Bình đẳng là gì?

Chân lý không bao giờ là một chiều, người chỉ nhìn một chiều không bao giờ thấy chân lý. Người đã nói nhiều về bình đẳng, nhưng sự chênh lệch về quyền lợi và địa vị vẫn mãi mãi xảy ra. Nếu bạn muốn san phẳng mọi chênh lệch trong xã hội bằng một cuộc cải thiện nào đó, bạn là người không tưởng. Vĩnh viễn không bao giờ có sự ngang bằng phẳng phiu về quyền lợi giữa mọi người vì phước nghiệp của họ không thể nào hoàn toàn giống nhau. Nơi tự thân con người đã không bằng nhau về thể chất, trí tuệ và tính tình, và sau này nơi quyền lợi, họ sẽ không thể nào hoàn toàn ngang bằng với nhau. Đây là một tiên đề đầu tiên, rất rõ ràng và thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Dù một chủ thuyết kêu gọi bình đẳng thế nào, họ vẫn phải chấp nhận đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người có trách nhiệm và khả năng ở chừng mực nào đó. 
Nếu muốn dùng bạo lực và quyền hành để áp đặt sự ngang bằng về quyền lợi cho mọi người, chúng ta đã phạm một sai lầm rất lớn. Thứ nhất, là sai với luật Nhân Quả Nghiệp báo. Người có công và người không có công chẳng thể bằng nhau về quyền lợi. Thứ hai là đưa đến hậu quả tai hại, không còn ai cố gắng phấn đấu để lập công trạng gì nữa, họ sẽ làm việc trong tình trạng cầm chừng. Thế nên, sự san bằng quyền lợi là một điều không tưởng, thiếu thực tế, cực đoan một chiều và phi chân lý. 

Tuy nhiên nếu chấp nhận sự chênh lệch quyền lợi cũng là một sai lầm ở cực đoan khác. Nếu chấp nhận sự chênh lệch quá đáng, sẽ có đấu tranh giữa giai cấp ít quyền lợi và giai cấp nhiều quyền lợi. Giai cấp đặc lợi sẽ bảo thủ và vơ vét một cách tàn nhẫn vì quyền lợi của họ được ngang nhiên công nhận. Sự bảo thủ và vơ vét đó sẽ chạm đến quyền lợi của giai cấp thiểu lợi, đấu tranh sẽ bùng nổ. Chính vì chỗ lắt léo này mà sự bình đẳng đã được ca ngợi từ nghìn xưa đến nghìn sau. Người ta đã mơ tưởng về một xã hội mà ai cũng đồng đều với nhau về quyền lợi, ai cũng thương nhau và đem hết công sức để phụng sự cho nhau. 

Tuy nhiên ý nghĩa cao siêu tế nhị của bình đẳng phải được hiểu ở cách khác, không phải sự bình đẳng do quyền lực san bằng tài sản. Bình đẳng là tính chất Đạo Đức nơi một con người. Người có tính bình đẳng là người không muốn trội vượt hơn ai về quyền lợi. Vì bình đẳng là Đạo Đức nên nó là sự tự giác, không phải là sự áp đặt. Trong một tập thể nào đó, nhất là trong chúng tăng, ví dụ có một người, do phước quá khứ, được người thân đem đến tặng nhiều thực phẩm bánh trái. Nếu người này không có Đạo Đức bình đẳng và giữ lấy tặng phẩm để dùng một mình, mọi người xung quanh sẽ tị hiềm bực bội. Không phải mọi người tỵ hiềm vì họ không được chia phần, mà họ tị hiềm vì người kia thiếu lòng nhân ái, thiếu đức bình đẳng. Chính cái thiếu lòng nhân ái, thiếu đức bình đẳng đã khiến cho sự chia rẻ và đấu tranh xảy ra. Nếu người kia có đức bình đẳng, có lòng thương người, sẽ đem tặng phẩm chia đều trong tập thể và mọi người sẽ vui vẻ với nhau nhiều hơn. Không phải mọi người vui vì họ được chia phần mà họ vui vì người kia thể hiện đức bình đẳng và lòng nhân ái. Sự bình đẳng là một lý tưởng tốt đẹp mà ai cũng mơ ước, nhưng nó phải được thể hiện bởi sự tự giác của mỗi người. 

Có hai cực đoan mà chúng ta phải tránh, một là chủ trương san bằng quyền lợi bằng bạo lực. Hai là chấp nhận sự chênh lệch quyền lợi. Hai cực đoan này không bao giờ đưa đến tốt đẹp. Còn chân lý thì trung dung, khéo léo, tự giác, uyển chuyển và từ bi. Nếu chân lý dễ thực hiện thì cuộc đời này có lẽ không còn đau khổ. Chân lý luôn luôn khó nắm bắt, nó tiềm ẩn ngoài cái thấy biết của tai mắt, ngoài những kết luận một chiều. Người ta chỉ thực hiện được chân lý khi họ được sự hướng dẫn đúng đắn và được khuyến khích thường xuyên. Rõ ràng hành động đem phẩm vật của mình chia đều cho anh em là một sự tự giác và từ ái, không ai được quyền bắt buộc về điều này, nhưng chính lòng nhân ái và đức bình đẳng đã khiến họ có hành động tốt đẹp ấy. 

Nếu bạn hưởng thụ hết mọi sở hữu của mình dù bạn ở tập thể hay ở riêng rẻ, lúc đó bạn không phải là người bình đẳng và từ bi. Dù tài sản bạn đang có không ai hay biết, nhưng bạn hãy mạnh dạn san sẻ cho người khác, đừng sử dụng hết những gì mình có. 

Có lẽ chúng ta cũng từng gặp những trường hợp một người, nhất là tu sĩ, bị đố kỵ ganh tỵ khi họ mặc chiếc áo đẹp, khi họ sử dụng tài sản vượt trội hơn người xung quanh, nhưng cũng có người không bị ganh tỵ khi sử dụng những thứ đó. Người bị ganh tỵ vì trước đó họ không bố thí nhiều, không tùy hỉ khi người khác đắc lợi. Bố thí cũng có nghĩa là muốn cho người khác đắc lợi, bố thí cũng đã mang ý nghĩa tùy hỉ trong đó rồi. 

Cũng như mọi tính chất Đạo Đức khác không thể vắng bóng trên cuộc đời này, nhưng cũng không thể cưỡng bức áp đặt, bình đẳng cũng vậy, không thể vắng bóng trong tương quan giữa mọi người, nhưng cũng không thể cưỡng bức áp đặt. Nó là sự tự giác và sự tự giác hành bình đẳng sẽ đưa người thực hành đi về nơi tràn đầy phúc lạc. 

Nếu chúng ta cưỡng bức sự ngang bằng về quyền lợi, chúng ta sai về Nhân Quả. Một chế độ khẩu phần xít xao khiến cho không ai có thể bố thí với ai, và như thế phước họ giảm dần cho đến khi họ phải bị đói kém thê thảm trong hiện đời. Đó là sai về nhân, không tạo điều kiện dư dả để họ có thể thực hành bố thí. 

Kế đó, nếu người nào trong số đó, đã không thể làm phước bằng cách bố thí, đã làm phước bằng cách đem sức lao động ra phục vụ nhiều hơn qui định. Đến khi quả báo trở lại họ vẫn phải được quyền lợi trội hơn mọi người. Nhưng sự san bằng quyền lợi đã phủ nhận quả báo của họ. Đây là sai về quả. 

Bình đẳng không phải là sự áp đặt cưỡng bức bởi quyền lực mà chỉ là sự tự giác cao thượng trong tâm hồn của con người. 

Trích "Luận về nhân quả" (bản in cũ) - Thượng Toạ Thích Chân Quang, cháu nội Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...