo vẫn có đôi chút khác nhau khi nói về loại tình thương này. Hồi giáo kêu gọi thương yêu giữa những người đồng đạo với nhau, và cho phép giết người ngoài đạo. Kitô giáo theo lời Jésus thương cả kẻ thù của mình. Khổng tử cũng đề cao lòng Nhân. Chỉ đức Phật mới nói về một lòng Từ Bi thương yêu tất cả chúng sinh, đến tận cỏ cây chim thú.

Tình thương rộng lớn mà đạo Phật nhắm đến gần như tuyệt đối. Đức Phật đã đạt được tình thương như thế. Còn những ai tu theo Phật cũng sẽ phải đi theo hướng đó, về một tình thương phủ trùm tuyệt đối đến tất cả muôn loài, kể cả cỏ cây.

Nói theo logic, tình luyến ái thuộc về tâm ích kỷ; lòng từ bi thuộc về tâm vị tha. Ích kỷ thuộc về chấp ngã; vị tha thuộc về vô ngã.

Chấp ngã sinh ra ích kỷ và luyến ái; vô ngã sinh ra vị tha và từ bi.

Vì có chấp ngã nên ta có ích kỷ. Nếu tu tập vô ngã ta sẽ được từ bi. Càng tu tập từ bi thì chúng ta càng gần với vô ngã; càng tu tập vô ngã, chúng ta càng thành tựu từ bi. Vì vậy một vị Alahán đã chứng đạt vô ngã hoàn toàn cũng là thành tựu tâm từ bi vô hạn.

Đó là một logic hết sức chặt chẽ và không thể đảo ngược. Ai hiểu rằng một vị Alahán chưa có lòng từ, người đó là tà kiến, và có thể đọa địa ngục.
Có một thời gian khi giáo lý Bắc tông phát triển mạnh ở miền Bắc Ấn độ, nhiều người đã nghĩ rằng Alahán chưa có lòng đại bi như Bồtát. Quan điểm đó nên được điều chỉnh lại cho đúng với lời Phật dạy, và đúng với logic học hiện đại.

Từ bi và vô ngã là một, cái này hỗ trợ cái kia, cái này là bóng phản chiếu của cái kia. Nếu ta tu tập vô ngã mà chưa thấy lòng từ bi xuất hiện tức là chưa được vô ngã. Nếu ta tu từ bi mà chưa nhẹ ngã chấp tức là từ bi chưa có mặt.

Chúng ta tu tập từ bi tức là cũng đi trên con đường đến vô ngã, giống như thiền định. Vì vậy người tu tập thiền định mà không tu kèm theo từ bi thì không có kết quả lớn trong thiền định được. Tâm từ bi trợ giúp cho thiền tiến nhanh hơn. Phật dạy rằng ai đi tận cùng con đường của từ bi cũng thành tựu giải thoát (Kinh TỪ, Tăng Chi).

Ngược lại, chánh định cũng khơi mở lòng từ bi. Chúng ta nhấn mạnh chữ chánh định, vì nếu tuy có sức định mà không chánh, lòng từ bi cũng không mở ra. Khi tâm ta vào được một chút định thì lòng từ bi cũng mở ra thêm một chút. Ví dụ bình thường chúng ta nhìn mọi người chung quanh một cách hờ hững. Nhưng lúc nào đó mà tâm ta lắng yên rỗng rang, tự nhiên ta nhìn mọi người với tâm thương yêu nhẹ nhàng lập tức. Khi tâm yên lắng, tự nhiên tâm đó lan ra, bao phủ rộng rãi đến mọi người mọi vật chung quanh, đến cả cỏ cây sông núi. Tình thương cũng theo đó trùm lấy muôn loài.

Đó là lý do tại sao một vị Thánh yêu cả cỏ cây một cách tự nhiên là vậy. Chúng ta chưa bằng các vị thánh, nhưng nếu tâm có chút thiền định cũng khiến tình thương bắt đầu có mặt.

Có người nói: “một thiền sư luôn luôn là một nghệ sĩ, nhưng một nghệ sĩ thì không phải là thiền sư”.

Sở dĩ một thiền sư luôn là một nghệ sĩ vì vị đó có tình thương rộng lớn, cảm được đến cả đất trời cây cỏ, có thể biến thành cảm hứng sáng tác ra những bài thơ tuyệt đẹp. Các ngài cũng có một đời sống phóng khoáng nhẹ nhàng rất hay. Còn nghệ sĩ có nhiều tình cảm lãng mạn lai láng, rất khác với tình thương rộng lớn của thiền sư. Lối sống của nghệ sĩ cũng phóng túng chứ không phải phóng khoáng. Những sắc thái đó tuy na ná gần nhau nhưng khác nhau. Người nghệ sĩ đi theo hướng cảm tính nên đến gần ích kỷ dần dần. Chỉ khi nào họ đi theo Phật Pháp để thanh lọc những cảm tính xao động và phóng túng thì đời họ mới bớt khổ.

Tôn giáo nào cũng đề cao tình thương rộng lớn, như chỉ trong đạo Phật mới có con đường đi rất rõ, là quán từ bi, kết hợp với thiền định phá trừ ngã chấp, rồi từ bi xuất hiện. Đức Phật và các vị Alahán chứng được vô ngã tuyệt đối rồi thì lòng từ bi phủ trùm cả vũ trụ.

Lòng từ bi của Phật luôn luôn phủ trùm chúng ta trong từng giây từng phút. Chúng ta không cảm nhận được vì cánh cửa lòng mình đóng kín quá. Chúng ta đóng cửa lòng bởi vô số ích kỷ, chấp trước, xao động, và ghê gớm nhất chính là chấp ngã nên không biết được mình luôn luôn sống trong tình thương của Phật. Chúng ta hãy nghe bài tụng quán tưởng khi tụng kinh theo nghi thức Bắc tông của Việt Nam và Trung Hoa:

Năng lễ, sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì…

Năng lễ là người quỳ lạy, tức là đệ tử Phật chúng ta; sở lễ là người được lạy, tức là Phật. Cả hai đều cùng một bản chất huyễn hóa hư vô. Tuy là hư vô nhưng không phải là hoàn toàn không có gì, mà tất cả vẫn vận hành theo luật Nghiệp báo công bằng. Phật đã chứng đạt được vô ngã tịch lặng. Nếu chúng ta cũng thâm nhập nghĩa lý vô ngã đó, tự nhiên sự cảm ứng kỳ diệu sẽ hiện bày, chúng ta sẽ cảm nhận được tình thương của Phật đang trùm phủ ôm ấp chúng ta cũng như mọi chúng sinh khác. Ngược lại, nếu chấp ngã, ích kỷ, xao động, tự đứng riêng một góc trời, tự khép cửa tâm hồn lại, chúng ta sẽ không cảm nhận được tình thương của Phật cho chúng ta.

Ví như chúng ta ngồi nhìn nhau, nếu mỗi người bận tâm chạy theo cái xao động của mình, chấp giữ bản ngã của mình, chúng ta sẽ không có được niềm thông cảm quý mến nhau, sẽ cảm nghe ngăn cách xa lạ với nhau. Ngược lại nếu mỗi người lắng tâm yên tĩnh, buông bỏ bớt ngã chấp của mình, tự nhiên sẽ nghe gần gũi thông cảm quý mến nhau hơn.

Đức Phật chứng đạt vô ngã hoàn toàn nên lòng từ bi của Ngài phủ trùm đến tất cả chúng sinh. Nhưng về phần chúng ta, nếu chúng ta chấp ngã, không thấy cái ta này là hư ảo, đóng cửa lòng của mình lại, chúng ta sẽ không thấy được tình thương yêu của Phật hiện diện nơi mình từng giờ từng phút.

Trong cuốn Tự truyện Hư Vân niên phổ, ngài Hư Vân có thuật một lần bị bệnh, ngài thấy mình lên cõi trời Đẩu suất nghe Phật Di Lặc thuyết pháp. Trong hội chúng cực kỳ đông đảo đó, Ngài gặp lại nhiều vị cao tăng lúc trước, kể cả thầy của ngài là hòa thượng Kính Dung. Nói chung là những vị tu hành chân chính khi mất đều lên cõi trời Đẩu suất.
Hòa thượng Kính Dung chỉ Ngài ngồi vào một cái tòa còn trống, bên cạnh tôn giả Anan. Điều lạ là ngài Anan từ thời đức Phật bây giờ vẫn còn theo phò Phật Di Lặc trên cung trời Đẩu suất.

Chợt Phật Di Lặc dừng giảng chỉ ngài Hư Vân bảo: “Con còn nghiệp, phải quay về.”

Ngài Hư Vân thưa: “Con nghiệp nặng nên không muốn về nữa. Con muốn ở đây học pháp.”

Phật Di Lặc nói: “Không, con phải về vì còn nhiều việc phải làm.” Rồi Phật Di Lặc giải thích thêm cho Ngài hiểu.

Câu chuyện trên làm chúng ta cảm động về lòng thương yêu của chư Phật Bồtát đối với chúng sinh. Cách nói chuyện của Phật Di Lặc biểu lộ một lòng từ bi nhưng cũng rất nghiêm khắc, và không bỏ sót chúng sinh nào.

Chúng ta là đệ tử Phật cũng phải học theo tâm từ bi của Phật, dù chưa thể thành tựu hoàn toàn. Mỗi ngày ta phải tu tập sao cho lòng thương yêu chúng sinh càng lúc càng lan rộng; mỗi ngày ta phải tu sao cho tình thương riêng tư giảm bớt dần dần. Trong cuộc sống đúng là chúng ta có duyên với mọi người khác nhau khiến cho ta thường hay thương người này nhiều hơn người kia. Bây giờ tu tập từ bi, chúng ta cố gắng đừng để thiên vị quá đáng. Trường hợp người xuất gia ở trong đại chúng cộng đồng càng phải cẩn thận không nên kết thân riêng với vài ba người, phải trải lòng chan hòa chung đến với tất cả huynh đệ. Cưỡng lại duyên xưa để tránh kết thân riêng là cả một sự kềm chế lớn để cho lòng từ bi có cơ hội phát triển.

Nhà thơ Goethe có câu nói nỗi tiếng: ”Đứng trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; nhưng đứng trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ xuống.”

Goethe đã đại diện cho cả nhân loại để bày tỏ một nguyên lý, là đối với tài năng lớn, người ta sẽ rất nể phục; nhưng người ta chỉ thật sự tôn kính, ngưỡng mộ, thương quý đối với người có tấm lòng thương yêu rộng lớn. Thái độ quỳ xuống nói lên mức độ bị khuất phục vạn lần so với cúi đầu. Thật vậy, đứng trước người mà ta biết rõ là khoan dung độ lượng, ta cảm thấy có thể đem cả cuộc đời mình để nương tựa, bước theo, dâng hiến.

Người đệ tử Phật, nhất là người xuất gia, càng phải tu làm sao để trở thành suối nguồn yêu thương cho mọi người chung quanh, trở thành cây cao bóng cả cho chúng sinh nương tựa. Người thế gian mệt mõi vì đủ thứ phiền toái khổ đau, nên muốn tìm chỗ dựa tinh thần cho khuây khỏa. Bổn phận của người đệ tử Phật là làm vơi đi nỗi khổ của cuộc đời này bằng tình thương yêu bao la như lời Phật dạy. Đến với người có tấm lòng nhân ái, ai cũng cảm thấy tươi mát dễ chịu.

Điều chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần trước là việc tu tập tâm từ bi sẽ rất vất vả chứ không phải nhàn rỗi dễ chịu. Ví dụ một điều rất nhỏ là phải chịu khó nghe chúng sinh kể lể nổi niềm riêng tư đau khổ để họ được nhẹ lòng và muốn xin một lời khuyên từ người khách quan bên ngoài. Nhiều khi những chuyện rất chán như chuyện tình cảm thương ghét giữa người này người kia, chuyện người này nói xấu, người kia phân trần. Hơn nữa là họ biết chúng ta có lòng từ ái độ lượng. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải quên bản thân mình để có sự đồng cảm với họ; rồi chúng ta dùng đạo lý để đánh giá vấn đề, và tìm ra một cách giải quyết tốt đẹp giùm họ. Chúng ta phải dựa trên luật Nhân quả và những Tâm lý Đạo đức để khuyên bảo họ hành xử đúng hơn và mọi chuyện sẽ ổn thỏa.

Chưa cần phải là một giảng sư thao thao bất tuyệt trên pháp tòa, chỉ cần sao cho bất cứ ai trên đời gặp chúng ta đều tìm thấy được sự an ổn, đó cũng là công đức tu hành của một người đệ tử Phật rồi. Muốn như vậy, tất cả đệ tử Phật chúng ta phải có lý tưởng vì Phật Pháp, vì chúng sinh, chứ không thể tu hành hời hợt được. Chúng ta phải phát triển lòng từ bi thật vững chắc, mà Phật nói trong kinh Tăng Chi là phải làm cho lòng Từ trở thành căn cứ địa của tâm hồn.

Nếu tâm từ không được thiết lập, củng cố, phát triển, tâm luyến ái sẽ có cơ hội nẩy nở để thế chỗ, và thế là chúng ta sẽ trở lại cách sống tầm thường như cũ nghĩa là cũng thương ghét rộn ràng, hơn thua phải quấy, bên nặng bên nhẹ… Cuộc đời chúng ta không có gì sáng sủa mà những người chung quanh ta cũng mệt mõi rã rời. Dĩ nhiên là chúng ta đã không chứng tỏ được sự tuyệt vời của Phật Pháp cho mọi người thấy, cũng có nghĩa là chúng ta làm mất niềm tin nơi họ.

Dù chưa chứng Thánh, chỉ cần chúng ta có lòng từ bi thôi cũng đủ để sống một đời đầy lợi ích cho mọi người, và bản thân ta cũng bớt nhiều phiền toái vì thương ghét rộn ràng của thế gian, hay chính những nhược điểm của mình. Vì sao, bởi vì muốn khắc phục khuyết điểm, ngoài sự hiểu biết, chúng ta cũng cần phải có phước. Thiếu phước, chúng ta thường vấp ngã trở lại những thói hư tật xấu như xưa. Ở đây lòng từ bi sẽ cho chúng ta cái phước đó để chúng ta vượt qua những lầm lỗi của mình.

Ví dụ như một người xuất gia, kiếp này xuất gia chứ đâu phải tất cả những kiếp trước đều xuất gia. Do đó chắc chắn rằng trong nhiều kiếp người này cũng đã từng sống đời sống gia đình có vợ chồng con cái. Biết đâu kiếp này đang tu gặp lại vợ chồng kiếp xưa. Lúc đó khó ai tránh khỏi những cảm xúc thương mến không giải thích được. Nếu không tu tập từ tâm, chúng ta sẽ bị luyến ái cũ khuấy phá mạnh mẽ. Nếu thường xuyên rãi lòng thương yêu chúng sinh, tự nhiên cảm xúc cũ sẽ dễ dàng vượt qua hơn. Đó là nhân quả rất chính xác.

Phước đến với chúng ta bởi công hạnh lễ kính Phật và từ tâm. Phước này giúp chúng ta hóa giải nghiệp duyên xưa để cùng giúp nhau tu hành, và không bị luyến ái cũ lập lại. Phước đó cũng giúp ta nhiếp tâm trong thiền được dễ dàng hơn vì tâm ích kỷ bị tâm từ bi hóa giải, mà ích kỷ bớt nghĩa là phiền não bớt, an vui thêm.

Vì lý tưởng Phật pháp ,vì chúng sinh ,vì đạo đức cao đẹp của Phật pháp, chúng ta không cho phép mình sống đời ích kỷ giải đãi, mà phải hết sức tu hành, nhất lòng thương yêu chúng sinh vạn loài.

Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...