Huyền thoại tình báo Trần Quốc Hương và cái bắt tay lịch sử với người em cùng cha khác mẹ của Hồ Chủ Tịch


Trong chuyến viếng thăm, ông cũng tâm sự đôi điều về hoạt động tình báo, cũng như về tính chất con người anh em nhà họ Ngô.



CHUYẾN VIẾNG THĂM LỊCH SỬ…

Thật là một nhân duyên hiếm có, ngày hôm nay 10/09/2016, chùa Phật Quang đã đón tiếp một nhân vật lịch sử đặc biệt, bác Mười Hương – NGƯỜI THẦY CỦA NHỮNG NHÀ TÌNH BÁO HUYỀN THOẠI.




Bác Trần Quốc Hương (bác Mười Hương) tên thật là Trần Ngọc Ban – hay còn được gọi là “người lính không cầm súng”, là một cán bộ tin cậy của Đảng, đã có những năm tháng làm công tác Đội, lo bảo đảm an toàn khu cho Thường vụ Trung ương, và là người đầu tiên giúp việc cho Tổng bí thư Trường Chinh. 

Năm 1948, cuộc chiến tranh chống Pháp ở vào thời điểm ác liệt, cam go nhất, Bác Hồ và Trung ương Đảng thấy cần phải có những chiến sĩ dũng cảm, trung kiên, có trí tuệ thông minh, có khả năng độc lập ứng phó trong mọi tình huống để tung vào lĩnh vực thầm lặng, luồn sâu, áp sát đội hình địch, nắm dược những kế hoạch và tình hình chiến sự ở mặt trận, gửi về kịp thời giúp cho Bộ tham mưu chỉ huy tác chiến. Lần thứ nhất, trước khi trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng cho bác Mười Hương, Bác Hồ đã đặt cho bác Mười Hương tên gọi mới là “Trần Quốc Hương” với lời dặn ân tình: “Công tác độc lập trong lòng địch, nhưng dù có đi đâu, đến đâu, Tổ quốc với quê hương vẫn luôn ở bên mình, Chú hãy nhớ từ nay mang tên mới – Trần Quốc Hương”.

Ngay từ buổi phôi thai mới thành lập ngành tình báo Việt Nam, bác Mười Hương đã có cách nhìn người chuẩn xác để giao loại nhiệm vụ đặc biệt này. Bác đã có kinh nghiệm chỉ huy các mạng lưới tình báo chiến lược trong lòng địch.

Cả cuộc đời đi theo cách mạng, từ năm 1937 (khi mới 13 tuổi) đến nay, xuyên suốt hai cuộc chiến tranh với hai đế quốc lớn, dân tộc Việt Nam đã giành chiến thắng, nhà chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương và những người đồng đội được bác trực tiếp chỉ huy, không một ai cầm súng. 

Phương châm chỉ đạo của bác theo truyền thống lịch sử dân tộc: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. 

Tình báo của các nước mạnh, họ được đào tạo thành những điệp viên điêu luyện, có vũ khí, máy móc tối tân và có bàn tay thép. Còn tình báo Việt Nam là những người có trái tim yêu nước nồng nàn cùng với lửa nhiệt tình cách mạng, có trí tuệ thông minh, có lòng nhân từ và sự bao dung đối với kẻ thù khi chúng đã cùng đường, thua trận. 

Đúng như bác Mười Hương đã nói: “Tình báo Việt Nam lấy văn hóa bản địa để cảm hóa và chiến thắng quân thù.”


Cho đến hôm nay, bác Mười Hương đã 95 tuổi nhưng bác vẫn điềm đạm, khoan thai, gần gũi và vô cùng minh mẫn. Những người chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình đã lặng lẽ làm nên những việc phi thường mà tên tuổi của họ có khi cả đời vẫn mai danh ẩn tích!


Sau lời chào hết sức thân mật của bác Mười Hương, Thượng tọa Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã đáp lại bằng những lời lẽ rất chân tình: 

“Kính thưa bác Trần Quốc Hương, chúng con là lớp hậu thế, vào lớp tuổi như con đã đi qua chiến tranh, nhưng những để tử của con thì hầu hết là sinh ra trong thời bình, nên sự hiểu biết của các em về chiến tranh chỉ là qua việc đọc lại những sách lịch sử. Các cháu theo con xuất gia làm đệ tử bởi vì các cháu chọn đường lối của chùa Phật Quang chúng con là yêu nước, yêu đạo, đạo Pháp trong dòng chảy quê hương, theo đúng phương châm Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội. Khi các cháu theo con xuất gia, các cháu cũng có tình yêu nước nồng nàn. Ngoài việc tu tập, đi tìm tâm linh giải thoát cao siêu, thì trong cuộc sống thực tế hiện tại, lúc nào các cháu cũng phải nguyện lòng yêu nước, cống hiến, phụng sự những điều gì tốt đẹp cho đất nước trong khả năng của mình. Nên chùa chúng con trong nhiều năm qua, trên khía cạnh tinh thần, chúng con đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa để đóng góp cho đất nước, quê hương như: dạy dỗ, phổ biến đạo đức cho mọi người, cho thiếu nhi, thanh niên; nhiều hoạt động từ thiện, nhiều công tác giáo dục hỗ trợ cho Giáo hội; nhiều việc để gắn kết giữa đạo Pháp và dân tộc: Phật tử của con lúc nào cũng đến các nghĩa trang liệt sĩ để cầu siêu cho các anh em liệt sĩ, nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh Hùng, chùa con Tết nào cũng đi thăm bộ đội biên phòng để nói lên tình quân dân và tấm lòng của người con Phật là luôn thương nhớ, thương tưởng đến các anh bộ đội v.v… 

Nổi lên trong đất nước mình có một vài huyền thoại mà chúng con không được quyền không biết. Bác Hồ hay bác Võ Nguyên Giáp là hai biểu tượng sống động và gần gũi, nhưng chúng con còn có một huyền thoại là bác Mười Hương. Chúng con có thể ngưỡng mộ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Tư Cang, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, và thật nhiều nữa… nhưng phía sau lưng những nhà tình báo lỗi lạc đó, người đã có đóng góp lớn lao cho cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc đó, chính là cái bóng lớn của bác Mười Hương đã che hết tất cả, bác chính là Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại.

Trong các huyền thoại lịch sử của đất nước, từ thời chống Pháp, chống Mỹ, tới ngày hôm nay đất nước ta được như thế này, chúng con có những huyền thoại vô cùng đẹp như thế. Con không được gặp Bác Hồ, bác Trường Chinh, bác Lê Duẩn, nhưng con đã may mắn được gặp bác Võ Nguyên Giáp. Và ngày hôm nay, chùa chúng con được vinh dự đón tiếp một huyền thoại còn sống của đất nước nữa, đó là bác Trần Quốc Hương – bác Mười Hương – một con người nhỏ nhắn, nền nã, hiền lành, hiếu hòa, khiêm tốn, lễ giáo, lễ nghĩa, sâu sắc, cảm thông, nhẹ nhàng, đĩnh đạc, điềm đạm đúng với tính cách nhân sĩ của Bắc Hà. Nghĩa là mọi tinh hoa của miền Bắc đều tập trung nơi bác, và bác cũng rất khôn ngoan, thông minh, chứ không phải hiền lành, điềm đạm rồi nhu nhược. Trong con người này, trong trái tim này, trong khối óc này, có thép có lửa rực cháy ở bên trong. Nên đối trước quân thù, bác không bao giờ sợ hãi và không bao giờ khờ dại. Bác đã rất khôn ngoan, biết đấu tranh bảo vệ sự sống của mình để chiến đấu tiếp. Không những thế, bác còn bảo vệ được đồng đội, bảo vệ được danh dự của cách mạng. Tức là khi kẻ thù đã gặp bác rồi, họ không được quyền coi thường cách mạng, mặc dù lúc đó bác đang là tù nhân của họ. Đó là bản lĩnh của con người nhỏ nhắn mà Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn phải khâm phục. Bắt được bác rồi mà họ nói: “Những lời của tên này đáng cho anh em ta phải suy nghĩ.” Nghĩa là con người nhỏ nhắn, điềm đạm ngay trước mặt chúng ta mà hôm nay chúng ta đang được chiêm ngưỡng: đôi mắt nhìn sâu xa, hiền lành, điềm đạm, nhưng chứa trong đó không biết bao nhiêu tinh hoa của dân tộc. Sự chiến đấu của dân tộc ta trong suốt bao nhiêu thế kỷ đã kết tinh nơi những con người như thế này, và bác là một đại diện. Bác là niềm cảm hứng muôn đời cho con cháu chúng con noi theo để chúng con yêu quý, giữ gìn đất nước này.

Hôm nay, ngày 10 tháng 9, chùa Phật Quang chúng con được vinh dự đón bác Trần Quốc Hương về thăm, chúng con xem đây như là một điều hạnh phúc lớn của mình, vì bác đã tuổi cao, sức yếu, vậy mà bác đã nể tình chùa, cất công khó nhọc vất vả để về đây thăm chùa Phật Quang chúng con. Niềm hạnh phúc này không có gì có thể bày tỏ được. Chúng con nguyện ghi khắc ân tình này và để nhớ ơn bác, nhớ ơn các bậc tiền bối, chúng con xin nguyện một đời ráng tu hành tinh tấn, đóng góp, cống hiến trên lĩnh vực của mình về tâm linh, về đạo đức cho đất nước này, góp một phần nhỏ bé vào cộng đồng dân tộc này, nối tiếp truyền thống của các bác, để cho đất nước này mãi phát triển và hưng thịnh. 

Con muốn tặng bác một bài nhạc do con sáng tác: “Nếu không có người”. Bài đó con viết để ca ngợi những người sau Bác Hồ, vì lúc đó con nghĩ rằng, nếu bác Hồ mất rồi mà nếu không có những con người siêu việt như bác thế này, thì đất nước này cũng không thể tồn tại được. Nên con dùng cái tựa là “nếu không có người”. Nếu không có những người kế tiếp theo sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ thì đất nước này không có ngày hôm nay.” 

Những lời nhạc da diết cất lên:

“Ánh sao sáng ngời, cờ Tổ quốc bay giữa trời, nếu không có người để gìn giữ bao tháng ngày, sẽ không có được nhiều niềm vui tràn sông núi. Nói sao hết lời để gửi đến bao tình thương… Xin ghi khắc ơn người, thương ai những đêm dài, đôi vai vẫn mang nặng, trải lòng cho nước non… Vì ngày nay đi qua khó khăn, có bóng trăng soi nghiêng cha già, cả tình yêu dâng cho sông núi, bỗng hóa thành ánh sáng trời xa…”

Sư Phụ nói: “Trong bản nhạc này, đối với chúng con, ngoài Bác Hồ ra thì những người như bác Mười Hương cũng được xem như những vị cha già dân tộc. Trong lời nhạc vừa rồi, bởi vì trong từng bước đi có cha già dõi theo đàn con, thì những người như bác, đối với dân tộc này, thực sự như một người cha. Sau Bác Hồ còn có những vị lão thành cách mạng như bác, thực sự những người đó cũng dày công lắm. Nên chúng con cũng xin kính biếu bác bài nhạc này.”

Tiếp lời, Bác Mười Hương kể lại một câu chuyện rất cảm động. Hồi đó, bác nằm trong danh sách 200 người bị cột dây đem ra biển thả. Ngô Đình Khôi mới nói: ‘Đừng giết con người này.’ Vì nể phục bác, nên Ngô Đình Khôi cứ giam bác đến năm 1963 (đảo chánh Diệm) mới thả ra. Bác Hồ là người rất tin và hiểu bác Mười Hương, Bác Hồ hiểu rằng con người này không phải khuất phục trước kẻ thù, mà chỉ vì bác phải khéo léo để tồn tại mà chiến đấu. Chính vì vậy, ngay sau đó, Bác Hồ đã trọng dụng bác Mười Hương và bác tiếp tục chỉ đạo hệ thống tình báo trở lại. 

Trong hồ sơ lưu lại của Diệm mà mình tìm ra được, trong đó ghi rất rõ về bác Mười Hương là không khai báo gì. Mà khi người hỏi cung đến gặp bác, thì bác nói là: “Các ông biết tôi là người cộng sản, mà người cộng sản bị bắt thì không khai.” Chúng hành hạ bác đủ cách gì bác cũng không khai. Bác thẳng thắn nhận mình là cộng sản và bác đấu tranh với họ, chứ không hề khiếp nhược, lo sợ. Bác nói: “Người cộng sản có phẩm chất cao đẹp, vì các ông nghĩ người cộng sản xấu xa, các ông kết tội vậy nên các ông bắt tôi là đúng rồi, không có gì phải cản. Nhưng cộng sản rất cao đẹp, tôi tự hào, tôi tin tưởng nên tôi đi theo. Còn các ông chỉ biết gán cho chúng tôi rằng cộng sản xấu xa, là sai.” Bác đấu tranh với họ trong tù như vậy mà họ rất nể phục bác. Chính vì họ nể nên bác đã được sống, chứ nếu họ coi thường, có khi bác đã bị giết rồi. Người có thái độ khiếp nhược, có khi bị giặc giết mất. Còn bác, chính vì họ nể bác nên họ không giết. Bác đấu tranh trong chính trị nhưng lại thể hiện thái độ hết sức là quân tử.

Bác Mười Hương cũng tặng Sư Phụ một cuốn sách viết về cuộc đời bác của nhà văn Chu Thị Phương Lan, tựa là “Người lính không cầm súng” - Tác phẩm đạt giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2015.

Tiếp theo, Sư Phụ tặng đoàn bác Mười Hương một số sách, và mời đoàn dùng bữa cơm chay thân mật.

Sau khi dùng bữa cơm chay thân mật với chùa, bác Mười Hương cùng phu nhân chụp hình lưu niệm với Sư Phụ Trụ trì và toàn thể Tăng Ni, Phật tử Chùa Phật Quang. Chúng Thanh Niên Thành Phố Hồ Chí Minh được may mắn, ưu tiên chụp hình riêng với bác rất nhiều tấm hình lưu niệm. Những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay đầm ấp giữa đoàn bác Mười Hương với Sư Phụ, và Tăng Ni chùa Phật Quang trước lúc ra về thật cảm động và ấm tình quân dân…


Một trận mưa lớn đổ xuống ngay sau khi xe đoàn bác Mười Hương chuyển bánh. Phải chăng đất trời cũng cảm động về chuyến viếng thăm lịch sử này? ...

3 nhận xét:

  1. Quả đúng là "Chân mệnh thiên tử". Người âm thầm trong bóng tối vẫy vùng với thế lực u ám. Kẻ ngoài ánh sáng tận tuỵ lao tâm lao lực dựng xây một loài người mới.

    Âm và Dương. Cả hai hỗ tương lẫn nhau, để gãy nên khúc ca Chủ Nghĩa Xã Hội (chân chính) đầy đạo đức, nhân văn và hạnh phúc. Chứ không phải thứ Chủ Nghĩa Xã Hội phiến diện, cực đoan, ấu trĩ như những ai đó đã "tiên đoán" và theo đuổi ở thế kỉ XIX, XX.

    Trả lờiXóa
  2. Bài này có một chỗ sai: "Vì nể phục bác, Ngô Đình Khôi cứ giam cho tới năm 1963...". Ngô Đình Khôi (anh của Ngô Đình Diệm đã chết hồi năm 1945), còn đâu nữa mà bảo em ông ta không giết ông Trần Quốc Hương?
    Ông Trần Quốc Hương lớn tuổi nhớ nhầm hay người viết sai? Nên sửa lại để khỏi bị người đọc hiểu biết thấy điều này sai, nghi ngờ điểm khác. Tôi nghĩ là Ngô Đình Thục mới khiển được Diệm và Nhu làm như vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn thử nghe lại video xem sao? Tôi đã kiểm tra lại và thấy bác Mười nói ... "anh cả của Diệm, Nhu" không hiểu ý bác muốn nói là Khôi hay là Thục.

      Xóa

Vấn đề gia đình, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

 Cuối năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật tình hình, các hiện t...