Lời Đại
Tướng Võ Nguyên Giáp viết cho lần xuất bản thứ ba
cuốn
“Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường kách mạng Việt Nam”
Từ
sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng ta, quán triệt nghị quyết
“Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động…”, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh,
sâu rộng và có tổ chức, nổi bật là các đề tài trong chương trình cấp nhà nước
“Về tư tưởng Hồ Chí Minh”, mang mã số KX-02.
Cuốn
sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường kách mạng Việt Nam” của một tập thể tác
giả do tôi làm chủ biên, được xuất bản vào tháng 5-1977, là thành quả của đề
tài cấp nhà nước KX-02-01, một đề tài mang tính tổng quan, nghiên cứu, giải đáp
những vấn đề chung và cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh như khái niệm, nguồn gốc,
quá trình hình thành, những luận điểm sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh và phương hướng
quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, vào sự nghiệp đổi mới
của Đảng ta, nhân dân ta.
Cuốn
sách ra đời, được sự hoan nghênh, hưởng ứng của các đồng chí lãnh đạo, các cán
bộ nghiên cứu và của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong lần
xuất bản thứ nhất, do sự hạn chế của bước đầu nghiên cứu và do còn ý kiến, chưa
gặp nhau trong việc đưa ra công luận một số tư liệu, một số vấn đề, nên có một
số thông tin quan trọng, một số điểm chưa có điều kiện nói rõ được.
Thể
theo yêu cầu của bạn đọc và của Nhà xuất bản nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách lần thứ II, có bổ
sung, sửa chữa.
Từ
lúc ra đời cho đến nay, đã hơn 6 năm thử thách, cuốn sách thể hiện được tính
đúng đắn, khoa học và đã cung cấp những kiến thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí
Minh, tạo cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu tuyên truyền giáo dục quán triệt
sâu sắc hơn. Chính vì vậy, Bộ phận biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã
đánh giá: “Đây là một công trình lớn, có giá trị về lý luận và thực tiễn, đánh dấu
một bước phát triển mới trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ sở để
chúng ta tiếp tục nghiên cứu, hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của Người”.
Nội
dung cuốn sách, cùng với những thành tựu nghiên cứu khác về tư tưởng Hồ Chí
Minh, đã cung cấp cơ sở để Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng có sự
khái quát cô đọng, chặt chẽ về khái niệm, nguồn gốc hình thành và những nội
dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một bước tiến trong nghiên cứu và
trong sự thống nhất nhận thức một số vấn đề cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Là
người may mắn và hạnh phúc được sống gần ba thập kỷ bên Bác, trong một hoàn cảnh
khó khăn, ngặt nghèo cũng như trong những thời cơ thuận lợi của cách mạng Việt
Nam từ khi Bác trở về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng cho đến lúc Bác vĩnh viễn
đi xa, tôi được Bác tin tưởng giao cho nhiều trọng trách mới mẻ tưởng chừng vượt
quá sức gánh vác của mình, nhất là trong những ngày đầu cuộc Cách mạng tháng
Tám – 1945 và trong lĩnh vực lãnh đạo quân đội quốc phòng từ ngày đầu thành lập
Quân giải phóng cho đến suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Pháp
và Mỹ. Đồng thời cũng được Bác chân tình dạy dỗ, hướng dẫn từng đường đi nước
bước, từng chủ trương, kế hoạch, từng lời nói, việc làm, cả trong nhiệm vụ
chung và cả trong đời sống riêng tư. Lúc nào, ở đâu, việc gì, thành hay bại,
khó khăn hay thuận lợi, tiến hay tạm lùi, đều như có Bác bên cạnh. Những tư tưởng,
quan điểm, những lời khuyên nhủ và tấm gương thực tế xử lý mọi việc đối với mọi
người của Bác đã giúp tôi bình tĩnh, dũng cảm, sáng suốt tìm được chủ trương,
biện pháp, đúng đắn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên mọi cương vị công tác
và trưởng thành về mọi mặt.
Mấy
năm gần đây, dù đã đến tuổi 90 – cái tuổi gần đất xa trời, tôi vô cùng phấn khởi
được giao trọng trách góp phần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, có điều kiện,
có thời gian, có độ lùi lịch sử cần thiết để tìm hiểu thêm về Bác và soi lại
lòng mình.
Càng
nghiên cứu, càng kiểm tra lại những việc Bác đã chủ trương, đã làm, để đưa cách
mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, đạt đến những thắng lợi vĩ đại như ngày
nay, càng thấy công ơn trời biển của Bác đối với Cách mạng Việt Nam và thấy sự
vĩ đại vô cùng của Bác. Đúng như sự khái quát của đồng chí Trường Chinh và của
một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác, Bác là một bậc “đại nhân, đại trí, đại
dũng”. Bác là nhà chính trị - văn hoá kiệt xuất, nhà tổ chức vĩ đại, nhà quân sự
đại tài, tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời mà gần gũi bình dị. Nổi bật hơn
cả và xuyên suốt là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc kết hợp với chủ nghĩa
quốc tế vô sản; là sự gắn bó, kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc với giai cấp, độc
lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu lý tưởng giải phóng dân tộc,
giải phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người. Tư duy nhận thức đó là sự
thống nhất nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, thực tiễn với lý luận, là sự gần
dân, lời nói đi đôi với việc làm, kế hoạch một biện pháp hai ba; lắng nghe ý kiến,
tâm tư nguyện vọng của dân, do dân, dựa vào dân, phát huy mọi tiềm lực của toàn
dân.
Những đánh giá, những nhận định về bản
chất, về giá trị đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh và về Hồ Chí Minh, của bạn bè
quốc tế, coi Hồ Chí Minh là hiện thân của cuộc cách mạng, là một nhân vật kỳ lạ
của thời đại ngày nay… Theo tôi, đây là những đánh giá, những suy xét khách
quan, khoa học và vô cùng sâu sắc của những nhà lãnh đạo, những trí giả, những
nhà nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế mà chúng ta cần quan tâm suy nghĩ, tìm hiểu để
lĩnh hội hết cái “hồn”, cái “thần” của nó, giúp ta hiểu sâu thêm, thấy rõ hơn
“cái vĩ đại”, tầm cỡ lịch sử và quốc tế của Bác và của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trọn
đời đi theo con đường của Bác, của Đảng, làm người học trò, người cộng sự của
Bác, tôi vô cùng tự hào là đã đáp ứng được lòng tin của Bác, tôi vô cùng tự hào
là đã đáp ứng được lòng tin của Bác, đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, cùng với
toàn Đảng, toàn dân thực hiện xuất sắc tư tưởng và nguyện vọng của Người ghi
trong Di chúc thiêng liêng là “đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước
nhà, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng lại đất nước ta đàng
hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tuy nhiên, việc lĩnh hội, tiếp thu, chấp hành những
quan điểm tư tưởng, những chủ trương của Bác không phải là giản đơn, dễ dàng.
Đó là vì, trình độ, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thực tiễn của lứa tuổi
chúng tôi lúc bấy giờ còn có khoảng cách lớn so với “tầm” của Bác, trong anh em
chúng tôi một số có ít nhiều biểu hiện giáo điều, hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin
qua sách báo, như những công thức cứng nhắc… Mặt nữa là tình hình thực tiễn của
cách mạng Việt Nam thời kỳ bấy giờ vô cùng phức tạp. Nhiều sự kiện diễn ra
ngoài suy nghĩ, tưởng tượng của chúng tôi như đại đoàn kết với mọi thành phần
yêu nước, nhẫn nhịn bọn Tưởng, lùi một bước với Pháp, “hoà để tiến” vì mục tiêu
của kách mạng Việt Nam.
Một
sự kiện có lẽ ít người biết và sách báo hình như chưa đề cập đến. Đó là vào lúc
tôi đi chiến dịch Đông – Xuân 1950 – 1952, ở căn cứ Việt Bắc, Đảng đang tiến
hành Hội nghị trừ bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II với chủ trương Đảng
ra công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam cùng với cương lĩnh mới:
Cương lĩnh hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xoá bỏ di tích phong kiến
và nửa phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, làm cho nước Việt Nam độc
lập và thống nhất dân chủ tự do, phú cường và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng
chí Trường Chinh viết thư cho tôi cho biết là tình hình thảo luận khá gay go,
nhất là vấn đề đổi tên Đảng, thậm chí có đại biểu đặt vấn đề gay gắt là đổi tên
Đảng vậy có còn Đảng cộng sản nữa không, đổi tên Đảng là đụng chạm đến tình cảm,
truyền thống, là xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin… Tình hình trên được báo cáo lên
Bác. Hôm sau, trong buổi họp ở Hội trường, Bác chỉ nêu 2 ý: một là Quốc tế cộng
sản chủ trương làm Cách mạng vô sản và thiết lập chuyên chính vô sản, vậy có phải
nơi nào cũng làm cách mạng vô sản và thiết lập chuyên chính vô sản như nhau
không? Thứ hai, chủ nghĩa Mác – Lênin là gì? Nói tóm tắt là ích quốc lợi dân,
điều gì đưa lại quyền lợi cho nhân dân, đều là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng chí
Trường Chinh viết tiếp: “Sau khi nghe Bác giải thích gọn gàng, thuyết phục, cả
hội trường đứng dậy vỗ tay vang dậy tán thành”. Cuối cùng đồng chính Trường
Chinh nhận xét là các đồng chí ta còn giáo điều và cũ lắm, toàn Đại hội và toàn
Đảng đã hoàn toàn nhất trí với việc lấy tên “Đảng Lao động Việt Nam” và với
cương lĩnh mới.