Lời Đại
Tướng Võ Nguyên Giáp viết cho lần xuất bản thứ ba
cuốn
“Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường kách mạng Việt Nam”
Từ
sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng ta, quán triệt nghị quyết
“Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động…”, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh,
sâu rộng và có tổ chức, nổi bật là các đề tài trong chương trình cấp nhà nước
“Về tư tưởng Hồ Chí Minh”, mang mã số KX-02.
Cuốn
sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường kách mạng Việt Nam” của một tập thể tác
giả do tôi làm chủ biên, được xuất bản vào tháng 5-1977, là thành quả của đề
tài cấp nhà nước KX-02-01, một đề tài mang tính tổng quan, nghiên cứu, giải đáp
những vấn đề chung và cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh như khái niệm, nguồn gốc,
quá trình hình thành, những luận điểm sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh và phương hướng
quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, vào sự nghiệp đổi mới
của Đảng ta, nhân dân ta.
Cuốn
sách ra đời, được sự hoan nghênh, hưởng ứng của các đồng chí lãnh đạo, các cán
bộ nghiên cứu và của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong lần
xuất bản thứ nhất, do sự hạn chế của bước đầu nghiên cứu và do còn ý kiến, chưa
gặp nhau trong việc đưa ra công luận một số tư liệu, một số vấn đề, nên có một
số thông tin quan trọng, một số điểm chưa có điều kiện nói rõ được.
Thể
theo yêu cầu của bạn đọc và của Nhà xuất bản nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách lần thứ II, có bổ
sung, sửa chữa.
Từ
lúc ra đời cho đến nay, đã hơn 6 năm thử thách, cuốn sách thể hiện được tính
đúng đắn, khoa học và đã cung cấp những kiến thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí
Minh, tạo cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu tuyên truyền giáo dục quán triệt
sâu sắc hơn. Chính vì vậy, Bộ phận biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã
đánh giá: “Đây là một công trình lớn, có giá trị về lý luận và thực tiễn, đánh dấu
một bước phát triển mới trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ sở để
chúng ta tiếp tục nghiên cứu, hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của Người”.
Nội
dung cuốn sách, cùng với những thành tựu nghiên cứu khác về tư tưởng Hồ Chí
Minh, đã cung cấp cơ sở để Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng có sự
khái quát cô đọng, chặt chẽ về khái niệm, nguồn gốc hình thành và những nội
dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một bước tiến trong nghiên cứu và
trong sự thống nhất nhận thức một số vấn đề cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Là
người may mắn và hạnh phúc được sống gần ba thập kỷ bên Bác, trong một hoàn cảnh
khó khăn, ngặt nghèo cũng như trong những thời cơ thuận lợi của cách mạng Việt
Nam từ khi Bác trở về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng cho đến lúc Bác vĩnh viễn
đi xa, tôi được Bác tin tưởng giao cho nhiều trọng trách mới mẻ tưởng chừng vượt
quá sức gánh vác của mình, nhất là trong những ngày đầu cuộc Cách mạng tháng
Tám – 1945 và trong lĩnh vực lãnh đạo quân đội quốc phòng từ ngày đầu thành lập
Quân giải phóng cho đến suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Pháp
và Mỹ. Đồng thời cũng được Bác chân tình dạy dỗ, hướng dẫn từng đường đi nước
bước, từng chủ trương, kế hoạch, từng lời nói, việc làm, cả trong nhiệm vụ
chung và cả trong đời sống riêng tư. Lúc nào, ở đâu, việc gì, thành hay bại,
khó khăn hay thuận lợi, tiến hay tạm lùi, đều như có Bác bên cạnh. Những tư tưởng,
quan điểm, những lời khuyên nhủ và tấm gương thực tế xử lý mọi việc đối với mọi
người của Bác đã giúp tôi bình tĩnh, dũng cảm, sáng suốt tìm được chủ trương,
biện pháp, đúng đắn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên mọi cương vị công tác
và trưởng thành về mọi mặt.
Mấy
năm gần đây, dù đã đến tuổi 90 – cái tuổi gần đất xa trời, tôi vô cùng phấn khởi
được giao trọng trách góp phần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, có điều kiện,
có thời gian, có độ lùi lịch sử cần thiết để tìm hiểu thêm về Bác và soi lại
lòng mình.
Càng
nghiên cứu, càng kiểm tra lại những việc Bác đã chủ trương, đã làm, để đưa cách
mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, đạt đến những thắng lợi vĩ đại như ngày
nay, càng thấy công ơn trời biển của Bác đối với Cách mạng Việt Nam và thấy sự
vĩ đại vô cùng của Bác. Đúng như sự khái quát của đồng chí Trường Chinh và của
một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác, Bác là một bậc “đại nhân, đại trí, đại
dũng”. Bác là nhà chính trị - văn hoá kiệt xuất, nhà tổ chức vĩ đại, nhà quân sự
đại tài, tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời mà gần gũi bình dị. Nổi bật hơn
cả và xuyên suốt là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc kết hợp với chủ nghĩa
quốc tế vô sản; là sự gắn bó, kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc với giai cấp, độc
lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu lý tưởng giải phóng dân tộc,
giải phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người. Tư duy nhận thức đó là sự
thống nhất nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, thực tiễn với lý luận, là sự gần
dân, lời nói đi đôi với việc làm, kế hoạch một biện pháp hai ba; lắng nghe ý kiến,
tâm tư nguyện vọng của dân, do dân, dựa vào dân, phát huy mọi tiềm lực của toàn
dân.
Những đánh giá, những nhận định về bản
chất, về giá trị đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh và về Hồ Chí Minh, của bạn bè
quốc tế, coi Hồ Chí Minh là hiện thân của cuộc cách mạng, là một nhân vật kỳ lạ
của thời đại ngày nay… Theo tôi, đây là những đánh giá, những suy xét khách
quan, khoa học và vô cùng sâu sắc của những nhà lãnh đạo, những trí giả, những
nhà nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế mà chúng ta cần quan tâm suy nghĩ, tìm hiểu để
lĩnh hội hết cái “hồn”, cái “thần” của nó, giúp ta hiểu sâu thêm, thấy rõ hơn
“cái vĩ đại”, tầm cỡ lịch sử và quốc tế của Bác và của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trọn
đời đi theo con đường của Bác, của Đảng, làm người học trò, người cộng sự của
Bác, tôi vô cùng tự hào là đã đáp ứng được lòng tin của Bác, tôi vô cùng tự hào
là đã đáp ứng được lòng tin của Bác, đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, cùng với
toàn Đảng, toàn dân thực hiện xuất sắc tư tưởng và nguyện vọng của Người ghi
trong Di chúc thiêng liêng là “đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước
nhà, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng lại đất nước ta đàng
hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tuy nhiên, việc lĩnh hội, tiếp thu, chấp hành những
quan điểm tư tưởng, những chủ trương của Bác không phải là giản đơn, dễ dàng.
Đó là vì, trình độ, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thực tiễn của lứa tuổi
chúng tôi lúc bấy giờ còn có khoảng cách lớn so với “tầm” của Bác, trong anh em
chúng tôi một số có ít nhiều biểu hiện giáo điều, hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin
qua sách báo, như những công thức cứng nhắc… Mặt nữa là tình hình thực tiễn của
cách mạng Việt Nam thời kỳ bấy giờ vô cùng phức tạp. Nhiều sự kiện diễn ra
ngoài suy nghĩ, tưởng tượng của chúng tôi như đại đoàn kết với mọi thành phần
yêu nước, nhẫn nhịn bọn Tưởng, lùi một bước với Pháp, “hoà để tiến” vì mục tiêu
của kách mạng Việt Nam.
Một
sự kiện có lẽ ít người biết và sách báo hình như chưa đề cập đến. Đó là vào lúc
tôi đi chiến dịch Đông – Xuân 1950 – 1952, ở căn cứ Việt Bắc, Đảng đang tiến
hành Hội nghị trừ bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II với chủ trương Đảng
ra công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam cùng với cương lĩnh mới:
Cương lĩnh hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xoá bỏ di tích phong kiến
và nửa phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, làm cho nước Việt Nam độc
lập và thống nhất dân chủ tự do, phú cường và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng
chí Trường Chinh viết thư cho tôi cho biết là tình hình thảo luận khá gay go,
nhất là vấn đề đổi tên Đảng, thậm chí có đại biểu đặt vấn đề gay gắt là đổi tên
Đảng vậy có còn Đảng cộng sản nữa không, đổi tên Đảng là đụng chạm đến tình cảm,
truyền thống, là xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin… Tình hình trên được báo cáo lên
Bác. Hôm sau, trong buổi họp ở Hội trường, Bác chỉ nêu 2 ý: một là Quốc tế cộng
sản chủ trương làm Cách mạng vô sản và thiết lập chuyên chính vô sản, vậy có phải
nơi nào cũng làm cách mạng vô sản và thiết lập chuyên chính vô sản như nhau
không? Thứ hai, chủ nghĩa Mác – Lênin là gì? Nói tóm tắt là ích quốc lợi dân,
điều gì đưa lại quyền lợi cho nhân dân, đều là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng chí
Trường Chinh viết tiếp: “Sau khi nghe Bác giải thích gọn gàng, thuyết phục, cả
hội trường đứng dậy vỗ tay vang dậy tán thành”. Cuối cùng đồng chính Trường
Chinh nhận xét là các đồng chí ta còn giáo điều và cũ lắm, toàn Đại hội và toàn
Đảng đã hoàn toàn nhất trí với việc lấy tên “Đảng Lao động Việt Nam” và với
cương lĩnh mới.
Còn một sự kiện lớn nữa liên quan đến
tư tưởng Hồ Chí Minh mà tôi muốn nói. Đó là quan điểm về quá độ lên chủ nghĩa
xã hội ở miền Bắc. Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, qua 3 năm khôi phục
kinh tế, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm hậu phương vững chắc,
nhân tố quyết định nhất cho thắng lợi của Cách mạng trong cả nước. Bác đã trình
bày rõ quan điểm của mình về đường lối quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
trong điều kiện miền Nam còn chưa được hoàn toàn giải phóng trong “Báo cáo về dự
thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1959”. Trên tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và
bám sát thực tiễn: “Chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của
ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử,
địa lý khác”, Người đã đề xuất những vấn đề về chế độ chính trị, kinh tế: “Về bản
chất của quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội của một nước nông nghiệp lạc hậu
là bỏ qua phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa là phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ
thuật cho chủ nghĩa xã hội, vấn đề mấu chốt là phải “chiến thắng lạc hậu và
nghèo nàn” làm cho nước ta có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa
học kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh. Lực lượng và động lực của kách mạng xã hội chủ nghĩa là toàn dân (trừ bọn
phản động), phải phát huy tiềm lực của mọi thành phần kinh tế, ngay tới kinh tế
tư bản tư nhân, ta cũng không tước bỏ quyền sở hữu tài sản của họ, mà dìu dắt,
giúp đỡ họ cùng toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội…”
Tiếc
thay, sau đó vì áp lực của “quốc tế”, vì dựa vào mô hình chủ nghĩa xã hội của
Liên Xô, Đông Âu và một số nước khác, và cũng vì chủ quan, duy ý chí, nhận thức
không đúng về chủ nghĩa xã hội nên Đại hội III rồi đến Đại hội IV, nhất là Đại
hội IV sau khi đã thống nhất nước nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đã có sự
xa rời quan điểm Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam, dẫn đến những hậu quả to lớn. Đại hội VI và Đại hội VII của Đảng đã
nghiêm khắc vạch ra sai lầm thiếu sót, mà theo đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh, bài học lớn đó là “trở lại với tư
tưởng Hồ Chí Minh”. Đại hội đã chủ trương “Đổi mới”, đổi mới toàn diện mà
trước hết là đổi mới tư duy… Từ đó mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển đúng
hướng mạnh mẽ của Đảng ta, nhân dân ta, cách mạng Việt Nam ta.
Nêu
những vấn đề trên, mong muốn của tôi là muốn làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là rất
gần gũi với chúng ta, ai cũng có thể nhớ và nhắc đến những việc làm, những lời
dạy của Người đối với cách mạng Việt Nam cũng như đối với ngành mình, địa
phương mình, bản thân mình… Nhưng để hiểu, phát hiện tư tưởng Hồ Chí Minh như một
học thuyết chính trị – xã hội – nhân văn, một hệ thống lôgích, toàn diện, chặt
chẽ về kách mạng Việt Nam, kách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ
nhân dân, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước thuộc địa, nước phong kiến ở
phương Đông… thì những thành tựu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh mấy năm qua là
to lớn, quan trọng, nhưng chỉ mới là bước
đầu.
Theo
tôi, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu sâu sắc hơn, khoa học hơn, với những tư liệu
và lập luận khái quát có sức thuyết phục hơn.
Trước
hết, cần làm rõ hơn “quan hệ giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh”, trong đó cần lý giải tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là một học thuyết,
có nguồn gốc chủ yếu từ chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng trên cơ sở phản ánh thực
tiễn đặc thù của Việt Nam, để hình thành nên một hệ thống lý luận mới bổ sung
và làm giàu thêm chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời cũng cần nghiên cứu làm rõ vị
trí, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, kách mạng Việt Nam và đối với thế giới
(nhất là các nước Nam Á, Đông Nam Á, các nước thuộc địa).
Thứ
hai, phải chăng cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là “giải phóng dân tộc, giải
phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người”. Cái đặc sắc xuất phát từ thực
tiễn của sự nghiệp giải phóng dân tộc là luận điểm “chủ nghĩa dân tộc là động lực
lớn của đất nước”,”đại đoàn kết dân tộc” dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng
liên minh giữa giai cấp, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, là nhân tố quyết
định, là động lực của kách mạng dân tộc dân chủ và cả của kách mạng xã hội chủ
nghĩa (tất nhiên cần có đấu tranh giữa các giai cấp, trong xã hội để bảo đảm sự
tương đồng, hạn chế sự cách biệt, chứ đấu tranh giai cấp không phải là động lực
trực tiếp của sự phát triển xã hộiI
như ở các nước tư bản chủ nghĩa).
Ở
Việt Nam, Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc và giai cấp, độc
lập dân tộc – dân chủ – chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, phải giải quyết vấn đề dân tộc
trước vấn đề giai cấp, gắn với vấn đề giai cấp. Nếu dân tộc không giành được độc
lập thì vạn năm cũng không giải quyết được vấn đề giai cấp.
Luận
điểm đó là cơ sở để giải quyết vấn đề đường lối kách mạng, phương pháp kách mạng,
tổ chức kách mạng. Vấn đề rất rộng lớn, ở đây, tôi chỉ đề cập đến vấn đề Đảng Cộng
sản Việt Nam. Từ đặc điểm sự ra đời của Đảng, Hồ Chí Minh đã tổng kết quy luật
ra đời của Đảng là “Sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân
và phong trào yêu nước”, điều đó ai cũng công nhận. Nhưng khi đi vào xác định Đảng
Cộng sản Việt Nam là Đảng của ai? (bao hàm cả vấn đề bản chất của Đảng). Bác đã
viết: “Đảng Lao động Việt Nam là đảnng của giai cấp công nhân và nhân dân lao
động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” (Báo cáo chính trị
Đại hội II tháng 2 – 1951) và Đảng ta là “Đảng của giai cấp, đồng thời là Đảng của dân
tộc , không thiên tư, thiên vị” (12 – 1961). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đồng
chí băn khoăn, cho nói như vậy là coi nhẹ bản chất giai cấp, thậm chí trong
nghiệm thu đề tài cũng như trong xuất bản cuốn sách này lần thứ nhất, có ý kiến
không nên đưa luận điểm đó vào. Theo tôi, phải chăng đây là một trong những luận
điểm sâu sắc về Đảng của Hồ Chí Minh, từ đó làm cho Đảng ta gắn chặt với nhân
dân, dân tộc. Nhân dân ta xem Đảng Cộng sản là “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta”,
vấn đề này theo tôi rất quan trọng, cần nghiên cứu, lý giải khách quan, nghiêm
túc, không được thiên kiến giai cấp chi phối. Cũng từ vấn đề này, cần giải quyết
sâu sắc quan điểm Hồ Chí Minh về Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân, vì
dân”, “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ” hoặc vấn đề quân đội nhân dân Việt Nam
(Quân đội của ai? Mang bản chất gì).
Một
vấn đề lớn, bao trùm là vấn đề cơ sở triết học hay cơ sở phương pháp luận của Hồ
Chí Minh. Bất cứ học thuyết nào cũng đều phải xây dựng trên cơ sở phương pháp
luận, phương pháp tư duy nhất quán. Trong cuốn sách, chúng tôi viết phương pháp
luận, phương pháp tư duy Hồ Chí Minh cơ bản là phương pháp biện chứng mác-xít,
kết hợp với những nhân tố duy vật và biện chứng của triết học phương Đông và của
tư duy truyền thống Việt Nam, rút ra từ cuộc đời hoạt động phong phú đầy biến cố
và những kinh nghiệm ứng nhân xử thế của Người. Khái quát chung như vậy đã
chính xác chưa? Cụ thể và lý giải thế nào thì còn đòi hỏi nhiều công phu nghiên
cứu nữa.
Những
điều trên là những vấn đề liên quan đến đường lối chiến lược, sách lược của
kách mạng Việt Nam cần được đặt ra để tiếp tục nghiên cứu có tổ chức, có kế hoạch,
kết hợp cả lực lượng trong nước với các nhà Việt Nam học, Hồ Chí Minh học ở nước
ngoài. Ngoài ra, đối với từng lĩnh vực, từng ngành công tác, từng địa phương, từng
giới, từng tôn giáo, Bác đều có những chỉ dẫn mang tính quy luật, tính nguyên tắc
chi phối sự tồn tại và phát triển của ngành đó, địa phương đó. Ví dụ với ngành
thuỷ sản, Bác không khuyến khích đánh bắt thuỷ sản mà nêu nhiệm vụ “nuôi trồng
thuỷ sản”. Hay với ngành lâm nghiệp, Bác nêu khẩu hiệu “trồng rừng”, “mười năm
trồng cây, trăm năm trồng người”… Về thông tin liên lạc, bưu chính, Bác dạy “Việc
liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng”. Về xây dựng đội
ngũ cán bộ, Bác nhấn mạnh toàn diện “Đức – Tài, Đức là gốc”, “là người lãnh đạo
đồng thời là công bộc của dân”, “phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ
nghĩa cá nhân”. Tham nhũng là giặc nội xâm. Bám sát và luồn sâu lời Bác dạy,
kiên quyết làm đúng lời Bác nhất định chúng ta sẽ tiến bộ, cá nhân cũng như tổ
chức đều tiến bộ, phát triển.
Để
góp phần thực hiện chỉ thị của Ban bí thư về “đẩy mạnh nghiên cứu tuyên truyền,
giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh”, chúng tôi đồng ý để Nhà xuất bản Chính trị Quốc
gia tái bản cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí
Minh và con đường kách mạng Việt Nam” theo như bản xuất bản năm 2000. Vì
không có điều kiện bổ sung, sửa chữa nữa, với tâm huyết, khát vọng của một người
Cộng sản, người học trò và cộng sự của Bác, nhân dịp này, tôi có một số suy
nghĩ, tâm sự nêu trên, giãi bày cùng các đồng chí, đồng bào. Mong được nêu một
số gợi ý để các đồng chí, các thế hệ nối tiếp nghiên cứu tư tưởng của Bác hiệu
quả hơn, sâu sắc hơn và đẩy mạnh học tập, quán triệt, vận dụng, phát triển tư
tưởng của Bác đạt những thành công mới, tốt đẹp …
Hà Nội, năm 2003
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét