Ai chẳng muốn vào Harvard! Những ngày gần đây, người dân Việt Nam lại được dịp hân hoan khi 1 học sinh trường Ams được Harvard cho học bổng tới 7 tỷ đồng.
Trái với niềm hoan hỉ tột độ khi một nước thế giới thứ ba có người được lọt vào tháp ngà Harvard, William Deresiewicz, từng là giáo sư Anh Văn 10 năm trường đại học danh tiếng Yale, một người không xa lạ gì với các trường đại học tinh hoa
và “những con cừu xuất sắc” (Excellent
Sheep), đã mang lại cho chúng
ta một cái nhìn cận cảnh về “cuộc chạy đua điên rồ” đến các trường Top và những suy tư của ông về “một nền giáo dục đúng
nghĩa” trong bài viết được Read Station chuyển ngữ này.
Những pháo đài
học thuật này tuyển sinh một cách bí hiểm ra sao? Số phận của những “hồ sơ xuất chúng” nhất được định đoạt thế nào? (Bật mí, nếu bạn chỉ có 5 hoạt động ngoại khóa trên
CV hoặc điểm tổng kết 8.5/10
thì khả năng bị loại của bạn là rất lớn.)
Và trái ngược với những gì chúng ta vẫn nghĩ về những sinh viên giỏi giang và hãnh tiến này, tác giả mô tả cuộc đời của họ cũng nhuốm màu bi thảm như mọi học sinh bình thường khác: học xong cũng chả biết “tiếng gọi” đời mình là đâu.
Cuốn sách đi
kèm với bài viết này, Excellent Sheep: The
Miseducation of the American Elite and the Way to a Meaningful Life, không
phải là một cuốn sách tầm thường. Từ khi ra mắt năm 2015,
cuốn sách đã làm mưa, làm gió từ các văn phòng hiệu trưởng đại học, những nhà làm giáo dục trăn trở với sự chuyển mình của đại học trong thế kỉ 21, đến chính các
học sinh sinh viên -
những người trực tiếp trải qua cuộc chạy đua.
Hi vọng, với việc dịch bài viết này, dự án sẽ giúp bạn và bố mẹ của bạn có một các nhìn phản biện, bớt ảo tưởng hơn về các trường đại học tinh hoa ở Mỹ - nơi các học sinh và phụ huynh giàu có Việt Nam hiện nay đang tìm mọi giá để lao đầu vào.
Bài viết của William Deresiewicz,
trên tờ News
Republic Đừng gửi con bạn đến Ivy League:
Các đại học hàng đầu nước Mỹ đang biến con cái chúng ta thành zombie.
Vẫn nhớ mùa xuân năm 2008, tôi dành thời gian phần lớn trong ngày cho một công việc tại uỷ ban tuyển sinh Đại học Yale. Chúng tôi lúc đó, gồm ba cán bộ tuyển sinh, một thành viên ban chủ nghiệm, và tôi - đại diện khoa,
đang xét duyệt hồ sơ từ khu vực phía đông bang Pennsylvania. Các
thí sinh được chấm điểm từ 1 đến 4 dựa vào một chuỗi các số liệu và mật mã - điểm bài thi chuẩn hoá SAT, điểm trung bình năm (GPA), xếp hạng lớp học (class rank), một điểm số đánh giá
thư giới thiệu (letter of recommendations), vài mật mã chú thích cho những trường hợp đặc biệt như con ông cháu cha (legacies), hay một học sinh có xuất thân/hoàn cảnh khác biệt (diversity cases).
Nhóm được điểm 1 là chắc chắn được nhận, điểm 3 và 4 thì chỉ có thể nhận trong điều kiện đặc biệt - chẳng hạn một vận động viên cấp quốc gia, hoặc một “DevA” (thí sinh thuộc loại ưu tiên nhất trong hạng mục “phát triển trường”
(development case) - có nghĩa là con của một nhà tài
trợ rất giàu có). Nhiệm vụ của chúng tôi
là ra quyết định chọn ai giữa những học sinh được điểm 2. Những chiếc tô lớn đựng đồ ăn vặt được đặt quanh phòng để duy trì năng lượng cho ban tuyển sinh cả ngày.
Trợ lý của chúng tôi, một chàng trai trẻ khoảng chừng 30 tuổi, đọc và giới thiệu về từng thí sinh
bằng những thuật ngữ của phòng tuyển sinh mà cố gắng lắm tôi mới theo kịp được. “Bộ khung ngon” (Good rig): bảng điểm đẹp hứa hẹn một học sinh thành công trên con đường học vấn. “Ed
level 1”: cha mẹ có trình độ giáo dục không vượt quá phổ thông - "hoàn cảnh khó khăn đây". “MUSD”:
một nhạc công triển vọng. Những cô cậu nào mà có từ năm đến sáu thành tích hoạt động ngoại khoá - những “kẻ khoe khoang” (the "brag") - thường gặp rắc rối rồi, vì năm, sáu với chúng tôi vẫn là chưa đủ. Chúng tôi lắng nghe, đặt câu hỏi, bình luận vài thứ, rồi biểu quyết chọn hay không chọn.
Với rất rất nhiều thí sinh tài năng để chọn, chúng tôi thường tìm những đứa trẻ có thứ gì đó đặc biệt hơn, “PQs”
(personal qualities) - phẩm chất cá nhân - thường được thể hiện qua những bài luận và thư giới thiệu. Những thí sinh mà đơn giản chỉ có lý lịch và các con số thường bị từ chối: “không có gì đặc biệt”, “không
phải là một người làm việc nhóm”, “trông
có vẻ nửa vời”. Một thanh niên khác có số lượng thành tích hoạt động ngoại khoá nhiều đến phát rồ và nộp tới 9 lá thư giới thiệu thường sẽ bị đánh giá là “quá dữ dội”. Mặt khác, lý lịch và các con số rõ ràng là thứ không thể thiếu. Tôi được kể rằng những thí sinh
thành công thường hoặc “giỏi toàn diện”
(well-rounded) hoặc “siêu
dị” (pointy)
- nổi bật và đáng chú ý chỉ ở một lĩnh vực - nhưng nếu giỏi theo kiểu dị, chúng phải thực sự rất dị: một nhà soạn nhạc có đĩa ghi
âm gây ấn tượng cho cả hội đồng nghệ thuật, một nhà khoa học chiến thắng trong một cuộc thi cấp quốc gia.
“Siêu
nhân”, James Atlas gọi tên chúng
- là hình mẫu những học sinh cực kỳ thành
đạt và tài năng của các đại học tinh hoa hiện nay. Hai bằng đại học, một môn thể thao, một nhạc cụ, vài tiếng nước ngoài, hoạt động từ thiện ở ngóc ngách xa xôi
nào đó trên thế giới, một vài sở thích cá nhân ném
vào cho cân bằng và toàn
diện: Chúng đã
tinh thông tất cả mọi thứ, cùng với một sự tự tin đến bình tĩnh khiến bạn bè cùng
trang lứa và cả những người trưởng thành đều phải kính sợ. Một giáo viên ở một trường đại học hàng đầu từng yêu cầu các sinh viên của mình học thuộc lòng 30 câu thơ của Alexander
Pope - một nhà thơ thế kỷ thứ 18. Gần như đứa nào cũng nhớ chính xác đến từng dòng. Đó quả là một điều kỳ diệu, cô tâm sự, cứ như là quan
sát bầy ngựa nối đuối nhau chạy vòng tròn vậy.
Nhứng đứa trẻ đáng ghen
tị này quả nhiên là những kẻ thắng cuộc trong cuộc đua mà chúng ta đã vẽ ra cho chúng từ thời thơ ấu. Song, qua những gì tôi đã quan sát ở các học sinh của mình, lắng nghe hàng trăm người trẻ viết thư và trò chuyện cùng tôi những năm gần đây, sự thực hoàn toàn khác xa. Hệ thống giáo dục tinh hoa của chúng ta đã thiết kế ra những người trẻ thông minh, tài năng, và đầy động lực, đúng, nhưng đồng thời cũng đầy lo âu, sợ hãi, lạc lõng, vô định, với sự tò mò tri thức ít ỏi, nhận thức về mục đích và đam mê
bị kiềm chế: mắc kẹt trong cái bong bóng của đặc quyền, ngoan ngoãn đi theo một con đường định sẵn, xuất sắc trong những gì chúng làm nhưng chẳng hiểu tại sao lại làm nó.
Khi tôi nói
về nền giáo dục tinh hoa, tôi đang nói đến những trường đại học danh giá như Harvard, Stanford, Williams hay
các trường có tỉ lệ chọi gay gắt khác, nhưng tôi cũng đang nói đến tất cả những thứ đang góp phần tạo nên nó -
các trường trung học tư và công; thị trường không ngừng lớn của các gia sư và dịch vụ tư vấn giáo dục, các khoá
học chuẩn bị cho kỳ thi chuẩn hoá; thậm chí là
ngay chính bản thân hệ thống tuyển sinh - thứ dậm chân hăm doạ như một con rồng dữ tợn trước ngưỡng cửa trưởng thành;
những trường đại học cao học và cơ hội việc làm tại các công ty tên tuổi sau khi tốt nghiệp; cha mẹ và cộng đồng, chủ yếu là ở tầng lớp thượng-trung lưu - những người đã và đang tìm mọi cách để đẩy con mình vào họng của cỗ máy này. Nói ngắn gọn là, toàn bộ hệ thống giáo dục tinh hoa của chúng ta.
Tôi, không
ai khác, chính là người trong cuộc. Giống như rất nhiều đứa trẻ ngày nay,
tôi bước vào con đường đại học lờ đờ như một kẻ mộng du. Chọn nơi nào danh giá nhất nhận bạn vào; sau đó những gì đợi chờ chúng ta sẽ là địa vị, của cải, và thành
công. Còn những câu hỏi như thế nào mới thức sự là giáo dục và tại sao bạn cần nó - tất cả đều không được quan tâm hay nhắc đến. Chỉ tận sau 24 năm dành thời gian ở Ivy League - học đại học và lấy bằng tiến sĩ ở Columbia, mười năm giảng dạy tại Yale -
tôi mới bắt đầu đặt câu hỏi về việc hệ thống đã làm gì những đứa trẻ và làm sao để chúng thoát khỏi nó, nó đã ảnh hưởng thế nào đến xã hội của chúng ta và làm sao chúng ta có thể triệt phá nó.
Một người phụ nữ trẻ từ một trường đại học khác viết cho tôi thế này về người bạn trai của cô học ở Yale:
“Trước khi vào đại học, anh ấy dành phần lớn thời gian đọc sách và sáng tác truyện ngắn. Ba năm sau, anh ấy trở nên bất an đến đau khổ, lo lắng về những điều mà bạn bè cùng trường tôi chẳng bao giờ để ý đến, như là nỗi hổ thẹn khi phải ăn trưa một mình và việc không rõ anh ấy đã “networking” đủ chưa. Không ai
ngoài tôi biết rằng anh ấy giả vờ mình biết nhiều bằng cách lướt qua chương đầu và chương cuối của tất cả những cuốn sách anh
nghe đến tên, cố gắng ăn sống nuốt trôi những bài giới thiệu sách thay vì đọc sách thật. Anh ấy làm thế không phải vì không ham mê
tri thức, mà là vì
xã hội nơi anh sống đề cao khả năng có thể nói về những quyển sách hơn là việc thực sự đọc chúng."
Tôi đã dạy rất nhiều người trẻ tuyệt vời trong suốt thời gian ở Ivy League
- những đứa trẻ thông minh, chín chắn, sáng tạo mà hẳn là một vinh hạnh để nói chuyện và học hỏi. Nhưng phần lớn dường như hài lòng với một gam màu
trong những dòng kẻ mà hệ thống giáo dục đã vẽ ra cho chúng. Rất hiếm ai nhiệt huyết với các ý tưởng. Rất ít ai coi đại học như là một phần của kế hoạch dài lâu cả đời để khám phá tri thức và phát triển bản thân. Ai ai cũng
ăn mặc như luôn sẵn sàng để được phỏng vấn bất cứ lúc nào.
Nếu nhìn sâu dưới bề mặt của sự hoàn hảo tự tin không tì vết này, những gì bạn thấy sẽ là một mức độ lớn đến độc hại của những nỗi sợ, những phiền muộn, của sự trống rỗng, vô định, lạc lõng và tách biệt. Một khảo sát quy mô lớn trên các sinh viên năm nhất gần đây tìm
ra rằng các phản hồi về sức khoẻ tinh thần của sinh viên đã tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm khảo sát.
Các yêu cầu tuyển sinh giờ đây ngặt nghèo đến nỗi những đứa trẻ được nhận vào các trường đại học tinh hoa chưa bao giờ trải nghiệm điều gì ngoài thành
công. Viễn cảnh về việc không
thành công làm chúng sợ hãi và mất phương hướng. Cái giá của thất bại, dù chỉ là tạm thời, không chỉ là một vấn đề thực tiễn, mà còn
là vấn đề sống còn. Thành tích trở thành một lời chối bỏ tàn bạo với mạo hiểm. Bạn không được phép mắc lỗi, nên bạn sẽ tránh mọi khả năng có thể gây ra lỗi. Một lần, một sinh viên ở Pomona nói với tôi rằng cô ước gì có một cơ hội để suy nghĩ về những gì mình đang học, chỉ tiếc là cô không có thời gian.
Tôi hỏi cô đã bao giờ nghĩ về chuyện không đạt điểm A trên lớp chưa. Và cô nhìn tôi
như thể tôi vừa đưa ra một gợi ý vô duyên và bất lịch sự.
Có một vài ngoại lệ: những đứa trẻ bằng mọi cách, dù phải chống lại dòng chảy xô đẩy của xã hội, cố gằng đạt được một giáo dục đúng
nghĩa. Nhưng những gì trải qua thường khiến chúng cảm thấy mình không khác gì lũ lập dị. Một sinh viên
từng kể với tôi rằng một người bạn của cô đã bỏ Yale vì cảm thấy như ngôi trường đang “bóp chết một phần trong bạn mà bạn vẫn gọi nó là tâm hồn”.
--------------------
“Hoàn vốn”: đó là cách nói mà bạn vẫn thường nghe thấy ngày nay khi mọi người nói về đại học. Thứ mà có vẻ như chẳng ai quan tâm đó là “hoàn” ở đây nên là làm gì? Chúng ta nên làm
gì để 4 năm đại học không vô nghĩa? Có phải nó chỉ đơn giản là kiếm được nhiều tiền hơn? Có phải mục đích duy nhất của giáo dục là giúp bạn kiếm một công việc? Nói một cách ngắn gọn, đại học có ý nghĩa
gì?
Ý nghĩa đầu tiên của đại học đó là dạy bạn cách nghĩ. Nó không
đơn giản chỉ là phát triển các kỹ năng tư duy chuyên biệt cho mỗi ngành học. Đại học là cơ hội để bạn đứng ra ngoài thế giới trong vài
năm, tách biệt bản thân giữa các giá trị truyền thống của gia đình và tiếng gọi cấp bách của công ăn việc làm, để chiêm nghiệm mọi thứ từ xa.
Song, học cách nghĩ mới chỉ là bước đầu. Có một điều quan trọng bạn cần nghĩ đến: xây dựng một nhân cách. Khái niệm này nghe có vẻ kỳ lạ. “Chúng
tôi đã dạy chúng,”
David Foster Wallace nói, “rằng nhân cách là thứ mà các anh phải có.” Chỉ bằng cách kiến lập một sự giao tiếp, một sự kết nối giữa tâm trí và trái tim, giữa kiến thức và trải nghiệm, bạn mới có thể trở thành một cá nhân,
một sinh vật độc nhất - một tâm hồn. Công việc của đại học là dẫn dắt bạn để bắt đầu hành trình này. Những quyển sách, những ý tưởng, những tác phẩm nghệ thuật, những kiệt tác của tư duy, thông qua đó bạn sẽ nhận ra cách
những bộ óc lớn đang tìm câu trả lời theo cách
riêng của họ.
Đại học không phải là cơ hội duy nhất để học cách nghĩ, nhưng nó là cơ hội tốt nhất. Có một điều chắc chắn: Nếu bạn vẫn chưa bắt đầu làm nó cái lúc mà bạn đã tốt nghiệp, khả năng cao là bạn sẽ không làm nó sau này. Phần lớn bốn năm của bạn sẽ lãng phí nếu đại học chỉ thuần tuý chuẩn bị cho sinh viên ra trường đi làm.
Các trường đại học tinh hoa thường tự mãn rằng họ đang dạy học sinh cách nghĩ,
nhưng những gì họ làm chỉ là đào tạo sinh viên các kỹ năng phân tích và
hùng biện - những kỹ năng cần thiết để thành đạt trong kinh doanh
và nghề nghiệp. Tất cả mọi thứ đều là kỹ nghệ - sự phát triển của chuyên môn hoá - và tất cả mọi thứ cuối cùng đều được giải thích bằng các thuật ngữ chuyên môn.
Các đại học tôn giáo - các đại học khu vực mà chẳng ai biết đến tên - thường làm tốt hơn trên phương diện này. Quả là một bản cáo trạng cho Ivy
League và đồng bọn: rằng những trường đại học chỉ đứng bậc bốn trên bảng xếp hạng học thuật, tuyển vào những học sinh có điểm SAT thấp hơn học sinh của họ đến vài trăm điểm, lại đem đến một nền giáo dục tốt hơn, nền giáo dục với ý nghĩa đúng nhất của nó.
Ít nhất thì các trường đại học tinh hoa
đều rất khắt khe và chất lượng trong vấn đề học thuật, không ư? Không nhất thiết. Nếu là các
ngành khoa học thì thường là như vậy. Nhưng ở các ngành khác? Không nhiều lắm. Có một vài ngoại lệ, hẳn nhiên, nhưng các giáo sư và sinh viên đã ngầm ký kết một "hiệp ước không gây hấn”.
Sinh viên được các học viện coi như là “khách
hàng” và thường được thoả mãn nhiều hơn là thách thức. Các giáo sư thường được trả thưởng nhờ các công trình nghiên cứu, vậy nên họ luôn cố gắng dành càng ít thời gian trên lớp càng tốt để tập trung cho đề tài nghiên cứu của mình.
Chính sách đãi ngộ giáo viên
kiểu này đang chống lại chính công việc giảng dạy, và các trường đại học càng danh
giá, khuynh hướng này càng
mạnh. Kết quả là những bài làm
hiện nay dù chất lượng kém hơn nhưng lại được điểm cao hơn.
Đúng là
thanh niên ngày nay giao tiếp và tham
gia xã hội nhiều hơn là thanh niên vài thập kỷ trước, đúng là họ dễ thích nghi với các xu hướng sáng tạo và khởi nghiệp hơn. Nhưng nó đồng thời cũng đúng, ít nhất là ở các trường đại học danh giá,
rằng nếu ngay cả những khát vọng này duy trì được tới lúc ra trường - một cái “nếu” lớn lao - họ thường giới hạn sự kiến tạo của mình trong nhận thức eo hẹp về điều gì tạo nên một cuộc sống giá trị: sự giàu có, thành tích, và thanh thế.
Trải nghiệm, bản thân nó,
đã bị giảm xuống chỉ còn là một phương tiện để viết bài luận đại học. Từ việc học đến trải nghiệm, tất cả đều được biến thành thứ hàng hoá cho hồ sơ tuyển sinh, bước tiếp theo sau những con số và thành tích đẹp là tìm kiếm những trải nghiệm có thể đem ra sản xuất thành bài luận. Thời báo New York báo cáo rằng giờ đây đã có những trung tâm làm ăn phát đạt từ việc sản xuất các mùa hè chuẩn-bị-cho-bài-luận. Song, thứ làm chúng ta rùng mình nhất là sự nông cạn của những hoạt động này: một tháng du lịch vòng quanh nước Ý để học về thời kỳ Phục hưng, “cả một ngày” làm
việc với một band nhạc. Cả một ngày cơ đấy!
Tôi nhận ra được một điểm chung từ những hoạt động thiện nguyện. Tại sao những học sinh đó lại phải cần đến những nơi như Guatemala (một quốc gia ở Trung Mỹ) để làm các dự án cứu trợ, thay vì những nơi rất gần như Milwaukee hay
Arkansas (một thành phố và một bang của nước Mỹ)? Khi các bạn đang ở Mỹ, tại sao ai cũng phải đi bằng được đến New Orleans? Có lẽ đó chẳng phải điều đáng ngạc nhiên gì,
khi bọn trẻ được dạy để nghĩ về việc tình nguyện, sự giúp đỡ người khác như là thứ để phục vụ cho lợi ích bản thân chúng - đúng
vậy, một thứ để làm đẹp hồ sơ. “Thành công bằng cách làm việc tốt” trở thành một khẩu hiệu.
Nếu có một khái niệm, mà qua
đó ý nghĩa của trách nhiệm xã hội được truyền đạt tại các ngôi
trường danh giá, thì đó
là “leadership” - kỹ năng lãnh
đạo. “Harvard là nơi dành cho những nhà lãnh đạo” là một câu nói sáo rỗng của dân khu Cambridge. Trở thành một học sinh thành đạt đồng nghĩa với việc bị thôi thúc để nghĩ về bản thân như là một thủ lĩnh tương lai của xã hội. Nhưng những gì các đại học này nghĩ khi nói đến khả năng lãnh đạo không gì hơn là việc leo lên hàng top. Tạo dựng mối quan hệ ở một công ty
luật có tiếng, trở thành một giám đốc, một CEO, leo lên đỉnh của bất cứ hệ thống cấp bậc nào bạn tham gia. Tôi không nghĩ với những con người ở các đại học tinh hoa
thì leadership có ý nghĩa gì cao hơn, hay bất cứ ý nghĩa gì khác.
Điều mỉa mai là sinh viên ở các đại học tinh hoa được nói rằng họ có thể trở thành bất cứ thứ gì họ muốn, nhưng phần lớn cuối cùng đều chọn trở thành những thứ na ná nhau. Như vào năm 2010, khoảng 1/3 số sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu đều đi làm trong các công ty tài chính hoặc tham vấn tài chính, kể cả Harvard, Princeton, và Cornell. Những ngành nghề còn lại đã biến mất khỏi tầm nhìn của họ: từ quân sự, chính trị bầu cử, đến phần lớn các
chuyên ngành học thuật, kể cả khoa học cơ bản.
Mọi người sẽ coi bạn là 1 kẻ hào hoa nếu bạn bỏ học từ một trong các
trường danh giá và trở thành một Mark Zuckerberg tiếp theo, nhưng lại được coi là lố bịch nếu bạn làm một nhà hoạt động xã hội. “Thứ mà Phố Wall nhận ra,” Ezra
Klein nói, “đó là các đại học đang sản xuất một lượng lớn những sinh
viên ra trường dù ưu tú nhưng hoàn toàn bối rối. Những đứa trẻ sở hữu một mã lực tư duy khổng lồ, một đạo đức nghề nghiệp tuyệt vời, và không có tí
khái niệm nào về việc chúng sẽ làm điều gì tiếp theo.”
Với phần lớn các đại học danh giá, hệ thống đang làm
rất tốt việc của nó. Số lượng các hồ sơ nộp tuyển tiếp tục tăng lên, các nguồn tài trợ ngày càng phong phú, học phí tăng dù đem đến nhiều lời phàn nàn
nhưng không hề có dấu hiệu xuống dốc trong kinh doanh. Còn việc nó có đang hoạt động tốt với những người khác không thì lại là một câu hỏi khác.
-------------
Chẳng phải lố bịch khi ta khẳng định rằng những trường đại học như Harvard là những pháo đài kiên cố của đặc quyền, nơi mà những người giàu gửi con em họ để học cách đi
cách đứng, cách
nói năng và suy nghĩ như một người giàu. Chẳng phải chúng ta
đều biết điều này rồi sao?
Chúng không được gọi là các đại học tinh hoa không vì ý nghĩa cả. Nhưng kết quả là chúng ta lại thích giả vờ theo một cách
khác: rằng dù sao
thì chúng ta vẫn đang sống trong thời đại của chế độ trọng dụng nhân tài (meritocracy).
Biểu hiện của công bằng xã hội được thể hiện qua hệ thống chính sách chạy bên dưới khẩu hiểu: “sự đa dạng” (diversity). Và đa dạng thực sự thể hiện điều gì khác hơn ngoài một cuộc cách mạng xã hội? Princeton, dù đã từng không nhận sinh viên nữ mãi cho tới năm 1961 - cũng là năm mà trường chỉ có duy nhất một sinh viên
Mỹ gốc Phi - giờ đây có một nửa số sinh viên
là nữ và chỉ có một nửa sinh viên
là da trắng. Song,
đa dạng về giới tính và màu da đã trở thành vỏ bọc cho phong trào phá bỏ nạn phân biệt chủng tộc - thứ cuối cùng lại đem đến rất nhiều tiền cho các trường. Các trường đại học tinh hoa
vẫn đang phụ thuộc vào bộ mặt đạo đức họ có được từ cải cách giáo
dục những năm 1960, khi họ quyết định một bước tiến táo bạo trong việc tháo bỏ cơ chế giáo dục chỉ phục vụ cho tầng lớp quý tộc da trắng.
Sự thật là chế độ trọng dụng nhân tài
của chúng ta chưa bao giờ thực sự giải quyết được vấn đề thiên vị. Ghé
thăm khuôn viên các trường đại học danh giá, bạn sẽ rung động trước cảnh tượng "ấm lòng" khi
nhìn những đứa trẻ là con của các doanh nhân và
chính khách da trắng đang học và chơi đùa bên cạnh những đứa trẻ khác là con của các doanh nhân và
chính khách da đen, châu Á, hay Mỹ Latinh. Sinh viên ở Stanford nghĩ rằng chúng đang được học và sống trong một môi trường đa dạng nếu như một người đến từ Missouri
và người khác đến từ Pakistan, hoặc nếu một người thì chơi cello và người kia thì chơi khúc côn cầu. Chẳng bận tâm rằng bố mẹ của chúng đều toàn là bác sĩ và giám đốc ngân hàng.
Điều đó không có nghĩa là không có một vài ngoại lệ, nhưng nhìn
chung là vậy. Sự thật là, nhóm người yếu thế và khó khăn nhất trong xã hội chúng ta là tầng lớp lao động và những nông dân da trắng - những đối tượng gần như chẳng bao giờ xuất hiện ở một trường đại học danh giá của chúng ta. Cái
"đa dạng” mà trường nói đến là tất cả những gì bạn đã thấy: những sinh viên với nhiều màu da và
xuất xứ từ những gia đình
thượng lưu và trung lưu đến đây học và chung
sống với nhau.
Đừng tự lừa phỉnh bản thân nữa: Trò chơi tuyển sinh đại học này không phải là để tầng lớp hạ lưu và trung
lưu tìm cách vươn lên trong xã hội, và cũng chẳng phải để tầng lớp thượng lưu cố gắng duy trì
vị trí của họ. Nó là để xác định các vị trí của hệ thống cấp bậc bên trong chính tầng lớp thượng lưu. Tại những vùng ngoại ô và thành thị giàu có nơi mà chủ yếu trò chơi này đang
được cạnh tranh, vấn đề không phải bạn có được nhận vào một trường đại học tinh hoa
hay không. Mà vấn đề là bạn đi học ở ngôi trường tinh hoa nào. Đó là cuộc chạy đua giữa Penn và
Tufts, không phải là Penn với Penn State. Chuyện một thanh niên sáng dạ có thể đi học ở Ohio State (một trường thường), trở thành một bác sĩ, có nhà ở Dayton, và có một cuộc sống khá giả chẳng có gì đáng kể. Kết quả như vậy vẫn là quá xoàng để nghĩ đến.
Hệ thống đang ngày càng làm gia tăng sự bất công, khoảng cách giàu nghèo, làm ì ạch sự dịch chuyển của xã hội, bảo vệ duy trì những đặc quyền, và tạo ra một tầng lớp tinh hoa tách biệt hoàn toàn khỏi cái xã hội mà lẽ ra họ phải lãnh đạo. Những con số là không
thể chối cãi. Năm 1985, 46% sinh viên
năm nhất tại top 250 trường đại học danh giá đến từ một phần tư số dân có thu nhập cao nhất. Đến năm 2000, con số này là 55%. Vào
năm 2006, chỉ có khoảng 15% số sinh viên của những ngôi trường cạnh tranh nhất đến từ nửa nghèo nhất của dân số. Trường càng danh giá, xu hướng bất bình đẳng giữa các sinh viên được chọn càng cao. Các đại học công lập cũng chẳng khá hơn gì các trường đại học tư là mấy. Như năm 2004,
40% số học sinh được nhận từ các trường công danh giá nhất đến từ những gia đình có thu nhập từ 100,000$ trở lên.
Lý do chính
cho xu hướng này rất rõ ràng. Không phải là vì học phí tăng (dù đó cũng là một yếu tố), mà là do
kinh phí không ngừng tăng để sản xuất ra một đứa trẻ thích hợp để cạnh tranh
trong trò chơi tuyển sinh này. Càng nhiều chướng ngại vật, số tiền bỏ ra càng đắt đỏ để mua
"bệ phóng”
giúp con bạn vượt qua những yêu cầu tuyển sinh đó.
Những gia đình giàu bắt đầu bỏ tiền để mua cho con họ một con đường đến với các trường đại học tinh hoa
từ khi đứa trẻ mới sinh ra:
học nhạc, học thể thao, du lịch nước ngoài (thông qua các chương trình “làm phong phú trải nghiệm”) - quan trọng nhất, hẳn nhiên, là học phí đắt đỏ trả cho các trường tư hoặc sinh hoạt phí ở các trường công top
đầu.
Bài thi chuẩn hoá SAT đáng nhẽ ra được dùng để đánh năng lực, nhưng thực ra nó là thứ để đánh giá khả năng thu nhập của cha mẹ.
Ngày nay,
ít hơn một nửa các học sinh giỏi nhưng gia đinh thu nhập thấp có ý định đăng ký vào đại học.
Vấn đề không phải là không
nhiều các học sinh nghèo nhưng giỏi và đủ tư cách để được chọn. Các trường không thể chi trả cho tất cả những học sinh nghèo này được - họ cần có một lượng lớn những học sinh có
thể trả toàn bộ học phí và nguồn tài trợ thì không
bao giờ là đủ cho tất cả mọi trường hợp - thậm chí còn
không rõ là họ có muốn hay không.
Do vậy, khó có thể là do trùng hợp tình cờ khi bất bình đẳng trong
thu nhập ngày càng
tăng, hoặc sự chuyển dịch xã hội của Mỹ đang thấp hơn gần như tất cả các quốc gia phát triển khác. Các đại học tinh hoa không chỉ bất lực trong việc đảo nghịch xu hướng bất bình đẳng trong xã hội; chính sách của họ thậm chí chủ động thúc đẩy nó.
-------------
Có điều gì tôi có thể làm, rất nhiều bạn trẻ từ các trường danh giá đã viết thư hỏi tôi, để tránh việc trở thành một cục “shit" hạng nhất được bao vây bởi những đặc quyền? Tôi không
có một câu trả lời thoả đáng. Bạn không thể đơn giản nghĩ ra một cách để đồng cảm với những người có hoàn cảnh khác mình khi bạn chẳng biết gì về họ cả. Bạn cần tiếp xúc trực tiếp với họ, và nó phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng: không
phải trong bối cảnh “tình nguyện”, không phải với tinh thần “cố gắng”, và
cũng chẳng phải như cách bạn “mua một cốc cafe cho một thành viên ban cố vấn đại học để làm quen
và hỏi thông tin cá nhân
của họ”.
Thay vì
tình nguyện, tại sao không thử làm công việc của những người bạn muốn giúp đỡ? Điều đó sẽ cho bạn rất nhiều nhận thức sâu sắc về cuộc sống của những con người này. Tại sao không thử làm công việc bồi bàn để tự thân nhận ra việc này khó khăn đến đâu, cả về thể chất lẫn tinh thần? Bạn thực sự không hề thông minh như những gì mọi người vẫn nói về bạn; bạn chỉ thông minh
hơn ở một vài khía cạnh thôi. Ngoài kia có rất nhiều những con người thông minh nhưng không đến các trường đại học danh giá,
hoặc thậm chí bất cứ đại học nào - chủ yếu là vì lí do giai cấp.
Tôi đang
không ảo tưởng khi nói rằng việc bạn đi học ở đâu
thực sự không quan trọng. Nhưng chúng ta có những lựa chọn. Vẫn có những trường đại học công rất tốt ở khắp các vùng trên cả nước. Hệ thống giáo dục ở đó chủ yếu chú trọng vào cá nhân, và thực sự đem đến một môi trường đa dạng về xuất thân kinh
tế xã hội, cùng với tất cả những trải nghiệm đáng giá
nó có thể đem đến.
Tờ báo U.S News and World Report
cung cấp những con số phần trăm tỉ lệ các sinh viên năm nhất đứng trong top 10 ở trường trung học của họ. Với 20 trường đại học top đầu, con số này thường cao hơn 90%. Tôi sẽ rất lo lắng nếu đi học ở một ngôi trường như vậy. Các sinh
viên quyết định chất lượng của các buổi tranh luận trong lớp; họ định hình các
giá trị và kỳ vọng của bạn, dù tốt hay xấu. Một phần cũng là
vì chất lượng sinh viên mà tôi vẫn khuyên học sinh tránh xa Ivy và đồng bọn của chúng. Những sinh viên ở các trường ít danh giá hơn thường thú vị hơn, tò mò hiếu học, cởi mở hơn, và ít thích cạnh tranh hay ít được thiên vị hơn.
Nếu có một nơi nào đó mà đại học vẫn là đại học - nơi mà giảng dạy và nhân văn vẫn đi chung với nhau - thì đó là
các đại học liberal arts (các
trường đại học khai phóng). Những trường này thường nhỏ, không phải một nơi hợp với tất cả, và thường khá cô lập, cũng là một thứ không phải dành cho
tất cả. Lựa chọn tốt nhất có lẽ là các trường bậc hai (các trường dưới top 50 nhưng trên top 100) như là Reed, Kenyon, Wesleyan, Sewanee,
Mount Holyoke, và các trường khác.
Thay vì cố gắng cạnh tranh với Harvard và Yale, các trường này duy trì lòng trung thành của mình với những giá trị giáo dục đích thực.
Không biến thành một cục “shit” sống trong đặc ân cả đời là một mục tiêu đáng
ngưỡng mộ. Nhưng cuối cùng thì
vấn đề cốt lõi đó là hoàn cảnh đã không cho chúng ta một lựa chọn nào khác. Thời khắc đã đến, không chỉ đơn giản là cải cách cả hệ thống từ trên xuống dưới, mà là tìm một lối thoát cho chúng
ta để cùng nhau
tiến đến một xã hội kiểu mới.
Hệ thống giáo dục cần phải hành động để giảm nhẹ sự phân chia giai cấp, chứ không phải mô phỏng và tái sản xuất nó. Cuộc cách mạng chúng ta cần làm bây giờ nên dựa trên giai cấp chứ không phải sắc tộc. Sự ưu tiên cho con ông cháu cha và các vận động viên cần bị loại bỏ. Điểm SAT nên được xem xét cùng với các nhân tố kinh tế xã hội của học sinh.
Các trường đại học nên chấm dứt vấn nạn nhồi-nhét-vào-hồ-sơ bằng cách đưa ra giới hạn số hoạt động ngoại khoá bọn trẻ có thể liệt kê ở đơn xin học của chúng. Họ nên đề cao các trải nghiệm công việc thiện nguyện mà những học sinh thu nhập thấp vẫn thường làm khi ở trung học mà những đứa trẻ thành đạt chẳng bao giờ mó đến. Họ phải từ chối chuyện thiên vị với những cơ hội mà họ có thể tận dụng từ sự giàu có của cha mẹ học sinh. Và tất nhiên, họ nên dừng lại việc hợp tác với tờ U.S News (Trang xếp hạng các trường đại học ở Mỹ).
Nhìn chung,
họ cần phải suy nghĩ lại khái niệm của việc trọng dụng nhân tài. Nếu các trường muốn đào tạo một thế hệ những nhà lãnh đạo tốt hơn so với chúng ta đang có hiện nay, họ phải tự hỏi bản thân xem những phẩm chất gì nên được thúc đẩy.
Chọn học sinh từ điểm GPA và số lượng hoạt động ngoại thường có lợi cho những học sinh tuân thủ biết nghe lời hơn là những bộ óc độc lập và sáng tạo.
Song, sự thay đổi cần đi sâu hơn là chỉ cải cách hệ thống tuyển sinh. Nó
có thể giải quyết vấn đề thường thường, nhưng không thể giải quyết vấn đề bức bối hơn của bất công. Vấn đề nằm trong chính Ivy
League. Chúng ta đã ký kết sự đào tạo tầng lớp lãnh đạo cho một vài trường đại học tư nhân. Dù họ có khẳng định hành động vì lợi ích chung như thế nào đi nữa, họ luôn đặt quyền lợi của mình lên trước. Liệu ham muốn tiền tài trợ từ cựu học sinh của Harvard có phải là một lí do chính đáng để cứ duy trì
mãi mãi hệ thống giai cấp như thế này?
Tôi đã từng nghĩ rằng chúng ta cần tạo ra một thế giới nơi mà tất cả những đứa trẻ đều có cơ hội ngang nhau để được học ở Ivy League. Nhưng tôi đã nhận ra rằng thứ mà chúng
ta thật sự cần là tạo ra một xã hội mà con em chúng ta KHÔNG CẦN phải học ở Ivy League, hay bất cứ trường tư nào, để có một giáo dục tốt.
Đó là nền giáo dục công chất lượng cao, được cấp tiền từ ngân sách công, cho quyền lợi của tất cả mọi người: thứ đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của giáo dục công lập sau những năm chiến tranh.
Tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau để có thể tiến xa nhất xứng đáng với nỗ lực và tài năng của họ - bạn biết đó, chính là giấc mơ Mỹ. Tất cả mọi người đều nên được trải nghiệm nền giáo dục khai phóng mà các trường liberal arts đang tạo ra để có được một tâm trí rộng mở, một tâm hồn giàu có.
Chúng ta đã
nhận ra rằng nền giáo dục chất lượng và miễn phí từ tiểu học đến phổ thông là một quyền con người. Chúng ta
cũng nên nhận ra - như cách mà chúng ta đã từng và rất nhiều quốc gia khác
đang - rằng điều đó cũng đúng với giáo dục đại học. Chúng ta
đã từng có chế độ quý tộc. Chúng ta
đã từng có chế độ nhân tài. Giờ là lúc cần có được một nền dân chủ.
P.S: Để mắt thấy tai nghe
cuộc tranh luận này, bạn có thể xem thêm video dài 1h45’ của tác giả bị “luộc” tại chính trường Harvard, với “ban chất vấn” là những đại diện cốt cán của trường như Homi K. Bhabha, Director of
Humanities Center; Rakesh Khurana, Dean of Harvard College; Diana
Sorensen, Dean for the Arts and Humanities; Fawwaz Habbal; Executive
Dean for Education and Research, Harvard School of Engineering and Applied
Sciences...
Hãy nghe
chính tiếng nói từ những người trong cuộc như các sinh viên, giảng viên, trưởng khoa của Harvard...để xem liệu “căn bệnh ung thư” mà William Deresiewicz
nói đến có thực sự tồn tại hay không.
https://www.facebook.com/notes/read-station/harvard-%C6%B0-nh%E1%BB%AFng-con-zombie-xu%E1%BA%A5t-ch%C3%BAng/1295598713790687
Ideal Elite College Students: "Excellent Sheep"
The Ivy League Provides the Best Trade Schools Around
Ideal Elite College Students: "Excellent Sheep"
The Ivy League Provides the Best Trade Schools Around