Các khái niệm:
-
Kế toán là việc đo lường, xử lý, truyền tải thông tin tài chính và
liên quan về các đối tượng kinh tế, như công ty, doanh nghiệp cũng như
hoạt động kinh doanh cá nhân và nhà nước. Nó đo lường hoạt động kinh tế và đưa thông
tin đến người sử dụng, bao gồm các nhà đầu tư, người và cơ quan quản
lý. Người làm công việc kế toán gọi là nhân viên kế toán hoặc kế toán
viên. Thuật ngữ "kế toán" hay hoạch toán, báo cáo tài chính… đôi khi
được sử dụng đồng nghĩa.
-
Tài khoản là đối tượng trong trao đổi, mua bán và thanh toán, nghĩa là
đối tượng của kế toán, ví dụ: một khoản vay, một lượng tiền, hay hàng
hóa. Một chương mục tiền gửi của cá nhân, tổ chức trong ngân hàng cũng
gọi là một tài khoản.
Như
vậy, Kế toán là phương pháp, cách thức đo lường, xử lý các đối tượng kế
toán. Còn Tài khoản là đối tượng của kế toán. Trong tiếng Anh, tài
khoản (account) là tên chung với kế toán, tính toán tài chính hay sổ
sách kế toán. Một người dùng đăng ký trên Google hay Facebook cũng gọi
là một tài khoản.
Và
như đề cập ở dưới, “Hệ thống kế toán quốc gia - System of National Accounts 2008 (2008 SNA)” vẫn bị dịch nhầm lẫn thành <Hệ thống tài
khoản quốc gia> nghe như thể khoản tiền gửi nhà nước trong ngân hàng
quốc tế!?
Các
thuật ngữ, khái niệm cơ bản như vậy vẫn bị sử dụng và giảng dạy lẫn lộn
trong các trường ĐH, thử hỏi, những vấn đề phức tạp hơn nhiều, được xây
dựng bên trên các khái niệm này sẽ ra sao?
***
Nếu
sống vào vài thập kỷ trước, có thể ai đó đã nghe câu này trong báo cáo
tổng kết cuối năm: sản xuất X triệu tấn thép, Y triệu tấn thóc… Cứ thế,
tiếp tục là máy cày, máy kéo, điều, cà phê… Một bản báo cáo như vậy dài,
nhiều con số khó nhớ.
Thời
này, theo chuẩn mực phương Tây, không còn con số như vậy nữa. Tất cả
được qui thành tiền. Thu nhập của cả một nước, tính bằng tiền gọi là
“Tổng sản phẩm nội địa - Gross domestic product hay GDP” và số tiền năm
nay trừ đi năm trước theo % gọi là Tăng trưởng kinh tế!
Năm
qua, nghe nói Tăng trưởng kinh tế 2,9% nhất thế giới! Khó có ai được
xem Tổng cục Thống kê nhà nước tính toán ra con số này như thế nào. Họ
cũng không có thời gian, hay đủ trình độ để hiểu biết. Nói chung, Tín
điều chồng lên tín điều, Tây hay Ta thì cũng là chế độ Tôn giáo, tồn tại
trong niềm tin tín ngưỡng. Các giáo dân chỉ còn cách vỗ tay hoan hô.
Tôi
không tin con số tăng trưởng GDP 2,9% hay 0% hay âm%, trừ khi được các
số liệu và cách tính thuyết phục. Đó là vấn đề nguyên tắc!
***
Khi
mới nhận chức, Phó Ttg Vương Đình Huệ thậm chí có bài đăng báo, bài báo
nói rằng: tồn tại 2 cách tính toán thống kê GDP khác nhau, khiến lãnh
đạo không biết căn cứ vào đâu để điều hành quản lý đất nước.
Có
năm, tỉnh nào cũng báo cáo GDP 2 con số, nhưng GDP cả nước chỉ 1 con số
và thuộc top thế giới. Hay tỉnh nọ có một cảng, tỉnh đó tính toàn bộ
hàng hóa xuất khẩu vào GDP của tỉnh mình.
Hoặc
tỉnh khác, ngang nhiên lấy thu nhập của doanh nghiệp FDI làm thu nhập của
mình, họ không hiểu thế nào là “nội địa”, thậm chí ai đó tự hào hàng
chữ “Made in Vietnam” trên chiếc đt Samsung là thương hiệu Việt, họ quá
thấp kém để đọc được 1 trang tiếng Anh văn bản WTO để hiểu qui định xuất
xứ là như thế nào.
Tất
cả những vấn đề bất cập và như thể thành tích này cũng vẫn chỉ là vấn
đề phương pháp tính hay hình thức, chưa phải là những vẫn đề tồn tại nội
trong GDP.
Và
mục đích của bài viết này là để hiểu tính khách quan/chủ quan của chỉ
số GDP, khi nó ngày càng được sử dụng rộng rãi để đo lường phát triển
kinh tế và phúc lợi xã hội.
***
Chắc
chắn, GDP vẫn là công cụ quan trọng để đo lường phát triển kinh tế.
Nhưng nói ngay, đo lường nền kinh tế - một thực thể rất phức tạp bằng
một chỉ số GDP không khác gì thi hoa hậu bằng số đo vòng 1. Chả lẽ vòng
một 1,5 mét, hay 2 mét là hoa hậu!?
Cũng chắc chúng ta đã nghe: GDP thực của Trung Quốc đã vượt Mỹ! Hay tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực châu Á đã chậm lại...
Thật
vậy, GDP thể hiện quy mô của nền kinh tế, và tương ứng theo nó là số
lượng công ăn việc làm và thu nhập của mỗi người dân, cũng như mức sống
và khả năng, tiềm lực kinh tế nói chung. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu
thừa nhận: chỉ số GDP có bản chất chủ quan, không thể qui đổi sang các
hệ đo lường khách quan khác của nền kinh tế. Do đó, khá dễ hiểu tại sao
kể từ lần công bố số liệu GDP chính thức đầu tiên vào năm 1942 cho đến
này, cũng là lúc khởi đầu một làn sóng chỉ trích không ngừng về khái
niệm này. Thước đo quy mô và sự phát triển kinh tế xã hội bằng GDP mang
tính không hoàn hảo. Ngày nay, với nền kinh tế mở, giao thương, quan hệ
phức tạp với cả thế giới cùng quá trình chuyển đối số - GDP còn là chủ
đề tranh luận, bàn cãi sâu rộng hơn nữa trong giới nghiên cứu, trong
cộng đồng khoa học.
***
Trước tiên là khái niệm GDP, sử dụng khái niệm của Hệ thống kế toán quốc gia 2008 (2008 SNA):
Mục
2.138 – Cơ bản, GDP bắt nguồn từ khái niệm giá trị gia tăng. Tổng giá
trị gia tăng là phần chênh lệch giữa giá trị sản phẩm và tiêu dùng trung
gian. GDP là tổng giá trị gia tăng của tất cả các đơn vị sản xuất bản
địa cộng với phần (có thể là toàn bộ) thuế trên sản phẩm, ngoại trừ trợ
cấp.
Mục
2.139 - Tiếp theo, GDP cũng bằng tổng giá trị sử dụng cuối cùng của
hàng hóa và dịch vụ (tất cả các mục đích sử dụng trừ tiêu dùng trung
gian) được đo lường theo giá của người mua, trừ đi giá trị nhập khẩu của
hàng hóa và dịch vụ.
Mục 2.140 – Tiếp theo, GDP cũng bằng tổng thu nhập chính, phân bổ ở các đơn vị sản xuất bản địa.
Một
định nghĩa học thuật hơn được viết như sau: “Tổng sản phẩm quốc nội là
tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ sản xuất trên
lãnh thổ đất nước trong vòng một năm” (Kinh tế học: nguyên tắc, vấn đề
và chính trị - McConnell, Brue, Flynn).
Như
vậy, đối với doanh nghiệp FDI, giá trị sinh ra trên lãnh thổ VN vẫn
được tính vào GDP. Tuy nhiên, như ví dụ với chiếc đt Samsung, nó là giá
xuất khẩu trừ đi giá trị nhập khẩu của hàng hóa và dịch vụ (linh kiện,
phần mềm, v, v) và còn thêm chuyển lợi nhuận của họ về chính quốc theo thỏa thuận bảo hộ đầu tư, luật đầu tư nước ngoài và các qui định khác.
Chúng ta đang nói về bất cập của chỉ số GDP, một vấn đề phương pháp luận.
Hãy
xem xét 2 vấn đề bất động sản và nhà ở từ 2 nước: Triều Tiên và Việt
Nam. Ở Triều Tiên, nhà được xây và phân phối miễn phí, hoặc giá tượng
trưng – nói cách khác, nó không phải là hàng hóa. Tương tự là các lĩnh
vực khác như y tế, giáo dục. Do đó, GDP của Triều Tiên là thấp và không
phản ánh mức sống thật của họ.
Với
Việt Nam, tình hình khác biệt 180 độ. Bất động sản và nhà ở được định
giá rất cao, nó được tính vào GDP. Trong những năm qua, tiền tệ hóa lĩnh
vực này đã đi vào thu nhập của một bộ phận hoạt động bất động sản với
con số khổng lồ, đóng góp % cao trong GDP, nhưng nó cũng không phản ánh
mức sống thật của đại bộ phận dân chúng. Ngược lại, nó tác động tiêu cực
đến tất cả, từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng vốn đầu tư, và ngay
cả ly cà phê chúng ta uống, bát cơm ta ăn hàng ngày.
***
Tất cả hết nợ, một câu chuyện hài hước:
Trong một thị trấn kia, thời buổi kinh tế khó khăn, ai cũng nợ nần tùm lum.
Một
hôm, có ông khách du lịch ghé qua. Ông ta vào khách sạn duy nhất trong
thị trấn, đặt một tờ 100 USD lên mặt quầy tiếp tân và đi lên chọn phòng.
1. Người chủ khách sạn cầm lấy tờ 100 USD và chạy đi trả nợ cho người bán thịt.
2. Người bán thịt cầm tờ 100 USD và chạy đi trả nợ cho người nuôi heo.
3. Người nuôi heo cầm tờ 100 USD, đi trả nợ cho nhà cung cấp thức ăn.
4.
Nhà cung cấp thức ăn cầm tờ 100 USD và chạy đi trả nợ cho cô gái làng
chơi của thị trấn, mà trong thời buổi khó khăn đó đã phải cho khách hàng
“chơi” chịu.
5.Cô
gái chạy tới khách sạn và trả nợ 100 USD cho người chủ khách sạn vì
những phòng mà cô ta đã thuê khi đưa khách của mình đến.
6. Người chủ khách sạn khi đó lại đặt tờ 100 USD lên mặt quầy để vị khách du lịch không ngờ vực điều gì.
Đúng
lúc đó, sau khi kiểm tra phòng, người khách đi xuống, cầm lấy tờ 100
USD, bảo rằng ông ta không thích phòng nào cả rồi rời khỏi thị trấn.
Không
ai kiếm được tí tiền nào. Tuy nhiên, cả thị trấn giờ lại không bị nợ
nần và cực kỳ lạc quan khi nhìn về viễn cảnh tương lai.
Và cơ quan thống kê sẽ tính GDP của thị trấn nay là: 600$… và tốc độ tăng trưởng kinh tế là: 600% nữa chứ…
Trên
đây chỉ là câu chuyện hài hước. Nhưng nó nói 1 điều sâu xa: đầu tư và
dòng chảy tài chính giúp hoạt động kinh tế và lưu thông suôn sẻ, nhưng không
chắc đã tạo ra sản phẩm, hay thu nhập của dân cư. Tương tự liều thuốc
bổ, không phải lúc nào cũng nâng cao sức khỏe cho người uống nó.
***
Vấn
đề thứ nhất: Đối với ngành y tế, giáo dục hay các lĩnh vực phi lợi
nhuận hoặc bao cấp, “2008 SNA” cũng đưa ra cách tính toán, khuyến nghị
rằng, ước tính theo chi phí của chúng, cộng với việc tiêu thụ vốn cố
định. Tuy nhiên, đây là lỗ hổng, phương pháp tính toán này hoàn toàn bỏ
qua giá trị thực tế và những thay đổi trong hiệu quả tổ chức, và do đó
đánh giá thấp tốc độ tăng trưởng GDP trong lĩnh vực này. Trong tình
trạng như vậy, con số GDP sẽ méo.
Vấn
đề thứ hai là việc hạch toán hàng hóa của các hộ sản xuất, hay khối
nông nghiệp, những người tự trồng lúa, nuôi gà và mỗi năm, chỉ ra chợ
mua bán vài lần. Làm thế nào để kế toán danh mục này? Và có cần phải
tính toán đến nó hay không? Liệu có nên qui đổi phúc lợi hộ gia đình
sang hàng hóa mua bán trên thị trường? Tất nhiên, đây là một vấn đề gây
tranh cãi. Nhưng rõ ràng, khoa học kế toán thống kê thế giới không có
những công cụ cần thiết để tính toán điều này.
Vấn
đề tiếp theo nằm ở việc xác định khái niệm "chỉ số", như là sự phản ánh
trạng thái của một thứ gì đó. Đồng thời, đừng nhầm lẫn giữa phản ánh
với trạng thái. Bản tính con người quen với cách làm việc trên chỉ số,
do đó, sự thay thế các khái niệm thường xảy ra khi thiết lập mục tiêu.
Giới lãnh đạo, bị thúc đẩy bởi mục tiêu ‘tốt’ là phát triển kinh tế, tạo
công ăn việc làm và cải thiện môi trường kinh tế xã hội - thường đặt ra
cho mình mục tiêu tăng trưởng GDP. Hoặc, họ thực hiện các so sánh khác
nhau trong nền kinh tế, sử dụng một số chỉ số bằng cách này hay cách
khác gắn với GDP (ví dụ: GDP tính theo PPP, GDP bình quân đầu người,
v.v.).
Thật
không may, có nhiều cách để tăng trưởng GDP, chẳng hạn như chặt hết
rừng của đất nước và bán chúng để xuất khẩu, bán ruộng làm đất nền BĐS... sẽ dẫn đến một bước nhảy vọt
đáng kể trong GDP, hay đơn giản hơn là in tiền, cho vay đầu tư, tiêu
dùng… Nhưng theo lẽ thường, sẽ có rất nhiều hệ quả tiêu cực xảy ra sau
đó. Sự ra đời của các công nghệ đột phá cũng có thể dẫn đến một bước
nhảy vọt về chỉ số này. Các ví dụ trên minh họa cho thực chất của một
vấn đề khác do GDP không phân biệt giữa cách tiếp cận mở rộng và chuyên
sâu, hay nói cách khác, nó không phản ánh hiệu quả của nền kinh tế (vốn
đầu tư), mà lại thường được các chính trị gia sử dụng.
Ở
đây trước khi đưa ra 1 ví dụ cụ thể, chúng ta cần dẫn lại câu này:
“Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra vào giữa thế kỷ 20 đã làm
nảy sinh nhân tố mới của sản xuất - tiến bộ khoa học và công nghệ, nó
sớm trở thành nhân tố chính tạo ra tăng trưởng kinh tế. Giá trị thặng dư
bắt đầu được hình thành ở mức độ lớn từ trí tuệ do sự ra đời của công
nghệ mới, hơn là từ bóc lột lao động làm thuê.”
Ví
dụ này không khác gì câu châm ngôn điển hình: Cách chúng ta tiêu tiền
tác động ngay đến tương lai của chúng ta. Giả sử ta có 100 tỷ, với 2
cách: Một là đầu tư phát triển công nghệ sản xuất. Hai là xây trụ sở.
Rõ ràng, thuần túy và duy nhất chỉ số GDP trong ví dụ này là vô cùng sai lầm. Cả 2 cách đầu tư đều làm tăng GDP trong ngắn hạn. Nhưng trong dài hạn, chỉ có cách 1 mới dẫn đến tăng trưởng lâu dài, còn cách 2 là con đường cụt. Nói cách khác, GDP hay con số tăng trưởng của nó là một chỉ số khá yếu về hiệu quả, và do đó sử dụng GDP tách biệt với các chỉ số kinh tế vĩ mô, các yếu tố khác là vấn đề!
Không
phải là trong thập kỷ qua, cách 1 không được giới lãnh đạo chú trọng,
nhưng đáng tiếc làm đâu thua đó. Một số đại dự án bị gọi là tham
nhũng, thất thoát! Không, phải gọi là phá hoại mới đúng.
Chúng
ta đặt câu hỏi và cũng tự trả lời: Tại sao vốn vay như ODA cho các nước
thế giới thứ 3 đều nhằm vào hạ tầng mà không trực tiếp phát triển sản
xuất?
Bên
cạnh đó, cách chúng ta đầu tư (cách tiêu dùng) cũng là vấn đề tác động
đến phân phối thu nhập trong nền kinh tế. Chẳng hạn, rất nhiều, không
muốn nói là hầu hết các “đại gia” mới nổi đều trong lĩnh vực bất động
sản, tài chính-ngân hàng và hiếm có ở khối sản xuất. Sự phát triển tiếp
theo sẽ lại đi theo con đường khá gay gắt trong hàng thập kỷ qua: gia
tăng bất bình đẳng và phân tầng xã hội. Có thể thấy rõ rằng trong 30 năm
qua, tài sản 10% giàu nhất ở Mỹ vẫn tăng đều đặn, bất chấp khủng hoảng
hay phá sản.
Nói
cách khác, tăng trưởng GDP như quan sát được ở Mỹ trong hơn 30 năm,
thực tế không tác động đến phúc lợi của hơn một nửa dân số Mỹ. Tình hình
tương tự ở VN, bất chấp đổi mới hay phát triển, cuộc sống của bộ phận
dân chúng nghèo nhất (trong nông nghiệp và vùng sâu vùng xa) thay đổi
không nhiều.
Như
một kết luận: GDP không phải là thước đo tốt nhất để đánh giá trạng
thái bên trong của nền kinh tế. Gia tăng khoảng cách thu nhập, sự phân
tầng mạnh mẽ về thu nhập kéo theo nhiều vấn đề xã hội, chẳng hạn như:
không thể có được một nền giáo dục hay y tế chất lượng cho các tầng lớp
nghèo, gia tăng căng thẳng xã hội, bùng phát bất mãn, phản đối, v.v.
Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang trên đường ray CNTB.
Trên
thực tế, tổng sản phẩm quốc nội GDP phản ánh những gì mà tác giả của
nó, Simon Kuznets đưa ra vào năm 1934 - giá trị tiền tệ của tất cả hàng
hóa được sản xuất ở một quốc gia cụ thể trong thời kỳ một năm. Vấn đề là
ở chỗ người dân và đặc biệt là các chính trị gia đánh giá quá cao ý
nghĩa của chỉ số này, coi đó là mục tiêu chính của sự phát triển và phản
ánh tình trạng kinh tế của nhà nước – trong khi bỏ qua những yếu tố,
khía cạnh quan trọng khác của nền kinh tế.
***
Cũng
đã có một số ý tưởng tìm kiếm các chỉ số hoàn hảo hơn đo lường sự phát triển
kinh tế và xã hội, hay các lựa chọn thay thế cho GDP, ví như chỉ số về
thu nhập và sự chênh lệch giàu nghèo trong dân số, hay chỉ số phức tạp
hơn như Chỉ số Phát triển Con người, Chỉ số Chất lượng Cuộc sống và thậm
chí là Chỉ số Hạnh phúc.
Vấn
đề chủ yếu là giới lãnh đạo cần hiểu được mục tiêu mà họ theo đuổi:
tăng GDP hay cải thiện đời sống của nhân dân là khác nhau và không tương
đồng.
Nếu
mục tiêu là cải thiện đời sống nhân dân, thì hệ thống đường dẫn và các
chỉ số hoạt động nên được sửa đổi để phản ánh chính xác hơn mức độ hài
lòng của người dân đối với cuộc sống của họ. Điều đó có nghĩa là nền
kinh tế lấy con người làm trung tâm, chứ không phải nhằm mục đích tạo ra
tăng trưởng GDP cho nền kinh tế.
Một
cụm từ trong bài báo của David Pilling "GDP đã phát triển nhanh hơn
việc sử dụng nó chưa?" trên tờ Financial Times viết: “GDP có thể đã lỗi
thời và gây hiểu lầm. Nó có lẽ đã thất bại hoàn toàn trong việc nắm bắt
những đánh đổi phức tạp giữa hiện tại và tương lai, giữa lao động và
giải trí, giữa tăng trưởng "tốt" và tăng trưởng "xấu". Tuy nhiên, đức
tính tuyệt vời của nó vẫn là ở chỗ nó có một con số cụ thể và duy nhất.
Trong thời điểm hiện tại, chúng ta có lẽ đã bị mắc kẹt với nó."
Tham khảo:
1. McConnell, Brue SL, Flynn | Economics: principles, problems and politics;
2. System of National Accounts 2008 (SNA 2008). - EC, IMF, OECD, UN, WB;
3. Stiglitz, Sen A., Fitoussi | Misjudging Our Lives: Why Doesn't GDP Make Sense?
4. Dobbs, Manyika, Remes, Woetzel | Is GDP the best measure of growth? - McKinsey Global Institute. - January, 2015;
5. Pilling D. | Has GDP outgrown its use? - Financial Times, July 4, 2014;
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét