Toàn văn phát biểu của Ngoại trưởng LB Nga Sergey Lavrov tại Kỳ họp thứ 77 Đại hội đồng LHQ

 Sergey Lavrov:

New York, ngày 24 tháng 9 năm 2022.

Kính thưa Bà chủ tịch,

Thưa các đồng nghiệp thân mến,

Thưa các quý vị,

Chúng ta gặp nhau vào một thời điểm khó khăn, đầy kịch tính. Các hiện tượng khủng hoảng ngày càng gia tăng và tình hình trong lĩnh vực an ninh quốc tế đang xuống cấp nhanh chóng.

Thay vì một cuộc đối thoại trung thực và tìm kiếm các thỏa hiệp, chúng ta đang phải đối mặt với những thông tin sai lệch, những màn kịch thô lỗ và các hành động khiêu khích. Đường lối của Phương Tây đang làm xói mòn niềm tin vào các thể chế quốc tế với vai trò là cơ quan điều phối các lợi ích và niềm tin vào luật pháp quốc tế như một sự đảm bảo công lý và bảo vệ những người yếu thế chống lại các hành động tùy tiện vô lối. Chúng tôi quan sát thấy các xu hướng tiêu cực đang tập trung trong các bức tường của LHQ là tổ chức được hình thành sau khi chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản bị đập tan với mục đích thúc đẩy sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa các thành viên và ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia.

Bất kỳ nhà quan sát nào cũng nhận thấy rất rõ là chúng ta đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về tương lai của trật tự thế giới. Câu hỏi ở đây là, liệu đây có phải là trật tự của một quốc gia bá chủ thế giới buộc tất cả các quốc gia khác phải sống theo “quy tắc” do quốc gia này áp đặt và chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia đó, hay sẽ là một trật tự thế giới dân chủ, công bằng, không có chuyện tống tiền và dọa nạt những quốc gia yếu thế, không có chủ nghĩa phát xít mới và chủ nghĩa thực dân mới. Nga kiên quyết lựa chọn phương án thứ hai. Cùng với các đồng minh, đối tác và những người cùng chí hướng, chúng tôi kêu gọi nỗ lực xây dựng trật tự thế giới ấy.

Sẽ kết thúc mô hình phát triển thế giới đơn cực vốn chỉ phục vụ lợi ích của các quốc gia thuộc “nhóm tỷ phủ vàng” mà nhu cầu tiêu dùng siêu cấp độ của họ trong nhiều thế kỷ được bảo đảm bằng nguồn tài nguyên của các nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Ngày nay việc hình thành các quốc gia có chủ quyền và sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia sẽ dẫn đến việc hình thành một cấu trúc trật tự thế giới đa cực bình đẳng, định hướng xã hội và bền vững. Chính vì thế, các quá trình địa chính trị khách quan đang bị Washington và giới tinh hoa cầm quyền của các nước Phương Tây coi là mối đe dọa đối với vị thế thống trị thế giới của họ.

Mỹ và các đồng minh muốn ngăn chặn dòng chảy của lịch sử. Từng tuyên bố giành “chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh, Washington tự nâng mình lên vị thế sứ giả của Chúa Trời trên Trái đất, không chịu bất cứ nghĩa vụ nào nhưng lại có quyền "thiêng liêng" là đơn phương hành động mà không bị trừng phạt ở bất cứ đâu. Khu vực của những hành động vô lối như vậy có thể là bất kỳ quốc gia nào bị coi là không đáp ứng yêu cầu của những kẻ tự xưng là "chủ nhân của thế giới". Tất cả chúng ta đều nhớ, núp dưới những nguyên cớ đựơc dàn dựng, các cuộc chiến tranh xâm lược đã được tiến hành chống lại Nam Tư, Iraq và Libya-những quốc gia cách xa bờ biển Hoa Kỳ, và cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn dân thường.

Liệu có quốc gia nào trong số đó xâm phạm lợi ích hợp pháp của Phương Tây không? Liệu có quốc gia nào cấm tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của các nước thành viên NATO khác không? Liệu có quốc gia nào cấm phương tiện truyền thông và văn hóa phương Tây không? Liệu có quốc gia nào tuyên bố người Anglo-Saxon là "dân tộc hạ đẳng" và sử dụng vũ khí hạng nặng để chống lại họ hay không? Kết cục của các cuộc phiêu lưu của Hoa Kỳ ở Trung Đông là gì? Liệu tình hình nhân quyền và pháp quyền có được cải thiện không? Liệu có sự ổn định tình hình chính trị xã hội không? Liệu có sự gia tăng phúc lợi của dân chúng không? Xin hãy nêu tên một quốc gia mà Washington đã can thiệp bằng vũ lực và nhờ đó cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Mưu toan và nỗ lực phục hồi mô hình thế giới đơn cực dưới khẩu hiệu "trật tự dựa trên luật lệ", Phương Tây đang phân chia thế giới theo tinh thần đối đầu giữa các khối với lập luận "đi theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi". Không có lựa chọn thứ ba, không có thỏa hiệp. Sau khi điên cuồng tiếp tục lộ trình mở rộng NATO sang phía Đông, đưa cơ sở hạ tầng quân sự của khối này tới sát biên giới của Nga, Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chi phối các nước Châu Á. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tháng 6/2022 ở Madrid, liên minh tự xưng là "phòng thủ" này tuyên bố "không thể tách rời an ninh của các khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Theo khẩu hiệu của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các định dạng khép kín đang được tạo ra để phá hoại toàn bộ cấu trúc mở và bao trùm của khu vực đã từng được hình thành trong nhiều thập kỷ xung quanh ASEAN.

Ngoài ra, Mỹ bắt đầu "trò chơi với lửa" xung quanh Đài Loan với cam kết sẽ viện trợ quân sự cho họ.

Rõ ràng là "Học thuyết Monroe" gây tranh cãi đang phủ sóng toàn cầu. Washington đang ra sức biến toàn bộ hành tinh này thành "sân sau" của Mỹ. Theo đó, trong suốt nhiều năm, Mỹ sử dụng công cụ để ép buộc và gây sức ép chính trị đối với những quốc gia bất đồng chính kiến, bao gồm các biện pháp trừng phạt đơn phương vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ai cũng thấy rõ sự coi thường luật pháp và đạo lý của chính sách này. Các biện pháp cấm vận đã ảnh hưởng đến người dân, ngăn cản họ tiếp cận các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thuốc men, vắc xin và thực phẩm.

Một thí dụ rõ ràng là việc Mỹ phong tỏa Cuba trong hơn 60 năm qua. Đại đa số thành viên của Liên hợp quốc từ lâu đã kiên trì yêu cầu bãi bỏ ngay lập tức lệnh cấm vận này. Tổng thư ký-người có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực hiện các quyết định của Đại hội đồng, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề này. Tổng thư ký cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc huy động các nỗ lực để khắc phục các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng do Mỹ và EU tung ra thị trường khối lượng tiền không thể kiểm soát trong thời kỳ đại dịch và do các hành động thiếu chuyên nghiệp, vô trách nhiệm của EU trên thị trường dầu mỏ và khí đốt. Hành động trái ngược với tư duy sơ đẳng, Washington và Brussels đã làm trầm trọng thêm tình hình khủng hoảng bằng cách tiến hành chiến tranh kinh tế chống Nga.

Kết quả là giá thực phẩm, phân bón, dầu và khí đốt trên thế giới tăng. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thư ký đã góp phần vào việc ký kết các thỏa thuận Istanbul vào ngày 22 tháng 7 năm nay. Các thỏa thuận này cần phải được tuân thủ. Cho đến nay, các tàu chở ngũ cốc của Ukraine hầu như không đến được các nước nghèo nhất, còn những trở ngại về tài chính và hậu cần do Mỹ và EU tạo ra trên đường xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Đây không phải là tuần đầu tiên chúng tôi nhắc nhở rằng 300.000 tấn phân bón của Nga đã bị giam giữ tại các cảng châu Âu. Từ lâu, chúng tôi đã đề nghị chuyển miễn phí số phân bón này đến các nước nghèo ở Châu Phi nhưng Liên minh Châu Âu vẫn không phản hồi Hội chứng bài Nga chính thức đã lan tỏa trên phạm vi chưa từng có ở Phương Tây. Các nước Phương Tây không ngần ngại công khai ý định không chỉ khiến Nga thất bại về quân sự mà còn làm sụp đổ, chia cắt nước Nga. Nói cách khác, họ muốn xóa sổ một quốc gia có sức mạnh địa chính trị to lớn và chính sách độc lập khỏi bản đồ chính trị thế giới.

Trên thực tế, liệu Nga đã có hành động gì trong nhiều thập kỷ qua xâm phạm đến lợi ích của các đối thủ? Phải chăng họ không thể tha thứ cho chúng tôi đã theo đuổi quan điểm tạo ra quá trình hòa dịu chiến lược-quân sự trong những năm 1980-1990? Phải chăng chúng tôi đã từng tự nguyện giải tán Hiệp ước Warsaw và tước bỏ ý nghĩa tồn tại của NATO? Phải chăng chúng tôi ủng hộ việc thống nhất nước Đức mà không kèm theo điều kiện gì đã trái với lập trường của London và Paris? Chúng tôi đã rút các lực lượng vũ trang khỏi Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ Latinh. Chúng tôi đã công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Phải chăng do chúng tôi đã tin lời hứa của các nhà lãnh đạo Phương Tây là không mở rộng NATO “thêm một tấc” về phía đông và khi quá trình này bắt đầu chúng tôi đã đồng ý hợp pháp hóa nó thông qua việc ký kết Định ước quan hệ Nga-NATO? Liệu chúng tôi có vi phạm lợi ích của Phương Tây khi cảnh báo rằng không thể chấp nhận việc đưa cơ sở hạ tầng quân sự tới biên giới Nga đang tạo ra mối đe dọa đối với chúng tôi?

Sự kiêu ngạo của Phương Tây và chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ đã mang tính chất phá hoại đặc biệt sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Ngay từ năm 1991, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ P. Wolfowitz trong cuộc trò chuyện với Tư lệnh Các lực lượng chung của NATO ở châu Âu W. Clark đã thẳng thắn thừa nhận rằng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, họ có thể sử dụng quân đội của mình mà không sợ bị trừng phạt. Và họ đã có 5 và có thể là 10 năm để thanh trừng những chế độ thân Liên Xô như Iraq và Syria cho đến khi một siêu cường mới xuất hiện thách thức họ. Tôi tin chắc rằng, một ngày nào đó chúng ta sẽ biết được chiến lược của Mỹ trong mối quan hệ với Ukraine từ những cuốn hồi ký nào đó. Tuy nhiên, lúc này các kế hoạch của Washington đã quá rõ ràng.

Có lẽ, họ không thể tha thứ cho chúng tôi đã đáp ứng yêu cầu của Mỹ và EU ủng hộ các thỏa thuận giữa Tổng thống Ukraine V.F. Yanukovych với phe đối lập để giải quyết cuộc khủng hoảng trong tháng 2 năm 2014? Tuy các thỏa thuận này nhận được bảo đảm của Đức, Pháp và Ba Lan nhưng đã bị những người đứng đầu cuộc đảo chính đẫm máu xóa bỏ ngay trong sáng hôm sau và đã làm bẽ mặt các nhà hòa giải Châu Âu. Trong khi đó, Phương Tây chỉ nhún vai và im lặng nhìn những kẻ đảo chính bắt đầu ném bom miền đông Ukraine-nơi người dân không chấp nhận kết quả cuộc đảo chính, còn những lực lượng tổ chức đảo chính đã tôn vinh những kẻ làm tay sai cho Đức Quốc xã từng phạm tội ác thanh lọc sắc tộc tàn bạo đối với người Nga, người Ba Lan và người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai là anh hùng dân tộc. Phải chúng tôi phải chấp nhận chính sách của chính quyền Kiev cấm hoàn toàn tiếng Nga trong giáo dục, truyền thông và văn hóa; chấp nhận yêu cầu của họ trục xuất người Nga ra khỏi Crimea và lãnh đạo cao nhất của chính quyền Kiev tuyên chiến với Donbass-nơi cư dân được chính quyền Kiev lúc bấy giờ và hiện nay coi “không phải người, mà là “sinh vật”?

Phải chăng Nga đã vi phạm lợi ích của Phương Tây khi đóng vai trò chủ chốt trong việc ngăn chặn các hành động thù địch do phe tân phát xít Kiev gây ra ở miền đông Ukraine và sau đó yêu cầu thực hiện tổng thể các biện pháp theo Thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua trong tháng 2/2015 nhưng đa bị Kiev xóa bỏ do nhận được sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ và EU?

Chúng tôi trong nhiều năm đã nhiều lần đề xuất thống nhất các quy tắc cùng tồn tại ở Châu Âu dựa trên nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt, được khẳng định ở cấp độ cao nhất trong các văn kiện của Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu (OSCE). Theo nguyên tắc này, không một quốc gia nào có quyền tăng cường an ninh của mình với cái giá phải trả là gây phương hại đến an ninh của các quốc gia khác. Chúng tôi đã đưa ra đề xuất lần cuối cùng về sự cần thiết phải đưa các thỏa thuận này thành ràng buộc pháp lý trong tháng 12 năm 2021 nhưng đã bị từ chối một cách ngạo mạn.

Do Phương Tây không chấp nhận thương lượng và do chính quyền Kiev vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại chính người dân của họ buộc chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, đồng thời khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ người Nga và các cư dân khác của Donbass, đồng thời loại bỏ mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi mà NATO đang tạo ra trên lãnh thổ Ukraine, sát biên giới Nga. Chiến dịch này được thực hiện theo các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ giữa Nga và các nước cộng hòa này trên cơ sở Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc. Tôi tin chắc rằng, ở vị thế của chúng tôi, bất kỳ quốc gia có chủ quyền và tự trọng nào cũng nhận thức được trách nhiệm đối với người dân của mình cũng sẽ hành động như vậy.

Lúc này, Phương Tây đã nổi cơn thịnh nộ về các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporozhye của Ukraine nhưng người dân sống ở đó chỉ phản ứng trước những gì mà người đứng đầu chính quyền Kiev V.A. Zelensky khuyến nghị họ trong một cuộc phỏng vấn trong tháng 8 năm 2021. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông khuyên tất cả những ai cảm thấy người Nga nên "rời đi" đến Nga vì lợi ích của con cháu họ. Cư dân của các khu vực vừa được đề cập lúc này đang làm theo lời khuyên đó và mang theo cả vùng đất của họ-nơi tổ tiên của họ đã sống trong nhiều thế kỷ.

Bất kỳ nhà quan sát thiếu khách quan nào cũng nhận thấy rõ là, đối với người Anglo-Saxon từng chinh phục Châu Âu, thì Ukraine chỉ là nguyên liệu tiêu hao trong cuộc chiến chống lại Nga. NATO tuyên bố đất nước ta chúng tôi là mối đe dọa trực tiếp trên con đường dẫn đến sự thống trị toàn cầu của Mỹ, đồng thời xác định Trung Quốc là thách thức chiến lược lâu dài. Ngoài ra, "Phương Tây tập thể" do Washington dẫn đầu đã phát đi tín hiệu đáng sợ đến tất cả các quốc gia khác, không có ngoại lệ, là bất kỳ ai dám làm trái lệnh đều có thể là kẻ tiếp theo.

Một trong những hậu quả của “cuộc thập tự chinh” của Phương Tây chống lại những quốc gia phản đối là sự suy giảm nhanh chóng các thể chế đa phương mà Hoa Kỳ và các đồng minh đang biến thành công cụ để thực hiện các lợi ích ích kỷ của họ. Họ đã áp dụng chủ trương này ở LHQ, Hội đồng Nhân quyền của LHQ, Tổ chức UNESCO và các cấu trúc đa phương khác. Trên thực tế, họ đã tư nhân hóa Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học. Họ đang ra sức ngăn chặn việc tạo ra trong khuôn khổ Công ước về vũ khí sinh học một cơ chế đảm bảo tính minh bạch của hàng trăm chương trình sinh học quân sự của Lầu Năm Góc trên khắp thế giới, bao gồm các khu vực dọc biên giới Nga và trên khắp Âu-Á. Các chứng cứ thực tế phát hiện được trên lãnh thổ Ukraine chứng tỏ các chương trình này không phải là vô hại.

Chúng tôi đã nhận thấy chủ trương ráo riết tư nhân hóa Ban Thư ký Liên hợp quốc, áp đặt cách diễn ngôn của chủ nghĩa tân tự do vào công việc cơ quan này mà bỏ qua tính đa dạng văn hóa và văn minh của thế giới hiện đại. Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đề nghị các quý vị chú ý, theo yêu cầu của Hiến chương Liên hợp quốc, cần đảm bảo tính đại diện công bằng về mặt địa lý của các quốc gia thành viên trong các cơ cấu của Ban Thư ký, tránh sự thống trị của một nhóm quốc gia.

Một tình huống không thể dung thứ đã nảy sinh xung quanh việc Washington không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận giữa Ban Thư ký và chính phủ Hoa Kỳ về nghĩa vụ của "nước chủ nhà" đối với các tổ chức trung tâm của Liên hợp quốc nhằm đảm bảo các điều kiện bình thường cho tất cả các nước thành viên sự tham gia công việc của LHQ. Các trách nhiệm tương tự cũng được giao cho Tổng thư ký. Không thể chấp nhận tình trạng trì trệ trong hoạt động này.

Chúng tôi không thể không lo ngại trước nỗ lực của các quốc gia riêng lẻ muốn làm suy giảm đặc quyền của Hội đồng Bảo an. Tất nhiên, cả Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc nói chung phải được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay. Chúng tôi thấy có triển vọng dân chủ hóa công việc của Hội đồng Bảo an và tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh điều này thông qua việc mở rộng đại diện của các quốc gia Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Chúng tôi đặc biệt lưu ý rằng Ấn Độ và Brazil là những quốc gia có vị thế quốc tế quan trọng và là những ứng cử viên xứng đáng cho vị thế thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời tăng cường vị thế của Châu Phi.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, điều quan trọng là tất cả các quốc gia thành viên dứt khoát khẳng định lại cam kết của mình đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc như là bước cần thiết đầu tiên hướng tới việc khôi phục trách nhiệm tập thể đối với số phận của nhân loại.

Chính vì mục đích này mà Nhóm những người bạn bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc đã được thành lập trong tháng 7 năm 2021 do Nga đồng sáng lập và hiện nay đã bao gồm khoảng hai chục quốc gia. Nhiệm vụ của Nhóm này là đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế, phản đối cách tiếp cận đơn phương có hại. Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai chia sẻ quan điểm này cùng tham gia. Trong bối cảnh đó, Phong trào không liên kết, BRICS, SCO, ASEAN có tiềm năng tích cực đáng kể.

Các đồng nghiệp Phương Tây trong khi nỗ lực áp đặt cách hiểu của họ về dân chủ như một mô hình tổ chức đời sống xã hội cho tất cả các quốc gia, nhất quyết không tuân theo các chuẩn mực dân chủ trong các vấn đề quốc tế. Một ví dụ gần đây là tình hình xung quanh Ukraine. Nga đã trình bày rõ quan điểm của mình trong vài năm. Phương Tây đã tuyên bố không đồng ý với quan điểm của Nga. Dường như các thành viên khác của cộng đồng thế giới nên tự quyết định vị trí của họ: theo bên này, theo bên kia, hay là trung lập. Dường như đó cũng là điều đang diễn ra trong các nền dân chủ, khi các chính trị gia đối lập bảo vệ quan điểm của họ và thuyết phục dân chúng, nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh lại không cho bất kỳ quốc gia nào lựa chọn. Họ đe dọa và trói tay bất kỳ ai dám có suy nghĩ độc lập. Họ đe dọa các quốc gia không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga. Họ đã không đạt được điều đó nhưng rõ ràng những hành động như vậy của Hoa Kỳ và các nước chư hầu của họ hoàn toàn không phải là dân chủ mà là độc tài thuần túy, chí ít là nỗ lực áp đặt chế độ độc tài.

Có một ấn tượng mạnh mẽ và rõ rằng Washington đã từng chinh phục các nước Châu Âu hiện nay đang cố gắng duy trì quyền bá chủ đang suy tàn của Mỹ bằng các phương pháp hoàn toàn bị cấm. Tất thảy các phương pháp ngoại giao được thay thế bằng các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với các đối thủ cạnh tranh mạnh về kinh tế, thể thao, không gian thông tin, giao lưu văn hóa và nói chung, trong lĩnh vực tiếp xúc giữa con người với nhau. Thí dụ vấn đề cấp visa cho các đại biểu tham dự các sự kiện quốc tế ở New York, Geneva, Vienna, Paris đều nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và ngăn chặn các quan điểm đối lập trong các cuộc thảo luận đa phương.

Tôi tin rằng, cần phải bảo vệ LHQ, thanh lọc tổ chức thế giới này khỏi mọi thứ đối đầu và áp đặt, khôi phục uy tín của tổ chức này như là nền tảng cho các cuộc thảo luận trung thực nhằm tìm sự cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên. Chính cách tiếp cận này đã định hướng cho chúng tôi trong việc thúc đẩy các sáng kiến quốc gia của mình tại LHQ.

Một điều quan trọng có tính nguyên tắc là đạt được lệnh cấm toàn diện đối với việc triển khai vũ khí trong vũ trụ-mục tiêu hướng tới của dự thảo hiệp ước quốc tế Nga-Trung đang được Hội nghị của Liên hợp quốc về giải trừ quân bị xem xét.

Nhiệm vụ bảo vệ không gian mạng đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt, bao gồm sự phối hợp trong khuôn khổ Nhóm công tác có thành phần mở của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các thỏa thuận cách thức đảm bảo an ninh thông tin quốc tế, cũng như soạn thảo công ước chung trong khuôn khổ Ủy ban đặc biệt của Đại hội đồng về chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mục đích phạm tội.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Văn phòng chống khủng bố và các cơ quan chống khủng bố khác của hệ thống Liên hợp quốc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển năng động các mối quan hệ giữa Liên hợp quốc với Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) nhằm phối hợp các nỗ lực trong không gian Đại Âu-Á.

Nga kêu gọi hành động tích cực hơn để hóa giải các xung đột khu vực. Chúng tôi coi các nhiệm vụ ưu tiên là khai thông bế tắc trong việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập; khôi phục nhà nước Iraq và Libya bị phá hủy bởi sự xâm lược của NATO; vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với chủ quyền Syria; thiết lập tiến trình hòa giải dân tộc bền vững ở Yemen và khắc phục di sản nặng nề do NATO để lại ở Afghanistan. Nỗ lực khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran ở dạng ban đầu, đảm bảo giải quyết công bằng và toàn diện các vấn đề của Bán đảo Triều Tiên. Nhiều tình huống xung đột ở Châu Phi đòi hỏi phải từ bỏ toan tính biến châu lục này thành chủ đề của "trò chơi có tổng bằng không" về địa chính trị; phối hợp nỗ lực của các quốc gia bên ngoài ủng hộ các sáng kiến của Liên minh Châu Phi. Tình hình đáng lo ngại ở Kosovo, Bosnia và Herzegovina-nơi Mỹ và EU đang ngoan cố theo đuổi nỗ lực phá hủy cơ sở pháp lý quốc tế của Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Thỏa thuận hòa bình Dayton.

Thưa bà chủ tịch

Trong thời đại của những thay đổi, con người thường tìm kiếm sự hỗ trợ và an ủi ở sự thông thái của những người đi trước mình đã từng trải qua không ít thử thách. Theo cách diễn đạt rất chính xác của cựu Tổng thư ký LHQ D. Hammarskjöld-một người từng chứng kiến tính chất khủng khiếp của Chiến tranh thế giới thứ hai: "LHQ được tạo ra không phải để đưa nhân loại lên thiên đường, mà để cứu nhân loại khỏi địa ngục". Những câu từ này có tính thời sự cấp bách hơn bao giờ hết, kêu gọi tất cả chúng ta nhận thức trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển an toàn và hài hòa của các thế hệ tương lai. Để làm được điều này, mọi người cần thể hiện bản lĩnh chính trị.

Chúng tôi đã sẵn sàng cho những hành động trung thực như vậy và tin chắc rằng sự ổn định của trật tự thế giới chỉ có thể được đảm bảo thông qua việc trở về cội nguồn chính sách ngoại giao của Liên hợp quốc dựa trên nguyên tắc luật pháp then chốt của nền dân chủ thực sự là tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia../.

Consulate General of the Russian Federation in Da Nang Báo Thế giới & Việt Nam Russian Foreign Ministry - МИД России Генеральное консульство России в г.Хошимине / TLSQ Nga tại tp HCM Русский Дом в Ханое/ Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội

 

Biên dịch: cựu Đại tá Lê Thế Mẫu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...