Ngày 23-6-1924
Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế
Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế
Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có
cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi
thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng
vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô
sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp
bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra
những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh
các đồng chí về vấn đề thuộc địa.
Hôm nay, tôi cần nhắc
lại lời phát biểu tại đây của đồng chí Rôi, chỉ xin đổi những tên riêng, nghĩa
là đơn giản thay thế từ nước Anh bằng các từ Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật ... Song, vì
tôi là người xứ thuộc địa Pháp và vì tôi muốn nói ngắn, nên tôi chỉ nói về chủ
nghĩa đế quốc Pháp, về Đảng Pháp của chúng tôi và về các đảng tại các thuộc địa
Pháp, giống như đồng chí Rôi đã nói về nước Anh, về đảng anh em của chúng ta và
về các đảng ở các thuộc địa của nước Anh.
Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của
tôi, nhưng tôi không thể nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có
cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng
chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và
sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là
ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc
địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở
thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường
thuộc địa.
Các đồng chí, khi các đồng chí muốn đập vỡ
một quả trứng hay một hòn đá, thì các đồng chí phải nghĩ đến việc tìm kiếm một
công cụ mà sức bền của nó tương xứng với sự vững chắc của đối tượng định đập
tan. Tại sao các đồng chí không có sự đề
phòng như vậy khi các đồng chí muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản? Tại sao trong
những vấn đề của cách mạng các đồng chí không đem ra đối chiếu sách lược, sức
mạnh của các đồng chí? Tại sao không so sánh sức mạnh và sự tuyên truyền của
các đồng chí với sức mạnh và sự tuyên truyền của kẻ địch mà các đồng chí muốn
chống lại và chiến thắng nó? Tại sao các đồng chí lại xem thường các thuộc địa
trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng
chí? Tôi xin bổ sung mấy lời để đáp lại bài phát biểu của đồng chí Tơranh.
Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Tơranh đã nói đến sự xuất hiện một cao
trào cách mạng ở Pháp và sự ra đời phong trào phát xít ở đây. Về điểm đầu tiên,
tôi hoàn toàn tán thành tinh thần lạc quan của đồng chí Tơranh; còn điểm thứ
hai, thì tôi có ý kiến ngược lại. Tôi cho rằng, bọn phản động ở Italia, ở Đức và
các nước khác cần đến chủ nghĩa phát xít để bảo vệ mình; trong khi đó bọn phản
động Pháp lại không cần đến nó. Chúng có những người bảo vệ khác, những người
bảo vệ mạnh hơn nhiều, có tổ chức hơn và có kỷ luật hơn là "bọn áo
đen". Họ có những người lính da đen và da vàng. Có lẽ các đồng chí đã biết
là quân đội Pháp hiện nay bao gồm 458.000 thanh niên Pháp và 206.550 người bản
xứ ở các thuộc địa. Nhưng chắc chắn là các đồng chí không biết được rằng, nếu
tính thời gian phục vụ và huấn luyện cũng như sự dễ dàng làm cho những người
bản xứ nổi dậy, thì mỗi người lính bản xứ này có giá trị bằng 2 lính Pháp. Do
đó, trên danh nghĩa, tuy số lượng đội quân luôn sẵn sàng tấn công các đồng chí
là 664.550 người, mà thực tế lại là 1.000.000 người, hay nói đúng hơn 939.950
người vì số lính Pháp có 251.450 tay súng, đông hơn các trung đoàn người bản xứ
thì những người bản xứ này lại phục vụ 431.100 tháng nhiều hơn lính Pháp.
Bàn về khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!
In trong sách Đại hội toàn thế giới lần
thứ V
Quốc tế Cộng sản,
bản tốc ký, tiếng Nga,
phần I, Nxb. Chính trị quốc gia,
Mátxcơva, 1925, tr.218-220.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét